Vingroup muốn đưa nhân lực Việt tiệm cận trình độ thế giới

Thứ 3, 29.12.2020 | 15:49:18
539 lượt xem

Vingroup theo đuổi kế hoạch đào tạo toàn diện cho thế hệ tương lai, thúc đẩy nguồn nhân lực trong nước để giải quyết các bài toán của khoa học - công nghệ

Theo thống kế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 237 trường Đại học và Học viện nhưng trong số này chưa đến 40 đơn vị có khoa, chuyên ngành về máy tính, chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) hay khoa học dữ liệu. Hiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, hầu như tất cả ngành trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ, y học, kinh tế... đều cần đến khoa học dữ liệu.

"Ngay như trong các lĩnh vực nghiên cứu tại Đại học Khoa học Tự nhiên, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, khoa học trái đất và môi trường... để giải quyết các vấn đề, bài toán thực tế đều cần đến các công cụ, phương pháp và kết quả nghiên cứu của khoa học dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu lớn." PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh cho hay.

Nhu cầu rõ rệt nhưng chất lượng các chương trình đào tạo trong nước gặp phải tình trạng nặng về lý thuyết, gây trở ngại cho người học khi ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó, hạn chế về máy móc trang thiết bị cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ nghiên cứu của học viên, đặc biệt trong quá trình phân tích dữ liệu lớn.

Kết hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo tăng tính ứng dụng, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, kết nội mạng lưới tri thức quốc tế nâng cao chất lượng chương trình là chìa khóa mà Vingroup đưa ra để giải bài toán này.

Cùng với trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Quy Nhơn, Viện toán học (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TP HCM) là năm đơn vị tham gia với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) hợp tác phát triển chương trình thạc sĩ hướng khoa học dữ liệu.

Học viên Chương trình Phát triển Nhân lực lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo và Khoa học Dữ liệu Vingroup trong Lễ khai giảng tháng 10/2020.

Học viên Chương trình phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu Vingroup trong Lễ khai giảng tháng 10/2020.

Theo đó, VinIF hỗ trợ mời giáo sư thỉnh giảng, xây dựng, bổ sung giáo trình và bài giảng, tạo cơ hội học tập và nghiên cứu với các nhà khoa học uy tín trên thế giới cho học viên. Chuỗi bài giảng đại chúng do VinIF được triển khai từ đầu năm 2020, đặc biệt có sự tham gia của Giáo sư Leslie Valiant - người khai sinh ra lý thuyết học máy hiện nay, trình bày về "Lý thuyết học máy cần thêm gì nữa".

Song song với việc đầu tư vào chương trình đào tạo, Vingroup cấp học bổng sau đại học cho các học viên, nghiên cứu sinh trong nước, từ gần 30 ngành, lĩnh vực với mức hỗ trợ 120 triệu đồng/năm cho học viên cao học và 150 triệu đồng/năm cho nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hoạt động này hướng tới tạo điều kiện cho học viên, nghiên cứu sinh phát huy khả năng học tập và nghiên cứu sáng tạo, nhìn nhận các công việc đó là một nghề trong môi trường khoa học. Tháng 11 vừa qua, 293 suất học bổng trị giá gần 40 tỷ đồng đã được Vingroup trao tặng.

Chia sẻ về hoạt động của Quỹ VinIF, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương cho biết: "Mỗi hoạt động của chúng tôi đều hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa, tác phong nghiên cứu hiệu quả và chuyên nghiệp, để các nhà khoa học, các tài năng trẻ có thể giành toàn tâm toàn sức cho việc sáng tạo, qua đó dần tạo nên sự gắn kết giữa cộng đồng khoa học, công nghệ và doanh nghiệp của Việt Nam".

PGS TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong Lễ kí kết hợp tác với Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup.

PGS TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hai từ phải qua) trong Lễ ký kết hợp tác với Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup.

Huấn luyện kĩ sư "thực chiến"

Tại tọa đàm "Đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ diễn đàn AI4VN" cuối tháng 11 vừa qua, PGS. TS Quản Thành Thơ, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, một kỹ sư giỏi AI cần 10 năm đào tạo, trong đó 7 năm kiến thức phổ thông, đại học và cần 3 năm trải nghiệm, doanh nghiệp đào tạo thực tế.

Theo các chuyên gia, nhân lực trong lĩnh vực AI yếu và thiếu là một thực tế vì để có một kỹ sư giỏi không chỉ đòi hỏi việc đào tạo kiến thức nền tảng khi còn ngồi trên giảng đường đại học mà cần được rèn luyện qua giải các bài toán thực tế. Đây là điều kiện cần để Việt Nam có cơ sở phát triển các giải pháp, sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. Vì vậy việc thành lập các mô hình liên kết sẽ giúp nhanh chóng cho ra lò những kỹ sư AI vững tay nghề là cần thiết.

Xác định công nghệ là hướng đi trọng điểm, tháng 8 vừa qua, Chương trình phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu Vingroup chính thức được khởi động. Đến nay 120 học viên xuất sắc của chương trình đã chuẩn bị hoàn thành chương trình đào tạo chuyên môn, tiếp đó sẽ trực tiếp tham gia các dự án công nghệ trọng điểm của Tập đoàn.

PGS TSKH Phan Thị Hà Dương - Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, phát biểu tại Lễ Công bố học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước năm 2020.

PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương - Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, phát biểu tại Lễ Công bố học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước năm 2020.

Quy tụ từ khắp mọi miền đất nước, bên cạnh mức thu nhập cạnh tranh, các bạn học viên được hướng dẫn trực tiếp bởi các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ khắp nơi trên thế giới đang làm việc tại Vingroup, như GS. Vũ Hà Văn – Giảng viên Đại học Yale, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata; TS. Bùi Hải Hưng – cựu chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về AI tại Viện Nghiên cứu Stanford, Google DeepMind, hiện là Viện trưởng VinAI...

Những tri thức đó sẽ được áp dụng ngay chính trong các dự án công nghệ tiên phong mà Tập đoàn Vingroup đang phát triển như xe tự hành, nghiên cứu giải mã gen cho người Việt, phát triển các giải pháp ứng dụng AI...

PGS. Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, kỳ vọng, chương trình sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên tài năng trong phát triển năng lực bản thân và sẽ sớm trở thành các "tech leaders" dẫn dắt sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà trong một lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

"Cùng chiến lược toàn diện và hành động quyết liệt, Vingroup đặt mục tiêu giải quyết được bài toán thiếu và yếu của nhân lực khoa học công nghệ trong nước. Có như vậy, mỗi giải pháp công nghệ "Make in Viet Nam" mới thực sự là sản phẩm của những tài nguyên Việt, có đủ năng lực cạnh tranh với thế giới và hoàn toàn phục vụ cho người Việt".


Thảo Miên/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/vingroup-muon-dua-nhan-luc-viet-tiem-can-trinh-do-the-gioi-4213057.html

  • Từ khóa