Công bằng trong dạy học ngoại ngữ sẽ đến khi hệ sinh thái dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông thay đổi. Nhưng trước tiên, cần có các động lực cho sự thay đổi...
Từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ còn hạn sử dụng và đạt yêu cầu tối thiểu như IELTS, TOEFL môn Tiếng Anh, N3 tiếng Nhật…sẽ được miễn thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp hoặc ưu tiên xét tuyển vào nhiều trường đại học. Câu chuyện trở nên nóng khi Sở GD&ĐT Hà Tĩnh công nhận 70 học sinh có điểm IELTS từ 6.5 trở lên được đặc cách là học sinh giỏi cấp tỉnh không qua kỳ thi.
Dư luận băn khoăn về sự công bằng giáo dục khi ưu tiên với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS. Không ít ý kiến cho rằng mức phí chi cho việc đi học và thi những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không dành cho số đông. Một buổi học luyện thi chứng chỉ IELTS từ 500.000-700.000 đồng. Một khóa luyện thi trung bình cũng tốn từ hàng chục đến vài chục triệu đồng.
Là người nổi tiếng trong việc thúc đẩy đưa sách về nông thôn và hiện giờ đang phối hợp cùng trường EV Academy trong việc thay đổi dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt ở vùng nông thôn Việt Nam, anh Nguyễn Quang Thạch lại đồng tình với việc làm này của ngành giáo dục.
Việc công nhận chuẩn đầu ra quốc tế là xu hướng của thế giới tiến bộ. Việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong trường hợp này theo anh Quang Thạch sẽ như mũi tên cùng lúc trúng hai đích.
Trước hết sẽ thúc đẩy học sinh học theo chuẩn tốt hơn, đồng thời góp phần làm thay đổi hệ sinh thái dạy và học ngoại ngữ trong các trường học, buộc các thầy cô cũng phải thay đổi theo. Thay đổi hệ sinh thái dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông cũng chính là đem lại công bằng cho số đông học sinh, những người có điều kiện kinh tế cũng như sống ở các vùng miền khác nhau. Nhìn theo hướng này, việc ưu tiên với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một động lực.
Chuẩn quốc tế đòi hỏi học viên đạt cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Trong đó nghe, nói ở vị trí hàng đầu. Nhưng trong một khảo sát do anh Thạch thực hiện ở các vùng nông thôn, trong 100 giáo viên có đến 95 người nói sai, nghe kém. Và chính từ sự sai kém của giáo viên đã dẫn đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở rất nhiều trường học khó lòng đạt chuẩn.
Tuy nhiên, dù đồng tình với quan điểm của ngành giáo dục trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở hệ thống trường phổ thông nhưng anh Nguyễn Quang Thạch cho rằng cách làm hiện nay đang bộc lộ hạn chế và nếu không cẩn thận sẽ lại tiếp tục gây ra lãng phí. Giải pháp theo anh Thạch không khó, vấn đề cần có sự đồng bộ.
Chỉ trong một năm, tôi đảm bảo 80% trẻ em của chúng ta sẽ nghe và nói được tiếng Anh
Trước mắt ngành giáo dục cần đề nghị giáo viên sử dụng áp dụng công nghệ, tối ưu công nghệ dạy Tiếng Anh. Thay vì các cô đọc sai, nói sai thì sử dụng các video clip có sẵn từ giáo viên bản ngữ người Anh hoặc Mỹ cho học sinh nghe. Chỉ mỗi em có vốn khoảng 3000 từ theo chuẩn thì đã đảm bảo thành công.
“Năm 2018 tôi chọn 1 HS học lớp 6, học tiếng Anh từ lớp 3 nhưng trong 5 phút viết 10 từ vựng thì sai mất 6 từ, không nói được và dịch cũng ko được câu nào trong sách. Áp dụng phương pháp cho nghe video của người nước ngoài và đọc theo, viết ra, cháu bé kiên trì trong 1 năm thì trong 10 phút viết được 50 từ vựng, đọc được SGK nữa”.
Học ngoại ngữ giống như trẻ con học nói tiếng mẹ đẻ, từ 1 tuổi trở đi bắt đầu học nói từ cha mẹ, ông bà và người xung quanh. Đến 5 tuổi, không cần quan tâm đến ngữ pháp, các em vẫn nói thành thạo. Phương pháp học tự nhiên này nếu được áp dụng triệt để từ nhà trường đến gia đình với chiếc USB và tai nghe, sau một năm kiên trì, tôi đảm bảo 80% trẻ em của chúng ta nghe được Tiếng Anh”, – Nguyễn Quang Thạch.
"Dốt không nhục, chỉ nhục khi không làm mất cái dốt đi"
Đó là điều anh Nguyễn Quang Thạch nhấn mạnh khi nói tới đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, mà cụ thể là Tiếng Anh ở hệ thống trường phổ thông.
Nếu các giáo viên dạy ngoại ngữ sẵn sàng dạy và đưa giờ học của mình lên mạng xã hội như Facebook, Youtube….và mong mỏi nhận được góp ý từ đồng nghiệp, từ người làm chuyên môn và từ chính phụ huynh, những người có thể rất giỏi, thêm nữa là xem, nghe các giờ dạy của đồng nghiệp để tự thay đổi, tự bổ khuyết những thiếu sai của bản thân thì rồi chất lượng dạy học ngoại ngữ sẽ nâng lên dần.
Các thầy cô nên tận dụng những clip từ các đồng nghiệp Âu Mỹ trong việc dạy phát âm chuẩn, tham gia các khóa học online để nâng cao trình độ chính là việc các thầy cô “làm cái dốt mất đi”. Các nhà trường có điều kiện nên xã hội hóa việc mời một giáo viên bản ngữ có mặt ở trường.
Anh Thạch không ngại ngần chứng minh điều mình nói có căn cứ. Từ tháng7 năm nay, bằng sự hỗ trợ từ trường EV Academy ở Anh, Nguyễn Quang Thạch tổ chức dạy học ngữ âm trực tuyến cho 30 giáo viên nông thôn ở Thái Bình, Nghệ An…. Chỉ sau 1 tháng, khả năng nghe nói của giáo viên đã được cải thiện.
Trong đêm Noel 2020, một cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa giáo viên, học trò Anh- Việt đã được tổ chức với sự tham gia tự tin của giáo viên và học sinh Việt Nam.
Anh Thạch cho rằng đến khi nào giáo viên thành thạo và sử dụng tự tin cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết thì việc đa số học sinh thi và đạt được chứng chỉ quốc tế hoàn toàn có thể. Giáo dục cần bắt đầu từ rễ thay vì hớt ngọn.
YDiu/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/day-hoc-tieng-anh-can-bat-dau-tu-re-thay-vi-hot-ngon-827057.vov