Trong thời kỳ chuyển đổi số, nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới ra đời, nên bắt buộc danh mục đào tạo ở các trường đại học cũng phải thay đổi theo.
Những nhóm ngành có triển vọng trong tương lai
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu, không chỉ riêng Nhà nước và các doanh nghiệp công nghệ quan tâm mà nó tác động, ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề.
Trong lĩnh vực giáo dục, chính sự chuyển đổi số sẽ mang lại những thách thức trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Trong đó, nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới ra đời, nên bắt buộc danh mục đào tạo cũng phải thay đổi theo.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa
Để tận dụng những cơ hội từ chuyển đổi nền kinh tế số, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh đã chỉ ra các nhóm ngành nghề có triển vọng tăng trưởng trong tương lai, có tiềm năng phát triển trong thời gian tới gồm:
Nhóm 1: Ngành công nghệ thông tin như phần mềm, an ninh mạng, data, giữ liệu... Đây là nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực rất cao
Nhóm 2: Ngành tự động hóa như cơ điện tử, điện tử, robot…
Nhóm 3: Công trình về thủy lợi, xây dựng, công nghệ thông minh.
Nhóm 4: Công nghệ sinh học, khoa học môi trường phát triển bền vững.
Nhóm 5: Ngành tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch.
Nhóm 6: Nhóm ngành nghề liên quan đến sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng...
Nhóm 7: Ngoại ngữ. Đây là công cụ quan trọng để chúng ta hội nhập và học những kiến thức ở bên ngoài.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho rằng, hiện nay, từ lớp 12, các trường ĐH, CĐ đã bắt đầu hướng nghiệp cho các em học sinh. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp các em học sinh chọn ngành, nghề theo nguyện vọng của bố, mẹ em thích dẫn đến việc các em chọn nhầm ngành, nghề. Điều này khiến nhiều em học rồi mới thấy không phù hợp, hoặc không theo kịp chương trình học, tình trạng nghỉ học sẽ rất cao.
"Ở nước ngoài họ hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm từ lúc 10 tuổi, cho các em có tới 7,8 năm để trải nghiệm. Vì vậy, Bộ giáo dục và Đào tạo cần phải hướng nghiệp sớm hơn nữa để các em có thời gian trải nghiệm, để các em biết được mình thích ngành nào tránh trường hợp chọn nhầm ngành" - ông Khánh kiến nghị.
GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi.
Trường đại học phải thay đổi
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, các trường đại học không nên tập trung vào đào tạo các ngành "hot", bởi lẽ nếu tập trung vào các ngành "hot" thì chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tức thời còn dài hạn phải nhìn vào ngành cơ bản.
Theo PGS Khánh, hiện nay, trường Đại học Phenikaa cũng tập trung vào các ngành cơ bản như cơ khí, cơ điện tử… mặc dù những ngành này rất khó thu hút học sinh tham gia. Vì vậy, để thu hút được học sinh tham gia vào các ngành học này nhà trường đã có những khuyến khích và cam kết đầu ra cho các em.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, vai trò của trường đại học ngoài việc khảo sát thị trường với doanh nghiệp còn phải dự báo sự phát triển của nền kinh tế, khoa học trong những năm tiếp theo.
"Nếu chúng ta chỉ đáp ứng những nhu cầu tức thời của thị trường thì ngành đào tạo đó cũng chỉ là đào tạo tức thời. Việc dự báo tốt nhu cầu của thị trường trong đào tạo nghề vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội quốc gia" - GS Việt nhấn mạnh.
GS Việt cũng chỉ ra, thời kỳ chuyển đổi số, Singapore là một quốc gia đi đầu từ lao động phổ thông cho đến học nghề. Và trong quá trình đào tạo, trường Đại học Thủy lợi đã tập trung điều chỉnh, rà soát và cập nhật lại các giáo trình, môn học, đồng thời gắn kết các doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo của nhà trường.
GS Việt ví dụ, tập đoàn SamSung trong những năm vừa qua đã đầu tư rất là nhiều tiền để đưa những modul vào khoa công nghệ thông tin của nhà trường. Tức là nhà trường có thể đào tạo bất kỳ kiến thức gì nhưng từng này modul là phải có và họ cam kết tiếp nhận lao động sau đào tạo.
Hay ví dụ như ngành kỹ thuật cơ khí, cơ khí điện tử, trường ĐH Thủy lợi hợp tác với một số trường đại học của Hàn Quốc- Nhật Bản và sau 2 năm đào tạo, nhà trường có thể cung cấp lao động không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cung cấp lao động cho thị trường quốc tế...
GS Việt cho biết, ngoài kiến thức chuyên môn được đào tạo sâu trên ghế nhà trường còn chú trọng cả kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng tư duy, kỹ năng giao tiếp. Ví dụ, khi bạn sản xuất một con robot rất tốt nhưng làm thế nào để bán được con robot này sẽ vô cùng khó khăn, phải maketing, truyền thông hay phải có cả những chuyên gia tài chính để định giá cho phù hợp với thị trường.
Như vậy ngoài kỹ năng chuyên môn còn cần kỹ năng làm việc nhóm để thúc đẩy việc đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường.
Nhật Hồng/dantri.com.vn