Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường sư phạm đã triển khai giảng dạy về tích hợp, mở ngành mới về sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử và địa lý
Theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2021-2022, chương trình này sẽ được triển khai ở lớp 2, lớp 6 và tiếp tục cuốn chiếu ở các lớp cao hơn. Đến năm học 2024 - 2025, toàn chương trình sẽ được áp dụng.
Thay đổi căn bản cách dạy - học
Một trong các điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là dạy học tích hợp để phát huy năng lực học sinh. Những thay đổi căn bản trong cách dạy - học đòi hỏi giáo viên cũng phải thay đổi rất nhiều. Vấn đề được đặt ra là chuẩn bị đội ngũ giáo viên như thế nào, khi ngay trong năm học tới, học sinh lớp 6 sẽ học 2 môn học mới là khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý?
GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng địa phương khi cấp chỉ tiêu cho các ngành, đặc biệt là bậc THCS, thì không cấp chỉ tiêu cho giáo viên đơn môn. Thời gian tới, khi có khóa sinh viên được đào tạo dạy học các môn "tích hợp" như lịch sử và địa lý hay khoa học tự nhiên ra trường, Bộ GD-ĐT cần yêu cầu tăng cường tuyển dụng giáo viên tích hợp.
Khi chương trình thay đổi theo hướng dạy tích hợp, giáo viên cũng sẽ phải thay đổi nhiều Ảnh: TẤN THẠNH
GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng địa phương cần đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên đã có kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy những môn học mới, đồng thời đào tạo nâng chuẩn giáo viên dạy đơn môn vật lý, hóa học... để có thể đảm nhận việc dạy tích hợp.
Theo PGS-TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, trường này đang đào tạo giáo viên ngành sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử và địa lý. Ngoài đào tạo, trường còn được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đang dạy đơn môn có thể chuyển sang dạy tích hợp để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. PGS Lê Anh Phương cho rằng giáo viên dạy các môn vật lý, hóa học và sinh học hiện nay có thể tham gia dạy môn khoa học tự nhiên được ngay.
Xây dựng chương trình đào tạo mới
Theo các chuyên gia giáo dục, việc quan trọng nhất đối với các trường sư phạm hiện nay là phải xây dựng chương trình đào tạo các ngành mới. Trên thực tế, các trường sư phạm cũng đã "đón đầu" bằng cách đào tạo những ngành học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phổ thông, như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội...
Từ năm học 2019-2020, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội đã mở chương trình đào tạo giáo viên ngành khoa học tự nhiên, bậc THCS. Ngay sau đó, năm học 2020-2021, trường tuyển sinh và đào tạo giáo viên ngành lịch sử và địa lý.
Theo PGS-TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, các chương trình đào tạo cử nhân này hoàn toàn mới ở Việt Nam, được cập nhật phù hợp với tình hình trong nước và có tham khảo chương trình tiên tiến của nước ngoài. Sinh viên 2 ngành này được nhà trường đào tạo theo hướng tích hợp, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, với hình thức dạy học kết hợp thông qua hệ thống giáo dục trực tuyến Moodle, triển khai thực địa trải nghiệm. Điều này giúp sinh viên tốt nghiệp có thể giảng dạy ngay ở các trường phổ thông.
Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng đã triển khai một số ngành đào tạo giáo viên tích hợp như sư phạm lịch sử và địa lý, sư phạm khoa học tự nhiên từ năm 2019, 2020. Năm 2021, trường dự kiến tuyển sinh thêm một số ngành mới là sư phạm công nghệ (tích hợp các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế gia đình), sư phạm giáo dục công dân (đào tạo giáo viên môn học này bậc THCS, THPT cho chương trình phổ thông mới) và giáo dục học.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng từ 2 năm nay cũng đã mở thêm nhiều ngành đào tạo giáo viên tích hợp như sư phạm tin học và công nghệ tiểu học, sư phạm công nghệ, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử và địa lý... Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cũng tuyển mới ngành sư phạm khoa học tự nhiên.
Yến Anh/Nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tang-toc-dao-tao-giao-vien-lien-mon-20210110222521361.htm