Trường học tìm cách bảo mật lớp học online

Thứ 3, 23.02.2021 | 14:33:09
383 lượt xem

Để tránh người lạ xâm nhập phá lớp học, hoặc liên tục bị thoát, nhiều trường học đã mua, hoặc xin phép dùng phần mềm có bản quyền.

Tuần học online đầu tiên từ sau Tết Tân Sửu, trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, áp dụng thời khóa biểu chính khóa để đảm bảo kế hoạch năm học 2020-2021. Nhà trường tiếp tục sử dụng phần mềm Zoom như năm ngoái. Để tránh việc buổi học chỉ duy trì 40 phút, rồi cả thầy và trò bị thoát ra, Ban giám hiệu trường đã giao một giáo viên liên lạc với nhà cung cấp, đăng ký tài khoản cho giáo viên để lớp học được duy trì ổn định trong 2 tiếng.

"Phía phần mềm hỗ trợ miễn phí. Việc này đã giúp chất lượng các buổi học được cải thiện, tiết kiệm thời gian khi bị thoát ra rồi đăng nhập lại", cô Hà nói và cho rằng các hành vi cung cấp tài khoản, mật khẩu để người lạ vào phá lớp học chủ yếu xảy ra ở học sinh THCS, THPT, còn tiểu học tương đối hiếm. Nhưng để đảm bảo an toàn, cô cũng yêu cầu giáo viên với vai trò là chủ phòng (host) phải phê duyệt người học. Khi truy cập, học sinh điền đúng tên, lớp mình mới được vào.

Với một số gia đình có hai con, không đủ thiết bị học online, giáo viên huy động hoặc cho học sinh mượn điện thoại, đảm bảo việc học online không bị gián đoạn. Đến nay, sau hai tuần học online trước và sau Tết, Ban giám hiệu trường Khương Thượng đánh giá việc học diễn ra tương đối suôn sẻ, gần như 100% học sinh tham gia. "Tuy chất lượng học online được cải thiện so với năm ngoái, chúng tôi vẫn mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để học sinh trở lại trường, kế hoạch năm học không bị xáo trộn", cô Hà chia sẻ.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP HCM trong tiết dạy online sáng 18/2. Ảnh: Mạnh Tùng.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP HCM trong tiết dạy online sáng 18/2. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ở bậc THPT, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội, không sử dụng Zoom hay các phần mềm miễn phí học online. Trường mua bản quyền của Office 365, cấp cho hơn 1.000 học sinh và giáo viên để học online, đồng thời làm bài kiểm tra trực tuyến. "Một năm trường phải trả 50-60 triệu đồng phí bản quyền. Số tiền này sẽ bù lại chi phí văn phòng phẩm như mực, máy in và giấy A4, tính ra không hề đắt", Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm nói.

Vì mỗi học sinh được định danh bằng tài khoản cá nhân, việc học online của trường Phan Huy Chú - Đống Đa có tính bảo mật cao, không xảy ra việc người lạ xâm nhập lớp học. Ngay cả khi bỏ lỡ buổi học online, học sinh có thể dùng tài khoản của mình truy cập vào lớp, xem lại video bài giảng của buổi học. Thầy Nhâm đánh giá, việc có phần mềm bài bản đã giúp nhà trường tổ chức việc học online bài bản, ổn định và tăng cường bảo mật thông tin.

Từ ngày 17/2, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM triển khai việc dạy học trên Internet bằng hệ thống Lớp học kết nối của ngành giáo dục thành phố. Học sinh có một ngày để nhận thông báo lịch học các môn và đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản, số điện thoại được đăng ký trước đó.

Thạc sĩ Lê Thịnh, giáo viên Vật lý, đánh giá sử dụng hệ thống Lớp học kết nối tính bảo mật, an toàn cao hơn bởi cả thầy và trò đều phải có tài khoản riêng mới được vào lớp học. Giao diện lớp học online cũng khá đơn giản, thuận tiện với các ô nội dung bài học đính kèm video bài giảng, ô thảo luận là khung chat giữa thầy trò. Ngoài ra, lớp học kết nối còn khung bài tập để học sinh nộp bài theo yêu cầu của giáo viên. Với hệ thống này, sau khi nộp bài, các em có thể biết điểm ngay.

Theo thầy Thịnh, sử dụng hệ thống nào cũng có ưu, hạn chế riêng. Việc bảo mật không thể tuyệt đối, nhưng giáo viên hoàn toàn có thể kiểm soát lớp học bằng sự tương tác với học sinh. "Phải quản lý học sinh bằng tên thật, mã số học sinh, tên hiển thị trong lớp học. Em nào tham gia lớp cũng phải làm bài tập, nộp bài. Dùng hệ thống mới ban đầu có chút cập rập nhưng rồi cũng ổn", thầy Thịnh chia sẻ.

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Hóa học ở quận 7, như nhiều đồng nghiệp khác dùng nền tảng Google để dạy online bởi đơn giản, dễ dùng. Thầy giáo 27 tuổi tận dụng tối đa ba công cụ của Google cho một tiết học. Đầu tiên, học sinh truy cập vào Google Classroom để xem bài giảng dưới dạng video mà giáo viên đã quay trước, xem câu hỏi, làm bài tập trắc nghiệm trên Google Form. Đến tiết học trên thời khóa biểu, học sinh tham gia lớp online trên Google Meet, có điểm danh.

Mỗi tiết học đều có tương tác câu hỏi, phản biện, phát biểu có cho điểm. Cuối tuần, học sinh kiểm tra nội dung học tập để lấy điểm kiểm tra thường xuyên.

Quy trình dạy học trực tuyến cho học sinh do tổ bộ môn thầy Phạm Lê Thanh biên soạn. Ảnh: Lê Thanh.

Quy trình dạy học trực tuyến cho học sinh do tổ bộ môn thầy Phạm Lê Thanh biên soạn. Ảnh: Lê Thanh.

Thầy Thanh cho rằng, ưu điểm nền tảng Google là tính bảo mật cao, không bị những phần mềm hay kẻ xấu đột nhập như nhiều ứng dụng khác. Với Google Meet, học sinh dễ dàng tham gia lớp học, không bị rớt ra trong quá trình học và thời gian duy trì lớp học cũng không bị giới hạn. Tương tác của thầy và trò được thiết lập với quy trình và nội quy thống nhất để buổi học hiệu quả.

"Một năm vận hành quy trình trên, các lớp học rất bảo mật, hạn chế tối đa sự xâm nhập của người lạ. Nếu có thì học sinh báo ngay cho thầy cô bởi các em đã được tập huấn nội quy", thầy Thanh cho biết.

Đến ngày 22/2, 36 tỉnh, thành đã cho học sinh đi học bình thường. 17 tỉnh thành cho học sinh đi học từ ngày 28/2. Số còn lại cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo mới.


Mạnh Tùng - Thanh Hằng/vnexpress.net

https://vnexpress.net/truong-hoc-tim-cach-bao-mat-lop-hoc-online-4238486.html

  • Từ khóa