Điểm mới đáng chú ý trong thông tin tuyển sinh năm 2021 của nhiều trường đại học là dự kiến mở thêm nhiều ngành mới. Có trường dự định tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Việc các trường đại học ồ ạt mở ngành mới trong năm học này thực ra đã được dự báo trước. Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.
Những nguy cơ nào có thể xuất hiện, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và quy hoạch ngành nghề đào tạo?
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP. HCM cho rằng, việc mở ra ngành mới là tất yếu khi các trường được tự chủ. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giúp các trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn.
“Những ngành nghề mới được mở ra từ các trường đại học đều xuất phát từ quá trình nghiên cứu của từng trường với mong muốn nghề nghiệp cụ thể hơn, hấp dẫn hơn, gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ, kinh tế số, đặc biệt là các lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật và thương mại điện tử”, ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mở ngành là một chuyện, tên ngành có thể hay nhưng quan trọng là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và việc đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường sẽ thế nào, bởi có những ngành nghề quá cụ thể, doanh nghiệp cũng chưa cập nhật đến khiến sinh viên ra trường không có việc làm.
Dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế khiến không ít người lo lắng.
Đây cũng là trăn trở của GS.TS Phạm Tất Dong - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Theo ông, cần hết sức cân nhắc, không nên mở ngành đào tạo nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo bởi những ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch ngành nghề là rất lớn và kéo dài.
“Nếu như mở ra các mã ngành khác chuyên môn truyền thống của mình thì chắc chắn là không thể có thể sự đầu tư như mong muốn được, cũng không thể mời được các chuyên gia giỏi nhất của ngành muốn đào tạo. Tôi cho rằng nếu muốn đào tạo thêm về ngành nào thì nên giao cho chính ngành đó làm chứ không phải tự đề xuất ra để làm”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.
Một lo lắng khác là việc mở thêm nhiều ngành khiến hệ thống ngành nghề bị trùng lặp; có nhiều ngành mới mở ra thực chất chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Đối với những ngành nghề không còn phù hợp, các trường cũng cần chủ động chấm dứt hoặc thu gọn lại thành một số ngành chủ lực để phù hợp cho sự phát triển
Theo thông tư của Bộ GD-ĐT, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường.
Việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau.
Vì thế, theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, việc các trường đại học mở thêm nhiều ngành mới không phải là vấn đề đáng lo ngại. Quan trọng phải là kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên đủ trình độ và điều kiện thực hiện đào tạo.
“Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải đảm bảo chất lượng đào tạo, muốn đảm bảo trường mở ngành mới mà trước đây chưa có thì phải xem xét chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên như thế nào, phát triển các chương trình đào tạo như thế nào. Điều này quyết định chất lượng của nguồn nhân lực, nếu khâu chuẩn bị không tốt thì nguồn đào tạo ra không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lao động”.
Ngoài ra, việc các trường ồ ạt mở ngành mới cũng dẫn đến nguy cơ có quá nhiều trường đua nhau mở những ngành “hot”, sau một thời gian khiến thị trường nhân lực bị bão hòa.
Để việc mở ngành mới không chỉ nhằm tạo ra lợi thế tuyển sinh mà thực sự đáp ứng yêu cầu xã hội, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục - đào tạo của Chính phủ cho rằng, công tác này cần phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong đó, Bộ GD - ĐT phải giám sát chặt chẽ những ngành mới ở các đơn vị đào tạo, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải nắm bắt sớm về mặt vĩ mô để có hướng dẫn, thậm chí ban hành các tiêu chuẩn nếu thấy lĩnh vực đó thừa. Đối với trường thì Hội đồng trường phải rất cẩn thận, tính toán, phải có khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, đồng thời có đại diện của doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động và những kỹ năng nào mà người ta cần”, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định.
Mở thêm nhiều ngành học giúp đa dạng hóa loại hình đào tạo của trường
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc giao quyền cho các trường đại học được tự chủ phải gắn với yêu cầu kiểm soát chất lượng. Mặc dù các điều kiện, tiêu chuẩn để trường đại học mở các ngành và chuyên ngành mới hiện nay là rất chặt chẽ nhưng vẫn cần phải siết chặt hơn nữa.
Các trường ĐH mở thêm nhiều ngành đào tạo mới không chỉ tạo điều kiện cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn ngành học mà còn giúp các trường có thể thu hút thêm sinh viên.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng thất nghiệp tràn lan, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc, thì các trường cần cân nhắc các ngành nghề mới, làm sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Việc nhiều trường đại học trên cả nước công bố mở thêm nhiều ngành mới bước đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực của chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học, giúp đa dạng hoá dịch vụ đào tạo, hạn chế tình trạng độc quyền đối với một số ngành nghề, gây sức ép cạnh tranh để mọi đơn vị đào tạo, mọi ngành nghề đều phải đổi mới, nâng cao chất lượng.
Về phía người học, thí sinh có thêm nhiều lựa chọn những ngành học mới, tại nhiều trường ĐH khác nhau trên cả nước mà không phải dồn về các đô thị lớn nơi có các trường, các ngành học hấp dẫn lâu nay, giảm chi phí cho họ, giảm áp lực về dân cư cho các đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, tốc độ mở rộng các ngành đào tạo quá nhanh có thể gây ra những tác động ngoài mong đợi.
Một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”.
Trong khi đó, lại có tình trạng, các trường mở ra thêm nhiều ngành mới mà chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo.
Mỗi trường đại học có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Việc mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng, một số ngành không đủ học sinh để tổ chức lớp học.
Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Và nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn, nên việc các trường mở thêm nhiều ngành mới là một xu hướng tất yếu, nhất là khi cáctrường ĐH được giao quyền tự chủ.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự cân đối giữa nhân lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động thì rất cần vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước về nguồn nhân lực. Cơ quan này có thể thống kêvà đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực của từng ngành nghề, của mỗi địa phương để định hướng cho công tác đào tạo của các địa phương và trên cả nước cho phù hợp.
Về phía các trường đại học, để tránh tình trạng lãng phí, khi mở một ngành mới cần thẩm định một cách kỹ càng, đáp ứng các điều kiện mở ngành theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, cũng như nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp.
Đối với những ngành nghề không còn phù hợp, các trường cũng cần chủ động chấm dứt hoặc thu gọn lại thành một số ngành chủ lực để phù hợp cho sự phát triển.
Song song với những biện pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, gia đình và nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu và định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, giúp các em hiểu và lựa chọn đúng các ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình, phù hợp nhu cầu của xã hội, để sáng suốt chọn ngành chọn nghề mình muốn theo học, chứ không chọn theo độ hot của những cái tên mới xuất hiện./.
Nhóm PV/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/coi-chung-hau-qua-neu-cac-truong-dai-hoc-dua-nhau-mo-nganh-moi-836298.vov