Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021 sẽ gồm ba hợp phần: Tư duy định lượng, tư duy định tính và khoa học.
Ngày 27/1, PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết năm 2021, trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT. Giai đoạn 2015-2016, trường đã tổ chức kỳ thi này nhưng chỉ đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học.
Từ năm nay, kỳ thi sẽ nhằm đánh giá năng lực học sinh để phân loại sau khi tốt nghiệp THPT; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; phục vụ công tác tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; hướng nghiệp cho học sinh.
Vì vậy, bài thi sẽ được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực toàn diện của học sinh THPT với ba nhóm chính gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Theo ông Hải, để đánh giá được các năng lực này, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng bài thi theo hướng phi truyền thống (học và thi theo khối hay tổ hợp). Về cấu trúc, bài thi gồm 3 hợp phần: Tư duy định lượng (50 câu hỏi làm trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút).
Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150.
Đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những câu phù hợp với ba nhóm năng lực nêu trên, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, đảm bảo tính toàn diện của kỳ thi, cân bằng độ khó của từng đề.
Phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay năm 2021, việc chấm điểm thực hiện theo quy trình: Câu trả lời đúng được một điểm, câu trả lời sai không tính. Thí sinh biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi tới các em sau 14 ngày dự thi.
Phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải thông tin về bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT. Ảnh: VNU.
Năm nay, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đợt thi, từ tháng 5 đến 11. Bài thi mẫu sẽ được công bố trước ngày 15/3. Thí sinh đăng ký trực tuyến đợt thi đầu tiên từ ngày 1/4 tại địa chỉ www.khaothi.vnu.edu.vn và được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân, được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày.
Căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị tổ chức thi sẽ xác định quy mô phù hợp cho từng đợt thi, điểm thi. Theo báo cáo của Trung tâm Khảo thí, năm 2021, quy mô dự kiến khoảng 10.000 thí sinh, chủ yếu ở Hà Nội.
Trước thắc mắc liệu các trường đại học khác có thể sử dụng bài thi này trong công tác xét tuyển, ông Hải khẳng định Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT. Học sinh lớp 12 có dự định tham gia thi bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ nơi nào.
"Các em nên dành thời gian ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tác phong, thái độ trước khi thi. Nếu sử dụng kết quả bài thi để xét tuyển đại học, thí sinh hãy tìm hiểu thông tin đề án tuyển sinh của các trường, tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi", ông Hải nhắn nhủ.
Dương Tâm /vnexpress.net
https://vnexpress.net/cau-truc-de-thi-danh-gia-nang-luc-cua-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-4227187.html