TP HCM dù là địa phương có nhiều điều kiện nhưng việc dạy tiếng Hàn, Đức trong các trường phổ thông được xác định là ngoại ngữ 2, tổ chức ở bậc THCS, THPT và cũng chỉ thí điểm ở một số trường.
Cụ thể, theo quyết định về tuyển sinh các lớp đầu cấp của UBND TP HCM, việc tuyển sinh vào lớp 6 tiếng Hàn (ngoại ngữ 2) được tổ chức tại Trường THCS Hoa Lư và Trường THCS Bình Thọ (cùng TP Thủ Đức) và được thực hiện trong số học sinh đã có danh sách vào học lớp 6 của trường. Đối với lớp 6 tiếng Đức (ngoại ngữ 2), tổ chức tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THCS Lê Quý Đôn (cùng quận 3) và Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), việc tuyển sinh này được thực hiện trong số những học sinh đã có danh sách trúng tuyển vào trường.
Ở bậc THPT, theo quy định của UBND TP HCM, đối với chương trình lớp 10 tiếng Đức (ngoại ngữ 1), căn cứ thực tế, Sở Gáo dục và Đào tạo công bố công khai hằng năm các trường THPT có dạy chương trình tiếng Đức là ngoại ngữ 1. Việc tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Đức (ngoại ngữ 1) được thực hiện trong số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 của trường và đã học THCS tiếng Đức là ngoại ngữ 1 và có điểm tiếng Đức từ 5.0 trở lên. Trong khi đó, việc tuyển sinh vào lớp 10 tiếng Hàn (là ngoại ngữ 2) chỉ được thực hiện chính thức tại Trường THPT Thủ Đức, trong số những học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 của trường.
Từ năm học 2016-2017, TP HCM bắt đầu thí điểm dạy tiếng Hàn trong các trường THCS và THPT. Nhiều ý kiến từ các trường đang thí điểm dạy tiếng Hàn cho biết học sinh rất thích học, tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc thí điểm dạy tiếng Hàn trong các trường phổ thông ở TP HCM vẫn đang gặp nhiều khó khăn như: chưa có biên chế chính thức về giáo viên tiếng Hàn như là ngoại ngữ 2, sĩ số lớp học đông, các trường chưa có phòng học chuẩn cho dạy ngoại ngữ 2, chưa biết cách tính điểm tiếng Hàn thế nào cho hợp lý.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 cho rằng mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh vẫn là làm sao để trẻ học tiếng Anh cho thật tốt và hiệu quả. Nhiều gia đình cảm thấy học ở trường không đủ, còn cho con đi học thêm bên ngoài, vì họ xác định tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu. "Trong khi đó, tiếng Anh của chúng ta vẫn đang là một môn ngoại ngữ. Chừng nào tiếng Anh thật tốt, phủ sóng ở nhiều nơi, nhiều tầng lớp và phổ biến như là một ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng Việt thì lúc đó tổ chức dạy tiếng Hàn, Đức... như là ngoại ngữ 1 thì hợp lý" - vị này nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết một số trường ĐH có khoa tiếng Đức, tiếng Hàn, nên việc đưa vào dạy cho học sinh là một định hướng tốt và lâu dài. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định khi triển khai vì 100% ngoại ngữ chính của các trường là tiếng Anh, ngôn ngữ mang giá trị toàn cầu, tâm lý phụ huynh cũng muốn cho con theo học. "Nếu chọn 2 ngôn ngữ trên là ngoại ngữ chính thì lực lượng giáo viên ở đâu ra trong khi nguồn đào tạo chưa bắt kịp, còn hợp đồng bên ngoài thì vi phạm quy định" - ông Phú nêu.
Đặng Trinh/Nld.com.vn