GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng học sinh cần được hiểu bản chất, ý nghĩa của bài toán hơn là chú trọng cách giải.
Từ Mỹ, GS Châu có gần một tiếng giao lưu trực tuyến với hơn 1.000 học sinh, sinh viên trong Ngày hội Toán học mở 2021 tại Đại học Văn Lang, ngày 17/1.
Với câu hỏi về phương pháp dạy Toán, ông Châu cho rằng tại nhiều nơi ở bậc phổ thông việc này không thu hút học sinh bởi chạy theo cách dạy công thức. Trong khi đó các bài toán phong phú, đòi hỏi con người phải vận dụng nhiều kiến thức khoa học, xã hội để giải quyết. Việc đưa các vấn đề này trở thành một bài toán để giải quyết, đòi hỏi con người phải hiểu được bản chất.
"Dạy công thức là không đủ. Học toán không phải để biết cách làm, mà phải hiểu cả việc tại sao phải làm như thế", GS Châu nói.
Ông lấy ví dụ, nhiều người nói không bao giờ dùng đến phương trình bậc hai trong cuộc sống, nhưng thực tế phương trình này có nhiều ứng dụng. Thay vì chỉ dạy học sinh cách áp dụng công thức nào để giải được phương trình, cần cho các em biết nó có ý nghĩa nào.
Cũng theo ông Châu, việc dạy Toán phải liên tục đặt ra các câu hỏi, khơi gợi trí tò mò, kích thích học sinh tìm nhiều lời giải khác nhau cho một đề bài. Chẳng hạn, học sinh có thể tính diện tích hình tròn bằng công thức "bình phương bán kính nhân với Pi" hoặc những cách khác nếu không cần biết số Pi.
GS Ngô Bảo Châu giao lưu trực tuyến với hơn 1.000 học sinh, sinh viên TP HCM ngày 17/1. Ảnh: Mạnh Tùng.
Nói về cách học, ông Châu cho rằng, ngoài tính kỷ luật như bao môn học khác, việc tiếp cận Toán học có một số đặc thù.
Đa số các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, bước đầu tiếp cận vấn đề bằng sự miêu tả, tiếp đó là tư duy trên cơ sở các số liệu miêu tả. Do đó, các môn học này dừng ở mức độ suy diễn hợp lý, chân lý có thể được chấp nhận ở mức tương đối đúng.
Trong khi đó, Toán phải phân biệt rõ ràng giữa suy diễn hợp lý và suy diễn đúng. Chỉ những suy luận hoàn toàn đúng, chính xác trong Toán mới được công nhận. Cũng bởi tính chất này mà khi học Toán, học sinh phải biết chứng minh đúng chứ không chỉ là chứng minh vấn đề "có vẻ đúng", "có vẻ hợp lý".
Sự đòi hỏi đúng, chính xác cũng là một khó khăn cho người học Toán. Họ luôn muốn suy diễn một cách chính xác các vấn đề trong cuộc sống, nhưng thực tế không như Toán học. Có những vấn đề, chúng ta phải chấp nhận những suy luận ở mức hợp lý, gần đúng. "Ở khía cạnh ngược lại, tôi thấy cũng là điểm mạnh của người giỏi Toán. Họ tỉnh táo hơn, biết phân biệt được đâu là suy luận hợp lý và đâu là suy luận chính xác", ông Châu nói.
Nhiều học sinh hỏi về những kiến thức Toán học cần thiết trong thời đại công nghệ số, ông Châu cho rằng đó là thống kê và xác suất bởi đây là yếu tố cơ bản trong công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Một số lĩnh vực khác rất cần trong tương lai như khoa học tính toán, an toàn thông tin, khoa học mật mã.
Học sinh tham gia trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng Toán học do các em tự thiết kế. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2021, các chuyên gia phân tích những ứng dụng của môn học này với cuộc sống, những cơ hội học tập, nghiên cứu và việc làm của Toán trong tương lai. Ở thế kỷ 21, Toán học tiếp tục là công cụ quan trọng để giải quyết các vấn đề then chốt của cuộc sống, kiến tạo những ngành học mới về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu, mật mã và giải mã, mô hình và mô phỏng.
Ngày hội Toán học mở là sự kiện hằng năm do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức nhằm quảng bá Toán học đến với học sinh và những người yêu Toán thông qua các bài giảng chuyên đề, triển lãm ứng dụng.
Mạnh Tùng/Vnexpress.net
https://vnexpress.net/gs-ngo-bao-chau-chi-cach-hoc-toan-bot-kho-khan-4222377.html