Không chỉ đến tận các điểm trường để dạy học sinh (HS), nhiều giáo viên (GV) một trường mầm non xa xôi ở vùng núi tỉnh Yên Bái còn cùng HS lên kế hoạch bảo tồn và phát triển dòng trà nổi tiếng của địa phương thông qua lớp học STEM
Đó là Trường Mầm non Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cách TP Yên Bái hơn 80km, HS ở trường 100 % đều là người dân tộc Mông, trong khi đó khoảng cách từ các điểm trường đến điểm chính hơn 12km.
Từ khó khăn xin từng chiếc bánh chưng cho HS…
Trường Mầm non Suối Giàng là một trong những trường thuộc vùng 135, khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Mỗi lớp học ở đây có khoảng 20-30 HS ở các độ tuổi khác nhau nhưng ngồi chung một lớp.
Bán sản phẩm để mua sách vở
Theo cô Đỗ Thuỳ Quyên, GV Trường Mầm non Suối Giàng, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các GV trong trường đều động viên nhau cùng vượt qua để chăm lo Tết cho các em. Có những thầy cô khoảng cách từ nhà đến trường hơn 30km, đường đi gặp nhiều gian nan, nhưng vẫn nỗ lực ở lại cắm bản cùng các em HS, lo cho các em một cái Tết.
Phiên chợ quê của HS vùng cao
Cô Quyên cho biết dù điều kiện thiếu thốn nhưng các cô vẫn gom góp tổ chức chợ quê cho các em HS học tập trải nghiệm và chơi các trò chơi dân gian.
Từ sự vận động của các GV, các em HS có bánh chưng Tết
Phiên chợ quê đơn giản, được tổ chức định kỳ hàng tháng, mục đích là để cho các em làm quen, trải nghiệm, vì HS chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhà rất nghè; các em đến trường đi học đã là một nỗ lực rất lớn. Các gian hàng như đọc sách, gian bày bán các mặt hàng rau, củ quả, nông sản sạch của địa phương. Gian trà truyền thống tại địa phương. Gian thêu thùa trang phục truyền thống người Mông và gian bán trang phục truyền thống. Phụ huynh sẽ thi gói bánh dày (loại bánh truyền thống của người Mông).
HS Trường Mầm non Suối Giàng
Vì thương các em HS, có những thầy cô, người bạn ở xa gửi từng chiếc bánh chưng cho các em HS. Cô hiệu trưởng của trường cũng huy động nhiều nơi nên đây là năm đầu tiên các em ăn Tết có bánh chưng, giò, xúc xích và bánh giày.
Ít ai nghĩ, từ điều kiện kinh tế và học tập còn thiếu thốn, nhưng các GV và HS nơi đây đang âm thầm thực hiện kế hoạch vừa kết hợp dạy học với phát triển du lịch địa phương thông qua lớp học STEM "bảo tồn và phát triển dòng trà Shan tuyết". Đây là dòng trà cổ truyền nổi tiếng của địa phương.
HS học cách pha trà, dòng trà Shan tuyết nổi tiếng của địa phương
Theo cô Đỗ Thùy Quyên, mục tiêu chính của dự án là HS nhận thức được giá trị của cây chè cổ thụ tại địa phương; sau đó sẽ đến giai đoạn bảo tồn và phát triển giá trị của trà. Đây là một kế hoạch nhiều năm và HS sẽ được tham quan, nhận biết về cây chè cổ thụ Suối Giàng là loại trà Shan tuyết.
HS học cách pha trà
Các em sẽ được nhận biết 4 loại trà truyền thống, so sánh và phân biệt được 4 loại trà; nhận biết giá trị của trà. Sau giai đoạn này sẽ đến công đoạn học trà đạo, học cách pha trà và có thể làm ra một loại trà bằng cách thức đơn giản.
Lớp học STEM của HS người Mông
Theo các GV tại đây, mong muốn của thầy cô là tiếp tục kết nối với các HS THCS, tạo ra các lớp học kết nối để có quy trình cung ứng dòng trà của HS mầm non ra thị trường. Vừa để quảng bá dòng trà nổi tiếng của địa phương, vừa mong muốn thông qua sự quảng bá đó để có thêm nguồn kinh phí chăm lo cho các em HS, động viên các em đến trường.
Nỗ lực của các em HS người Mông
"Chúng tôi ở đây không biết đến tháng lương thứ 13 là gì, cũng không có chuyện phụ huynh ủng hộ thầy cô. Ở đây, các gia đình người Mông chịu cho con theo cô đến trường đi học đã là niềm an ủi cho GV lắm rồi. Cũng may, thầy cô có tiền thưởng Tết theo chế độ và sự quan tâm của Công đoàn"- cô Quyên cho biết.
Đặng Trinh - T.Quyên/Nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lop-hoc-stem-cua-hoc-sinh-nguoi-mong-20210213090921729.htm