Dự báo khoảng giữa tuần tới, các tỉnh phía Bắc sẽ đón những đợt rét với nền nhiệt thấp nhất dưới 10 độ C và khu vực miền núi có thể xuống dưới 5 độ C.
Các trường học vùng cao các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng cùng chính quyền các cấp đang triển khai nhiều phương án đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và học sinh.
Tại xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, một trong những địa phương thường xuyên có sương muối và rét hại, chính quyền địa phương cùng các thầy giáo, cô giáo đã chủ động rà soát lại hệ thống lớp học, gia cố các cửa sổ, mái nhà nhằm tránh gió lùa và điều chỉnh giờ vào lớp của học sinh tránh thời điểm sương giá.
Mặc dù phải ghép lớp nhưng các em học sinh tại xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được học trong những mái nhà kiên cố, ấm áp
Thầy giáo Trịnh Quốc Đoàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết, cơ sở vật chất đến thời điểm này đã cơ bản được đảm bảo, ít nhất cũng có các nhà lắp ghép trở lên, nên việc giữ ấm cũng tốt hơn.
“Bên cạnh đó điều kiện của các phụ huynh đã được nâng lên nên việc chăm sóc cho các cháu cũng tốt hơn. Mới đây, nhà trường cũng nhận được quà là áo, chăn ấm của các đoàn từ thiện nên cũng yên tâm hơn”, thầy Đoàn cho biết thêm.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 3500 phòng học của hơn 300 trường và hơn 500 điểm trường nhỏ lẻ nhưng trong số này mới có hơn nửa là phòng học kiên cố. Tại các điểm trường nội trú và bán trú, ngành giáo dục đã phối hợp với địa phương chỉnh trang, gia cố trường lớp và khu vực nhà ở cả các em học sinh.
Ông Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, mặc dù là một trong những huyện khó khăn nhất trong cả nước nhưng học sinh tiểu học, trung học cơ sở của Pác Nặm có thể đăng ký ăn, ở như học sinh nội trú ngay tại trường, có sự quản lý của giáo viên và được cấp dưỡng chăm lo ăn uống.
“Đối với Pác Nặm, hầu hết các xã đều có mô hình bán trú này. Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị đảm bảo điều kiện bếp ăn, phòng ở cho các cháu, song song với đó trong những ngày giá rét thì các thầy cô giáo, nhất là những người trực tiếp được giao quản lý các cháu hàng ngày phải chú ý hơn về sinh hoạt của các cháu như ăn, mặc, chăn ấm và cơ sở vật chất khác để các cháu đảm bảo điều kiện tốt nhất khi sinh hoạt tại trường”, ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng quà học sinh vùng cao Pác Nặm, khởi động chương trình "Điều ước cho em"
Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện địa phương này có hơn 500 trường học, hơn 800 điểm trường lẻ và đến thời điểm này, vẫn còn một số điểm trường có các phòng học tạm.
Để hạn chế giá rét ảnh hưởng xấu đến sức khỏe giáo viên và học sinh, Sở GD-ĐT Cao Bằng đã yêu cầu các địa phương hỗ trợ sửa sang trường lớp và các trường chủ động bố trí giờ học phù hợp theo diễn biến thời tiết, đồng thời xem xét tổ chức bán trú cho học sinh.
Ông Dương Hiển Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết, huyện chỉ đạo nếu từ 10 độ C trở xuống thì cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học, còn các cháu từ THCS từ 7 độ C trở xuống.
“Trong những ngày rét đậm các trường cần chủ động điều chỉnh thời gian học ví dụ vào lớp muộn và về sớm hơn. Với các trường học bán trú cần phải đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu hơn ngày thường, các trường phải có đủ nước ấm để các cháu sử dụng”, ông Hòa cho hay.
Những ngày qua, hàng chục đoàn thiện nguyện đã đến với các bản làng vùng đặc biệt khó khăn để tặng quần áo, giày, mũ, chăn ấm cho các em học sinh ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng vừa khởi động chương trình “Điều ước cho em”, tặng 370 triệu đồng giúp địa phương đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và nhiều suất quà của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chung tay để các em học sinh vùng cao ấm áp hơn khi tới trường./.
Công Luận/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/phong-chong-ret-cho-hoc-sinh-vung-cao-826824.vov