Giảng viên Bách khoa trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất năm 2020

Thứ 2, 28.12.2020 | 08:27:30
717 lượt xem

Trước khi trở thành phó giáo sư, cô Thanh Hà từng chật vật tìm hiểu cách thức làm nghiên cứu khoa học, nhiều lúc định theo ngành kinh tế, ngân hàng.

Đầu tháng 12, khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách người đạt tiêu chuẩn phó giáo sư năm 2020, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, 34 tuổi, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vẫn đang làm việc cùng sinh viên. Dù điện thoại liên tục nhận tin nhắn chúc mừng từ đồng nghiệp vì cô là nữ phó giáo sư trẻ nhất đạt tiêu chuẩn của năm nay, cô Hà vẫn tập trung hoàn thành công việc của mình. Khi xong việc, cô mới gọi điện báo tin cho bố và anh trai.

"Mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, nhận được kết quả tôi rất vui. Bất ngờ hơn cả là trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất đạt chuẩn chức danh, điều này khiến tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc", cô Hà nói.

PGS TS Nguyễn Thị Thanh Hà, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng

PGS TS Nguyễn Thị Thanh Hà, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng

Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình trong một gia đình nhiều đời làm nghề giáo, mẹ là giáo viên dạy Văn, cô Hà sớm yêu thích nghề giáo một cách tự nhiên. Mỗi khi tan học sớm, Hà thường đứng ngoài cửa lớp chờ mẹ, xem mẹ dạy các anh chị khóa trên. Lúc ở nhà, khi tập viết bảng, Hà được mẹ và nhiều người khen "chữ đẹp, sau này làm giáo viên được".

Được giáo dục nghiêm khắc ngay từ nhỏ, ngoài mỗi khi đi học thêm, đi chơi, Hà hay được bố đưa đón và không về nhà sau 9h tối. Hà tự nhận mình "cố mà ngoan chứ nhiều khi cũng muốn sổ lồng lắm". Nhiều lúc nữ sinh vẫn cùng bạn bè la cà, 4h30 chiều tan học nhưng 5h30 chiều mới về đến nhà. Tuy nhiên, bỏ và trốn học là những việc Hà tuyệt nhiên không dám vì "rất sợ mẹ biết".

Trong 9 năm tiểu học và THCS, Hà tự nhận không có gì nổi bật, không vượt trội ở môn nào. Đến khi trở thành học sinh trường THPT Lạc Long Quân, Hà chọn khối A (Toán, Lý, Hóa) để theo đuổi. Nhận thấy khả năng học các môn tự nhiên, nhanh nhạy với các con số và tính toán, nữ sinh tự đặt câu hỏi liệu có nên theo kinh tế hay ngân hàng. Sau nhiều tháng suy nghĩ và được gia đình định hướng, Hà nhận ra sư phạm mới là lựa chọn phù hợp nhất.

Hà nộp duy nhất một nguyện vọng vào khoa Sư phạm, nay là Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và trúng tuyển. Ngày biết điểm, trong khi Hà khá bình tĩnh thì mẹ lại như vỡ òa. "Chưa bao giờ tôi thấy mẹ vui như thế", Hà nhớ lại.

Những năm 2000, sinh viên của khoa Sư phạm được học 3 năm đầu chuyên ngành ở Đại học Khoa học Tự nhiên hoặc Đại học Khoa học Xã hội nhân văn. Cô sinh viên Thanh Hà dần được học và tiếp xúc với Vật lý chuyên sâu. Bị thu hút và được nhiều giảng viên có chuyên môn giảng dạy, Hà quyết định theo chuyên ngành Vật lý lý thuyết và tính toán.

Lần đầu tiên tiếp xúc với nghiên cứu khoa học, Hà không biết bắt đầu từ đâu. Mọi thứ từ đề cương, phương pháp nghiên cứu... đều lạ lẫm. Chật vật tìm hiểu cách thức làm một nghiên cứu trong nhiều tháng nhưng Hà không từ bỏ. Được sự giúp đỡ của thầy cô, Hà hoàn thành nghiên cứu khoa học đầu tiên về Vật lý với đề tài "Tương tác tham số giữa phonon âm giam cầm và phonon quang giam cầm trong hố lượng tử" - cũng là đề tài tốt nghiệp đại học của cô.

Tốt nghiệp đại học, Hà nắm bắt cơ hội học lên thạc sĩ theo diện chuyển tiếp, đồng thời về công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cô Hà trong chuyến công tác tới Buôn Mê Thuột. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Hà trong chuyến công tác tới Buôn Mê Thuột. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Thanh Hà cho rằng con đường học tập, nghiên cứu của mình rất thuận lợi, suôn sẻ vì gặp được nhiều người thầy tốt và có chuyên môn. Tuy nhiên, trong cuộc sống, cô Hà phải đối mặt nhiều khó khăn. Khi cô học thạc sĩ, mẹ - người có nhiều ảnh hưởng nhất đối với cô, bắt đầu đau ốm. Đến ngày bảo vệ luận văn, khi cô Hà gọi về nhà hỏi thăm, gia đình chỉ nói mẹ ốm. Linh tính có chuyện chẳng lành, cô gặng hỏi thì biết mẹ mất, người thân muốn cô hoàn thành buổi bảo vệ rồi mới báo. Nước mắt lưng tròng, cô Hà bỏ về quê dù sắp đến lượt bảo vệ.

