Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản cho năm học, tránh bị động

Thứ 7, 27.02.2021 | 19:26:27
1,057 lượt xem

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi, tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động.

Theo Bộ GD-ĐT, sau thời gian kéo dài lịch nghỉ học của học sinh sau Tết Nguyên đán để phòng, chống dịch Covid-19, tuần qua, nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh trở lại trường. Các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên đã được thực hiện triệt để. Những địa phương, cơ sở giáo dục chưa cho học sinh, sinh viên trở lại trường học cũng tiếp tục triển khai hình thức dạy học trực tuyến, dạy học từ xa phù hợp và hiệu quả.

Dự kiến trong tuần sau, hầu hết học sinh mầm non, phổ thông trên cả nước sẽ quay trở lại trường học (hiện chỉ còn Hải Dương, Hải Phòng chưa có thông báo chính thức).

Với tình hình đang trong tầm kiểm soát như hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi, tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo.

Đối với hai nhiệm vụ quan trọng là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ "từ khóa" là giữ ổn định và sẵn sàng các phương án tình huống khác nhau. Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của Bộ đang khẩn trương chuẩn bị bộ đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT để dự kiến công bố trong tháng 3. Bộ trưởng lưu ý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn trong bối cảnh dịch Covid-19, vì vậy, vẫn phải tính toán điều chỉnh hệ thống câu hỏi, bài thi sao cho hợp lý.

Về triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhấn mạnh tới các vấn đề cần tập trung thực hiện như: Hoàn thiện hành lang pháp lý; bổ sung các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số; ban hành cẩm nang hướng dẫn giáo viên các kỹ năng dạy học trực tuyến; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối với các nhà mạng, doanh nghiệp để hỗ trợ, định hướng về phần mềm, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dạy và học trực tuyến.

“Dạy học trực tuyến không chỉ là tình huống phát sinh trong điều kiện có dịch mà là xu hướng. Dạy học trực tuyến và trực tiếp có ưu, nhược điểm riêng nên không thể so sánh thuần túy. Bậc đại học có thể tận dụng tối đa hình thức dạy học này, còn ở bậc phổ thông có thể ứng dụng các yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến ở mức độ khác nhau”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, đồng thời Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến trên diện rộng, đưa ra khuyến cáo và giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến.

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động phát hiện, đề xuất xem xét khen thưởng những cá nhân, tập thể làm tốt công tác phòng, chống dịch; triển khai tốt việc dạy học trực tuyến…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc kỳ nghỉ tết Nguyên đán, căn cứ tình hình dịch bệnh, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh đi học trở lại. Đến nay, chỉ còn Hải Dương, Hải Phòng chưa có thông báo chính thức về việc đi học trở lại của học sinh.

63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch dạy học và triển khai chương trình giáo dục kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh. Có 28 cơ sở đào tạo (không tính các trường thuộc khối an ninh quốc phòng) đã cho sinh viên học tập trung từ ngày 22/2/2021; 31 cơ sở dự kiến cho sinh viên học tập trung ngày 1/3/2021; 59 cơ sở báo cáo tùy vào tình hình diễn biến bệnh dịch tại địa phương sẽ tổ chức để sinh viên đi học tập trung trong thời gian sớm nhất /.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/chuan-bi-san-sang-cac-kich-ban-cho-nam-hoc-tranh-bi-dong-839836.vov

  • Từ khóa