Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 do UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt có một số điểm mới trong khu vực tuyển sinh, thay đổi nguyện vọng khiến thí sinh, phụ huynh hoang mang lo lắng.
Theo Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của TP Hà Nội, khác với mọi năm, mỗi thí sinh năm nay được đăng ký dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3, trong đó NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký như những năm trước.
Hà Nội đưa ra 1 số quy định mới trong tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. (Ảnh minh họa)
Trước thông tin này, không ít phụ huynh và học sinh lo lắng. Em Nguyễn Phương Linh học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, 2 năm liền em đều phải học online do dịch bệnh. Năm học trước, hầu hết thời gian lớp 8 học sinh đều phải học online, năm nay, sau Tết, bước vào kỳ 2 của lớp 9 với những kiến thức rất quan trọng để thi vào lớp 10, một lần nữa em không được đến trường do dịch bệnh.
"Dù thầy cô và chính bản thân em đã cố gắng, nhưng hiệu quả của học online chưa thể bằng với việc học trực tiếp trên lớp. Em đang cảm thấy rất khó khăn và lo lắng trước những thông tin về kỳ thi lớp 10. Số môn không giảm, nhưng lại không được thay đổi nguyện vọng và không được đăng ký NV1, NV2 vào những trường ở khu vực khác. Điều này sẽ khó khăn hơn cho thí sinh” - Linh bày tỏ.
Có con hiện đang học lớp 9, chị Nguyễn Hiền Thu (Văn Quán, Hà Đông) cũng cho biết, sau khi đọc được thông báo này, chị và con gái đều rất lo lắng về kỳ thi lớp 10 sắp tới. Phụ huynh này cho rằng, nếu thí sinh chỉ được đăng ký NV1, NV2 ở khu vực có hộ khẩu thường trú, nhưng nếu địa bàn đó không có trường top trên, thì dù thí sinh học lực tốt, thi đạt điểm cao cũng không thể đăng ký thi.
Ngược lại, những em học kém hơn, muốn vào những trường điểm thấp hơn, nhưng trên địa bàn lại chủ yếu là những trường điểm cao thì cũng không đủ sức thi. Phụ huynh này cũng cho rằng, việc này gây bất lợi cho thí sinh, trong khi có thêm NV3 không thực sự ý nghĩa.
Chị Nguyễn Phương Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rất lo lắng. Con gái chị Thảo học khá tốt, nhiều năm liền đều đạt học sinh xuất sắc, đặt mục tiêu thi vào trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) hoặc THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình). Chị Thảo cho biết, cả 2 vợ chồng chị đều đi làm ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, nên nếu con học ở đây sẽ thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, nếu theo phương án tuyển sinh mới của Hà Nội, thì con gái chị Thảo chỉ được đăng ký NV1, NV2 vào 2 trường công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai.
“Cháu đã lên kế hoạch ôn thi vào những trường này, nhưng hiện nay có quy định mới nên toàn bộ kế hoạch phải thay đổi hoàn toàn, 2 mẹ con chưa biết sẽ chọn trường nào để thi”, chị Thảo cho biết.
Phụ huynh này cũng cho rằng, việc thí sinh có hộ khẩu quận nào thi đúng quận đó, sẽ tạo ra một “cuộc chạy đua” nảy lửa ở những khu vực đông dân cư, có đông số lượng thí sinh. “Số trường chỉ có từng đó, nếu số lượng thí sinh ở quận nào nhiều hơn, thì cuộc chạy đua vào trường công ở đó sẽ khốc liệt hơn, quận nào có số lượng thí sinh ít hơn, thì tỷ lệ cạnh tranh giữa các thí sinh cũng sẽ giảm đi. Như vậy áp lực thi cử của các con cũng sẽ tăng lên”, chị Thảo cho hay.
Giống như chị Thảo, anh Nguyễn Minh Quân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con trai anh có kế hoạch thi vào trường THPT Kim Liên (Đống Đa), nhưng theo quy định này là khó. “Con đang rất lo lắng, vì trên địa bàn quận không có nhiều trường top như mong muốn. Quy định cho phép đăng ký NV3 ở khu vực khác, nhưng các trường công lập trên địa bàn quận Nam Từ Liêm thường có điểm chuẩn thấp hơn trường con muốn thi là THPT Kim Liên. Như vậy, nếu đủ điểm để xét tuyển NV 3 thì cũng sẽ không có cơ hội vì đương nhiên sẽ đỗ NV1, NV2 trước đó”, anh Quân lo ngại.
Trước những lo ngại của phụ huynh, thông tin tới báo chí, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2021-2022, đối với các trường THPT công lập, thành phố vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh theo địa giới hành chính các quận, huyện, thị xã.
Nếu như những năm trước, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, 2 nguyện vọng này phải cùng thuộc 1 khu vực tuyển sinh, thì năm học 2021-2022, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV từ 1 đến 3.
NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 có thể thuộc các khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, quy định về đăng ký nguyện vọng theo hộ khẩu thường trú nhằm đảm bảo việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được dựa trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước.
Trên địa bàn Hà Nội có hiện tượng học sinh đăng ký 1 nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, song không nhiều. Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển đối với học sinh nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, đồng thời không gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình học tập, di chuyển.
Trong các trường hợp cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn tạo điều kiện cho các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế ở nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở vẫn sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng ở khu vực cư trú thực tế.
Ông Phạm Văn Đại cũng cho biết, năm nay thí sinh không được thay đổi nguyện vọng do đã có nhiều sự lựa chọn, do đó, thí sinh cần tìm hiểu, cân nhắc thứ tự ưu tiên nguyện vọng trước khi đăng ký./.
Nguyễn Trang/VOV.VN