Đam mê sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Năm, 51 tuổi, cho ra đời 30 loại máy ứng dụng hiệu quả vào đời sống của nông dân.
Khuôn viên nhà ông Nguyễn Văn Năm, giáo viên trường Tiểu học Long Giang, tại thị xã Phước Long, những ngày cận Tết vẫn bề bộn sắt thép, gỗ, máy hàn tiện... "Đó là không gian riêng để tôi thoả chí đam mê", ông nói.
Từ khi còn là cậu bé chăn bò ông đã thích chế các vật dụng. Học hết cấp ba, niềm đam mê đó được ông mở rộng sang nhiều lĩnh vực như: đan lát, gò hàn, làm mộc, xây dựng... Dù tuổi còn nhỏ nhưng những dụng cụ phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, ông đều nắm rành rọt. Không qua trường lớp nào, những gì ông làm ra đều xuất phát từ niềm đam mê, tìm tòi.
Ông Năm miệt mài trong khu nhà xưởng nhỏ của mình. Ảnh: Văn Trăm.
Suốt 7 năm qua, ban giám khảo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước đã quen mặt thầy Năm với những sáng kiến phục vụ cho đời sống, nhất là trong nông nghiệp.
Lúc đầu ông cho ra đời máy ấp trứng đa năng có thể ấp nhiều loại trứng gia cầm trong một thời điểm. Máy phù hợp với các hộ gia đình, trang trại quy mô nhỏ và vừa. Kiểm nghiệm thực tiễn cho thấy 95% trứng nở, tiết kiệm được điện năng với nhiều chế độ điều chỉnh khác nhau.
Tiếp đó, trong cuộc thi năm 2016-2017, ông Năm sáng chế máy xắt thức ăn cho bò, dê, heo, gà, vịt. Trong 7-10 phút máy có thể xắt được 70 kg củ mì, 60 kg thân chuối... Đặc biệt, lưỡi dao được rèn thẳng, rời, nên dễ tháo lắp để mài và không bị gãy khi hoạt động. Sản phẩm này đã đạt giải khuyến khích tại vòng thi chung khảo hội thi cấp tỉnh.
Năm tiếp theo, ông làm máy phát cỏ với mâm hai lưỡi dao, nâng năng suất cao hơn rất nhiều với thiết kế cũ. Tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2018-2019, máy đoạt giải nhì.
Là hàng xóm, đã sử dụng mâm lưỡi dao phát cỏ hai lưỡi, anh Trần Văn Duy (xã Long Giang, thị xã Phước Long) cho biết sản phẩm rất thiết thực và hiệu quả.
Trong những năm qua thầy Năm chế tạo hơn 30 máy các loại cho nông dân, nhưng chỉ làm cho người quen biết đến đặt hàng và tranh thủ lúc rảnh rỗi. Những sản phẩm hữu ích này chưa được thương mại hóa, sản xuất đại trà. Năm 2019, thầy Năm được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là "Nhà khoa học của nhà nông".
Ông Đặng Đình Thám, Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Giang, cho biết hàng năm thầy Năm luôn có sáng kiến hay phục vụ việc dạy và học. Nhà trường tin tưởng và giao thầy hỗ trợ, giúp đỡ học sinh hoàn thành các ý tưởng sản phẩm để tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng. Trong nhiều năm qua, trường luôn có học sinh đoạt giải cấp thị xã và cấp tỉnh sau mỗi lần tham gia.
Văn Trăm - Phước Tuấn/vnexpress.net
https://vnexpress.net/thay-giao-thanh-nha-khoa-hoc-cua-nong-dan-4232604.html