Thời gian qua, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh.
Khi đến với Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học 1 xã Tri Lễ, huyện Văn Quan chúng tôi thấy, thay vì mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc, nhà trường đã xây dựng mô hình “Trường học thư viện”, gồm có thư viện xanh, thư viện góc lớp và thư viện cầu thang. Trong đó, thư viện xanh được đặt ở dưới sân trường, lợp bằng lá cọ, có rất nhiều đầu sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện, báo (trên 2.000 cuốn các loại), được sắp xếp ngăn nắp, hợp lý, giúp các em có thể lựa chọn sách dễ dàng.
Tiết đọc thư viện của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn
Không chỉ tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học 1 xã Tri Lễ. Hiện nay, đa số các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện riêng với nhiều đầu sách tham khảo, truyện đọc, sách khoa học, bổ trợ kiến thức, các báo, tạp chí cho học sinh… Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 253 trường có lớp tiểu học. Hiện tại có 242/253 trường có lớp tiểu học có thư viện phục vụ cán bộ, giáo viên, học sinh, đạt tỉ lệ 95,6%. Nổi bật là hệ thống “Thư viện thân thiện trường tiểu học”, do Tổ chức Room to Read (tổ chức phi Chính phủ Mỹ) tài trợ xây dựng.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, trường đầu tiên của huyện Cao Lộc được Tổ chức Room to Read đầu tư xây dựng mô hình thư viện thân thiện vào tháng 7/2018. Ở đây có trên 3.000 cuốn sách, bao gồm: 2.000 cuốn do Tổ chức Room to Read tài trợ và trên 1.000 cuốn của nhà trường và các tổ chức, cá nhân khác trao tặng. Em Phùng Oanh Hồng, lớp 5A3 chia sẻ: giờ ra chơi là thời gian lý tưởng để đọc sách, nên sau tiếng trống báo hiệu ra chơi, học sinh chúng em lại ùa vào thư viện để tìm các loại sách mà mình yêu thích. Bạn thì đến góc đọc trước sân trường, bạn thì đến kệ sách hay vào bàn chơi cờ được bố trí trong thư viện.
Được biết, mô hình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” có 35 thư viện thuộc 6 đơn vị: Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Quan, Bắc Sơn và Hữu Lũng. Cô Nhâm Thị Bé, Nhân viên thư viện Trường Tiểu học xã Long Đống, huyện Bắc Sơn (trường thực hiện mô hình Thư viện thân thiện trường tiểu học) cho biết: Với mô hình này, sách trong thư viện được phân loại theo trình độ đọc, được dán theo mã màu và trưng bày trên các kệ, giá một cách thuận lợi nhất để học sinh dễ nhìn, dễ tìm. Khi có sách mới, nhân viên thư viện giới thiệu sách cho học sinh ở bảng giới thiệu sách và ở các tiết chào cờ đầu tuần. Hằng tháng, cùng với các chủ đề, chủ điểm học tập của các lớp theo chương trình giáo dục phổ thông, nhân viên thư viện sắp xếp các loại sách tham khảo, truyện đọc theo các chủ đề, chủ điểm để học sinh tiện tìm đọc.
Ngoài các mô hình này, để khuyến khích và tạo cảm hứng, lan tỏa tinh thần đọc sách đến học sinh, các trường tùy vào điều kiện, đã xây dựng thư viện trường học phù hợp như: thư viện xanh, thư viện ngoài trời, trong lớp học… Hiện nay, thư viện trong các trường tiểu học luôn thu hút đông đảo học sinh đến đọc và tìm tư liệu học tập nâng cao. Mỗi nhà trường đều dành ra một khoản kinh phí để đầu tư đổi mới, cập nhập các đầu sách bổ ích. Ngoài việc huy động từ ngân sách của nhà trường, các trường còn vận động phụ huynh, học sinh cũng như các nhà hảo tâm ủng hộ các loại sách.
Cùng với đó, hằng tháng, các trường đều tổ chức luân chuyển, thay đổi sách để cho học sinh có điều kiện được đọc nhiều thể loại sách hơn, do đó, chất lượng đọc sách, báo được nâng lên rõ rệt. Tính trung bình một học sinh mượn về nhà ít nhất 5 cuốn sách/năm học. Trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, sinh hoạt dưới cờ,… học sinh đã biết giới thiệu những cuốn sách hay cho bạn, nêu được những suy nghĩ của mình về nội dung cuốn sách, về các nhân vật trong cuốn sách.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để rèn thói quen này cho các em. Chính vì vậy, công tác thư viện trường học trong những năm gần đây được ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn.
Cùng với việc tích cực đổi mới, sáng tạo hình thức và hoạt động của thư viện trong các trường học, dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam (21/4), các trường học trong tỉnh cũng tổ chức ngày hội sách và các hoạt động, cuộc thi thú vị gắn với sách, như thi kể chuyện theo sách, giới thiệu cuốn sách hay, xếp mô hình sách, tọa đàm, trao đổi phương pháp tìm và đọc sách trong thời công nghệ 4.0… Qua đó, thu hút đông đảo học sinh tham gia, góp phần khơi dậy niềm đam mê và thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong học đường.
HOÀNG TÙNG/BAOLANGSON.VN