Hàng nghìn sinh viên làm thêm, đón Tết ở Sài Gòn

Thứ 6, 12.02.2021 | 09:24:57
946 lượt xem

Làm thêm kiếm tiền trang trải học phí, không về quê để tiết kiệm chi phí đi lại hoặc phòng tránh lây lan Covid-19... hàng nghìn sinh viên, du học sinh đã đón Tết xa quê.

Bạch Đằng, sinh viên năm tư Đại học Y dược TP HCM quyết định ở lại TP HCM phụ quán cà phê xuyên Tết, thay vì về quê Gia Lai với gia đình. Những năm trước, cậu ở lại Sài Gòn làm thêm, chỉ về trên chuyến xe cuối cùng, kịp đến nhà sáng 30 Tết.

Năm nay, nam sinh muốn kiếm thêm tiền học phí cho học kỳ cuối hệ cử nhân, đồng thời phòng tránh Covid-19. "Dịch bùng phát ở Sài Gòn lẫn Gia Lai nên em thấy phương án ở tại chỗ là an toàn nhất", Đằng nói.

Gia đình đông con, khó khăn, nhờ chính sách ưu tiên, nam sinh được miễn 70% học phí, phần còn lại cậu tự xoay xở bằng tiền làm thêm nhờ phụ bán cà phê. Mỗi ngày Đằng tranh thủ làm thêm 4-5 tiếng, mỗi giờ kiếm được 25.000 đồng. Dịp Tết, chủ quán hứa trả công cao hơn, thời gian làm việc dài hơn, 10-12 tiếng.

"Năm đầu tiên ở lại qua giao thừa em buồn, giờ quen cảm giác đó rồi. Riêng năm nay không về ngày nào được nên buồn hơn một chút", Đằng chia sẻ.

Sinh viên đón Tết xa quê được nhận quà và tiền lì xì từ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM.

Sinh viên đón Tết xa quê được nhận quà và tiền lì xì từ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM. Ảnh: SAC.

Cùng ở Tây Nguyên, Nguyễn Ngọc Trúc, quê Kon Tum, sinh viên năm ba, cũng không về quê mà xin việc làm thời vụ tại siêu thị tiện lợi. Nữ sinh tiết kiệm được gần một triệu đồng tiền vé hai chiều, vừa đảm bảo an toàn cho mình và gia đình. Nếu Trúc làm hết mùa Tết có thể kiếm được hơn 4 triệu đồng, được bao cơm trưa. Số tiền này đủ để cô chi tiêu lặt vặt trong học kỳ tới mà không cần xin cha mẹ.

Gia đình làm hoa màu, năm qua cũng thất thu do bão nên kinh tế gặp khó khăn. "Em thấy kiếm tiền ở Sài Gòn cũng khó nhưng vẫn dễ dàng hơn ở quê nhiều", Trúc nói.

Đón Tết đầu tiên xa nhà, nữ sinh mủi lòng khi nhớ đến khoảnh khắc giao thừa ở quê. Mọi năm vào giờ đó, Trúc thường giúp mẹ bày biện mâm cơm cúng và cùng các em xem pháo hoa từ sân nhà.

Cùng ở lại làm thêm nhưng cận Tết nhiều sinh viên phải bỏ kế hoạch, ở lại nhà trọ hoặc ký túc xá trước diễn biến phức tạp hơn của dịch. Bởi từ ngày 9/2, các nhà hàng, quán nhậu, các điểm vui chơi - những nơi nhận việc trước đó - đóng cửa theo lệnh của chính quyền.

Theo Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM, năm nay có hơn 2.000 sinh viên phần lớn ở miền Trung, Tây Nguyên có hoàn cảnh khó khăn, đón Tết xa quê. Những em này tranh thủ ở lại làm thêm để trang bị kỹ năng nghề nghiệp hoặc kiếm thêm thu nhập trả học phí. Tất cả đều được hỗ trợ các món quà và tiền lì xì để vui Tết.

Không chỉ sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn không thể về quê hoặc ở lại làm thêm, nhiều du học sinh cũng không về quê để phòng chống dịch. Ở khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, hơn 170 sinh viên nội trú ở lại đón Tết có khoảng gần một nửa là sinh viên quốc tế. Ở ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ngoài 30 sinh viên ở miền Trung, Tây Nguyên ở lại trường còn có 18 sinh viên Lào.

Tại Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM, nhóm sinh viên Lào Boutdy Phaxok (ngành Kinh doanh quốc tế), Douangpasith Lipda (ngành Quan hệ quốc tế) và Phiocevanna Phainam (ngành Luật quốc tế) lần đầu ở lại Việt Nam dịp Tết Nguyên đán. Những năm trước, nhân kỳ nghỉ dài ngày này, họ về Lào nghỉ ngơi bên gia đình nhưng năm nay ở lại tránh dịch.

Nhóm sinh viên Lào ở lại Việt Nam trong một ngày gặp mặt sinh viên đầu tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nhóm sinh viên Lào ở lại Việt Nam trong ngày gặp mặt sinh viên đón Tết xa quê đầu tháng 2. Ảnh: Mạnh Tùng.

Boutdy Phaxok kể, học xong trung học, anh giành học bổng của Việt Nam, năm đầu nhiều bỡ ngỡ bởi phải học tiếng Việt trước khi vào chương trình chính thức. Nhờ sự nhẫn nại, kiên trì, hầu hết sinh viên đều có đọc hiểu, giao tiếp bằng tiếng Việt khá thuần thục một năm.

Boutdy Phaxok buồn vì cậu và hơn 10 sinh viên Lào khác ở trường không được về quê nhưng với Phiocevanna Phainam, đây là một trải nghiệm thú vị. "Năm đầu tiên ở lại Sài Gòn dịp Tết để cảm nhận không khí Tết như thế nào. Em thấy người Sài Gòn rất dễ thương, nói chuyện hay, khi biết em là sinh viên Lào thì mọi người hay giúp đỡ", nữ sinh chia sẻ.

Theo lịch nghỉ Tết của phần lớn các đại học, cao đẳng ở TP HCM, sinh viên sẽ học lại sau Tết vào ngày 22/2, trường muộn hơn khoảng đầu tháng 3. Nhiều trường đã thông báo cho giảng viên và sinh viên chuyển sang hình thức dạy học online 1-2 tuần đầu sau kỳ nghỉ Tết để tránh dịch.


Mạnh Tùng/vnexpress.net

https://vnexpress.net/hang-nghin-sinh-vien-lam-them-don-tet-o-sai-gon-4234598.html

  • Từ khóa