Do Covid-19, du học sinh trải qua một năm biến động, phải lựa chọn đánh đổi khi về nước tránh dịch, trì hoãn hoặc chuyến hướng dự định du học.
Đầu tháng 1, dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Số người nhiễm bệnh tại Trung Quốc gần 6.000, riêng tại Vũ Hán 132 người tử vong. Ngày 23/1, chính quyền Vũ Hán phong tỏa thành phố khiến 24 du học sinh Việt Nam cùng người thân mắc kẹt.
Hàng ngày, du học sinh đo thân thiệt, đeo khẩu trang cả khi ở trong nhà và chỉ đi siêu thị một tuần một lần để tích trữ lương thực. Đa số có người thân, con cái sống cùng ở Vũ Hán, có người sắp sinh. Do đó, gần 20 người có nguyện vọng sơ tán khỏi Vũ Hán thông qua chuyến bay cứu trợ. Đến 8/2, sau nhiều tuần chờ đợi, chuyến bay của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về, trong đó có 16 du học sinh..
Nhóm lưu học sinh Việt cùng người thân và một số công dân Việt Nam chụp ảnh ở sân bay Thiên Hà trước khi về nước, ngày 8/2. Ảnh: Diên Tuấn
Đến đầu tháng 3, Covid-19 nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Nhiều nước đã cho học sinh nghỉ học, như: Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Iran, Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ... và chuyển sang học trực tuyến. Đến 14/3, 61 quốc gia, vùng lãnh thổ đóng cửa trường học để phòng dịch.
Tại châu Âu và Mỹ, nhiều nơi không áp dụng biện pháp ngăn chặn Covid-19 và khuyến cáo người dân đeo khẩu trang từ sớm khiến dịch bùng phát nhanh chóng, số người mắc bệnh và tử vong tăng theo cấp số nhân mỗi ngày. Sống trong cảnh bất an, cùng lúc nghe tin Việt Nam đóng cửa đường bay quốc tế vào ngày 21/3, nhiều du học sinh ở châu Âu và Mỹ vội vã tìm chuyến bay gần nhất về nước.
Vũ Ngân, 22 tuổi, đang học thạc sĩ tại thành phố Leeds, Anh, đã chi gần 40 triệu đồng cho vé máy may một chiều từ Anh về Việt Nam, cao gấp đôi bình thường. Tài chính không dư dả nhưng Ngân chấp nhận bởi khi đó số ca nhiễm tại Anh tăng hàng nghìn mỗi ngày. "Mình phải trở về, an toàn ở Việt Nam rồi mọi chuyện tính sau. Tiền có thể làm lại chứ sức khỏe thì không", Ngân chia sẻ.
Những du học sinh may mắn về nước trước khi Việt Nam dừng chuyến bay quốc tế được cách ly tập trung hai tuần miễn phí. Nhiều người nhận kết quả dương tính với nCoV. Trước chỉ trích "trở về là gánh nặng cho đất nước", các em cùng nhau góp tiền chống dịch, ủng hộ cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Lựa chọn về nước, nhiều du học sinh phải bảo lưu kết quả, đánh đổi và từ bỏ cơ hội học tập, làm việc đầy hứa hẹn tại nước ngoài. Những em không được bảo lưu phải học online ngay tại khu cách ly. Các lớp học thường diễn ra lúc 14-18h, 18-20h và 1-3h sáng khiến nhiều em mệt mỏi vì thiếu ngủ.
Nguyễn Thị Ngọc Lan, 23 tuổi, du học sinh từ Anh, đã sụt 3 kg sau bốn ngày thức trắng trong khu cách ly để học online. "Do chưa kịp thích nghi với việc thay đổi múi giờ, sinh hoạt theo giờ Việt Nam, lịch học vẫn theo bên Anh nên mình không thể chợp mắt. Tuy nhiên, về được Việt Nam đã là may mắn", Lan nói.
Nguyễn Thị Ngọc Lan, du học sinh từ Anh về nước, chật vật học online trong khu cách ly vì không có wifi, phải sử dụng kết nối 4G. Ảnh: Ngọc Lan
Bên cạnh những người may mắn về nước an toàn, nhiều du học sinh phải ngậm ngùi ở lại do không mua được vé. Lê Thị Kỳ Duyên, 22 tuổi, sinh viên Đại học Angelo State, Mỹ, hai lần đặt vé về Việt Nam vào ngày 20 và 22/3 nhưng bất thành. Duyên tiếc nuối và bật khóc ngay tại sân bay, nhắn tin về cho mẹ "Con không về Việt Nam được nữa rồi".