Cô giáo chia sẻ vẫn luôn day dứt, tự trách mình không về kịp với mẹ. "Việc này khiến tôi từ chối cơ hội học tập, thực tập ở nước ngoài sau đó vì nghĩ ở trong nước, mình còn không thể ở bên người thân lúc khó khăn nhất thì đi nước ngoài sẽ thế nào", cô Hà bày tỏ. Dù bỏ dở buổi bảo vệ luận văn, cô Hà được tạo điều kiện để hoàn thành sau đó khoảng một tuần. Lúc đó tâm lý không tốt, nhưng xác định đây là công việc của mình, cô nén nỗi đau hoàn thành bước cuối cùng trong hành trình lấy bằng thạc sĩ.

Với chuyên ngành Vật lý lý thuyết và tính toán, trong các nghiên cứu của mình, cô Hà và cộng sự tập trung vào việc mô phỏng các tính chất của vật liệu dựa trên cấu trúc nguyên tử. Những công trình này có thể hỗ trợ việc dự đoán tính chất mới của vật liệu khi đã loại bỏ tính chất không mong muốn. Trong hơn 10 năm làm nghiên cứu, cô Hà đã hoàn thành 4 đề tài cấp cơ sở, công bố 28 bài báo khoa học, trong đó 16 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín như Materials Chemistry and Physics, European physical Journal, Journal of Non-Crystalline Solids; Physical review E...

Ngoài thời gian nghiên cứu, mỗi tuần cô Hà vẫn lên lớp 3-4 buổi. Cô tự nhận trước mỗi buổi dạy mất khá nhiều thời gian để xem bài vì "lúc nào cũng lo và muốn chuẩn bị tốt nhất có thể". Cô luôn cho rằng làm việc gì cũng cần nghiêm túc, cố gắng và đặt chữ tâm lên trước.

Trên lớp, cô Hà rất nghiêm khắc, một phần do ảnh hưởng từ cách giáo dục của gia đình, đồng thời muốn sinh viên được đối xử công bằng, không có ưu ái hay sự phân biệt đối xử nào. Do đó, mỗi khi bắt đầu môn học, cô luôn thông báo thang điểm rõ ràng. "Tôi rất sợ sinh viên bị thiệt thòi nên em nào xứng đáng với bao nhiêu điểm đều sẽ thoải mái cho, kể cả điểm 10", cô chia sẻ.

Nghiêm khắc trên giảng đường là thế, nhưng khi "thoát vai", cô luôn là giảng viên hòa đồng, gần gũi. Nhiều sinh viên của cô Hà sau khi tốt nghiệp về thăm lại trường, thường xin phép "gọi cô bằng chị cho trẻ". Bạn bè của cô cũng nhiều người là học trò cũ, mỗi lúc rảnh rỗi có thể rủ nhau xem phim, đi chơi hoặc ăn uống. "Nghiên cứu vốn khô khan nhưng tôi thấy mình vẫn có thể cân bằng để có một cuộc sống tinh thần phong phú, tươi trẻ", cô nói.

Cô Thanh Hà trong bộ ảnh đón tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Thanh Hà trong bộ ảnh đón Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020, cô Hà khiêm tốn cho rằng mình rất bình thường nhưng may mắn được công tác tại Bộ môn Vật lý Tin học-Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hơn nữa, trong quá trình học tập và nghiên cứu cô đã gặp được nhiều người hướng dẫn có chuyên môn cao, cộng sự tâm huyết. "Thật sự tôi phải cảm ơn sự may mắn ấy rất nhiều. Nếu không có những người thầy và cộng sự ấy, có lẽ tôi đã không thể hoàn thành được công việc thuận lợi như vậy", cô nói.

Nữ phó giáo sư cũng tự nhận mình học được từ mẹ nhiều điều, trong đó có cách làm việc chỉn chu, luôn phải cố gắng và nỗ lực trong cuộc sống. Sắp tới, cô không đặt mục tiêu xa vì cho rằng "cái gì đến sẽ đến". "Tôi nghĩ khi được trao cơ hội, tôi cũng sẽ cố gắng hết sức. Như vậy, thành quả dù có thế nào sẽ không hối hận vì đã làm hết mình", cô Hà khẳng định.


Thanh Hằng/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/giang-vien-bach-khoa-tro-thanh-nu-pho-giao-su-tre-nhat-nam-2020-4211740.html

  • Từ khóa