Thành phố Lạng Sơn: Đa dạng hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non

Thứ 6, 18.12.2020 | 14:49:26
1,637 lượt xem

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, thời gian qua, các trường mầm non trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã chú trọng tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hình thức trải nghiệm. Qua đó, nhằm tạo cơ hội cho trẻ khám phá theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”.

Theo đó, để nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non, ngành giáo dục thành phố đã quan tâm triển khai tới các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường hoạt động vui chơi, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ. Hướng đến mục đích trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ.

Học sinh Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động trải nghiệm tại doanh trại quân đội

Là trường đạt chuẩn quốc gia, Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ được đánh giá là một trong những trường mầm non công lập của thành phố có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Tham gia một giờ học tập trải nghiệm bữa cơm gia đình của các em học sinh 4 tuổi của nhà trường, mới thấy được sự háo hức, vui vẻ của các em khi được tự tay nhặt rau, bóc trứng dưới sự hướng dẫn của cô giáo để chuẩn bị cho bữa cơm của mình. Cô Bùi Thu Hoài, giáo viên Trường Mầm non Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Các giờ học trải nghiệm hằng tháng đã trở nên quen thuộc với các em. Mỗi giờ học đều đem đến cho các em sự vui vẻ, tò mò và khám phá. Qua các giờ học này, các em năng động, tự tin hơn trong giao tiếp và biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.

Còn như Trường Mầm non 19/5, việc tổ chức các hoạt động cho trẻ trải nghiệm đã được nhà trường thực hiện theo hình thức mỗi tháng một chủ đề: từ tìm hiểu các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố, những món ăn đặc sản, đến chủ đề về quê hương thân yêu, hướng dẫn kỹ năng tự lập, tự phục vụ bản thân. Chị Nguyễn Thu Hiền có con đang theo học tại Trường Mầm non 19/5 cho biết: Các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống của nhà trường thật sự rất hay và bổ ích. Bởi khi các cháu đi học về đến nhà đã biết tự giác cất đồ chơi, phụ mẹ nhặt rau, gấp quần áo…Mặc dù còn lóng ngóng nhưng thấy các cháu có ý thức như vậy khiến các bậc phụ huynh chúng tôi rất vui.

Không chỉ thế, ở các trường mầm non, bên trong mỗi lớp học đều được trang trí với màu sắc sinh động có hình nhân vật ngộ nghĩnh, có không gian phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống của trẻ. Mỗi nhóm/lớp có đầy đủ các khu vực, góc hoạt động như: xây dựng, phân vai, tạo hình, sách, khám phá, âm nhạc, vận động và tập làm nội trợ. Khu vực ngoài lớp học được các trường bố trí đa dạng các mô hình trải nghiệm ngoài trời như: xích đu, cầu trượt, đồi núi, mô hình các loài vật, trò chơi dân gian, góc khám phá… để trẻ có thể tự chơi theo ý thích cá nhân, phù hợp chủ đề theo từng đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớp cùng sở thích. Qua đó, trẻ học cách tự quyết định, chia sẻ và cộng tác; được thực hành, tích lũy kinh nghiệm phong phú, mở rộng trí tưởng tượng và bộc lộ khả năng, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Hiện thành phố có tổng số 22 trường, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Trong đó, 11 trường mầm non công lập, 7 trường mầm non tư thục; 4 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, với gần 7.000 trẻ. Nhiều năm qua, các hoạt động trải nghiệm dành cho trẻ mẫu giáo còn được các trường tổ chức thành những buổi tham quan trường tiểu học (đối với trẻ 5 tuổi) để trẻ làm quen với môi trường học tập sau này, hoặc cho trẻ tìm hiểu thực tế ở các đơn vị doanh trại quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bảo tàng, khu di tích lịch sử, thực hành trải nghiệm kỹ năng sống, thực hành trải nghiệm làm nông dân… tạo sự hào hứng cho trẻ.

Cô Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Ở tuổi học sinh mầm non một trong những hạn chế chính là thiếu kỹ năng sống. Do đó, tổ chức các hoạt động trải nghiệm hoặc lồng ghép thêm vào các chương trình giáo dục kỹ năng sống sẽ giúp ích rất nhiều cho các em phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ. Qua đó, giúp các em hình thành kỹ năng cơ bản, trưởng thành hơn từ môi trường giáo dục. Cùng với đó, việc đa dạng công tác giáo dục cũng góp phần quan trọng huy động trẻ ra lớp. Từ năm 2019 đến nay, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn luôn đạt trên 70% (toàn tỉnh là 68%). Tính riêng từ đầu năm học 2020 – 2021, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ trên địa bàn thành phố đạt 71,04% (toàn tỉnh là 37,5%).


THẢO NGUYÊN/baolangson.vn

http://baolangson.vn/giao-duc/330469-thanh-pho-lang-son-da-dang-hoat-dong-trai-nghiem-cho-tre-mam-non.html

  • Từ khóa