Kẹt lại ở nước ngoài, du học sinh phải tìm cách tự bảo vệ mình. Võ Tường Vy, 25 tuổi, cựu sinh viên Baruch College, Mỹ, thường mua sắm trực tuyến để hạn chế tối đa việc ra ngoài. Khi muốn tiết kiệm khẩu trang, Vy dùng khăn quấn kín mặt, đeo kính và mũ mỗi khi phải ra đường mua thục phẩm.
Tại châu Âu, điều ám ảnh nhất với du học sinh là bị nhiễm bệnh nhưng không được chữa trị do bệnh viện quá tải. Hải Yến, 25 tuổi, sinh viên Cao đẳng Campus Training tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, xác định tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của sở y tế nếu nhiễm nCoV. Theo quy định, người nhiễm bệnh sẽ gọi điện đến đường dây nóng. Nếu triệu chứng nhẹ, cơ sở y tế sẽ gửi thuốc và đồ bảo hộ đến nhà để người bệnh tự điều trị, trường hợp nặng mới đến viện.
Để bảo vệ mình, du học sinh theo dõi chặt chẽ tin tức trong nước và các biện pháp phòng dịch được khuyến cáo như rửa tay sạch, đeo khẩu trang tại nơi công cộng và giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2 m. Các em đăng ký thêm nhiều khóa học online, chơi nhạc cụ để vơi bớt nỗi nhớ nhà và giảm căng thẳng.
Nguyễn Thị Thanh Hương, du học sinh Đại học Caen, Pháp, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa khi Pháp phong tỏa cuối tháng 3. Video: Thanh Hương.
Từ tháng 4 đến nay, Australia, Mỹ và một số nước châu Âu, châu Á vẫn đang căng mình đối phó với Covid-19. Chi phí cao và điều kiện khám, chữa bệnh cho du học sinh nếu mắc nCoV phức tạp khiến những người về nước tránh dịch e dè trong việc trở lại học tập.
Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến học sinh giành học bổng và dự định du học trong năm học 2020-2021 phải chuyển hướng. Phương án thứ nhất được học sinh và gia đình cân nhắc là bảo lưu kết quả trúng tuyển một năm, dành thời gian nghiên cứu và học hỏi thêm kỹ năng mềm. Đây được coi là lựa chọn an toàn, tuy có phần mất thời gian vì không biết dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao.
Phương án thứ hai là theo học các chương trình chuyển tiếp hoặc trường quốc tế. Những khóa học này cho phép sinh viên học 1-2 năm đầu tại Việt Nam, sau đó học tiếp tại nước ngoài và vẫn lấy bằng quốc tế. Lựa chọn này giúp hình thành một xu hướng du học mới, đồng thời tạo động lực cho các trường thúc đẩy hợp tác, liên kết quốc tế để cung cấp các khóa học chuyển tiếp.
Nếu không lựa chọn một trong hai phương án trên hoặc trường không cho phép bảo lưu kết quả trúng tuyển, sinh viên sẽ "du học online", tức ở Việt Nam và học trực tuyến theo chương trình của trường đề ra. Ngoài các môn đại cương, cơ sở ngành, nhiều hoạt động đòi hỏi tương tác trực tiếp như dã ngoại, tham quan bảo tàng cũng được tổ chức online. Việc này khiến nhiều sinh viên thất vọng, cho rằng chất lượng bài giảng không xứng với số tiền bỏ ra và du học không chỉ tiếp nhận kiến thức mà còn trải nghiệm văn hóa, gặp gỡ người bản địa.
Chuyến bay VN50 đưa 164 du học sinh từ Anh về Việt Nam, ngày 17/3. Ảnh: Vũ Ngân
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là châu Á 70.000, kế đến là châu Mỹ 50.000, châu Âu 40.000, Australia và New Zealand 30.000. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên lên đường du học. Với tình hình Covid-19 ở thế giới như hiện nay, dự báo năm 2021 du học sinh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Thanh Hằng/vnexpress.net
https://vnexpress.net/mot-nam-thach-thuc-voi-du-hoc-sinh-4210953.html