Với bức thư gửi em gái được sinh ra trong khu cách ly, Đào Anh Thư giành giải Nhất Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2021.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Đào Anh Thư gửi bài dự thi cuộc thi viết thư quốc tế UPU. Những ngày sống trong vùng bị phong tỏa vì ca mắc Covid-19, Anh Thư có được chất liệu để thuyết phục hội đồng chấm thi.
Đào Anh Thư - chủ nhân giải Nhất Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2021.
Lấy cảm hứng từ tâm dịch
"Khi mẹ em hỏi: Nếu con gái được giải Nhất UPU thì thế nào nhỉ? Em chỉ nghĩ mẹ nói đùa. Biết mình được giải thật thì em không thể tin được. Em gọi điện khoe chị gái đang đi làm xa nhà, khoe bà nội, bà ngoại và các bạn thân", Anh Thư kể lại.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Đào Anh Thư (lớp 8A2, trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội) tham gia cuộc thi. Năm học lớp 6, Thư viết về người hùng của em là một hiệp sĩ đường phố. Lớp 7, Thư viết thư cho ông già Noel kể về ước mơ của trẻ em nghèo ở châu Phi.
"Mặc dù cả 2 năm trước em đều không đạt giải, nhưng năm nay khi trường phát động cuộc thi là em quyết định tham gia ngay. Vì đây là hoạt giúp em trau dồi khả năng viết văn, bồi dưỡng kiến thức xã hội, trí tưởng tượng và có cơ hội thử sức mình", Anh Thư cho biết.
Đây là lần thứ 3 liên tiếp, Đào Anh Thư gửi bài dự thi.
Khi nhận đề tài của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 (Năm 2021) "Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19". Anh Thư đã nghĩ ngay đến trải nghiệm sống trong những ngày thôn mình (thôn Phan Xá, xã Uy Nỗ) bị phong tỏa, niềm vui khi thôn được dỡ cách ly.
"Trong thời gian sống trong tâm dịch, em thấy bị gò bó vì suốt ngày ở trong nhà, mấy ngày liền không ra khỏi cổng. Em rất chán nản và lo lắng.
Trong hoàn cảnh đó em mới hiểu rằng, những người hàng tháng trời phải ở trong khu cách ly thì họ khổ đến thế nào. Nhất là những nhân viên y tế, họ phải ở trong bệnh viện, suốt ngày mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít, chân cũng phải bọc lại, đối diện với người bệnh", Anh Thư cho biết.
Anh Thư lên báo, đài đọc tin tức về dịch Covid-19 để tìm thêm cảm hứng cho bức thư sắp viết. Một ngày, em tình cờ đọc được câu chuyện về một người mẹ là bệnh nhân Covid-19 sinh em bé ngay trong khu cách ly. Em bé được một hộ lý chăm sóc, còn người mẹ không được gần con.
"Đây là một câu chuyện rất đặc biệt, bởi vì em nghĩ rằng người mẹ sinh con trong điều kiện bình thường thì đã rất khó khăn rồi. Ở đây lại trong hoàn cảnh nguy hiểm, khó khăn. Và chính lúc đó, con người lại làm được điều kì diệu.
Trong cơn ảm đạm của đại dịch, sự ra đời của em bé không chỉ tượng trưng cho sinh mệnh mới, mà còn là hy vọng, minh chứng cho những cố gắng của tất cả mọi người, đặc biệt là của các bác sĩ, y tá, những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch.
Em quyết định viết một bức thư gửi em bé được sinh ra khi mẹ đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương", Anh Thư chia sẻ.
Mất 1 tuần để hoàn thiện bức thư
Anh Thư tranh thủ thời gian ngoài giờ học trực tuyến để viết thư. Hoàn thành bản thảo trong 1 buổi tối. Nhưng mất 1 tuần sau đó để triển khai đề tài, sửa lỗi sai và nắn nót từng chữ một.
Anh Thư cho biết, khó nhất là khi nhập vai để viết về cảm xúc của người chị "ở phòng bên này, ngóng sang bên đó" nơi mẹ đang trong cơn vượt cạn. Anh Thư liền nhờ bố mẹ và các chị kể lại khoảnh khắc Thư được sinh ra.
Bố mẹ kể Thư nghe lúc cả nhà hồi hộp chờ tiếng khóc chào đời của em, những lo lắng khi suốt hơn một tuần sau khi sinh, em không mở mắt. Các chị của Thư còn nghĩ em bị chói mắt nên tắt hết điện đi vẫn không có kết quả. Gần chục ngày sau, cả nhà vỡ òa khi thấy mắt em bắt đầu mở bình thường.
Từ tình cảm gia đình dành cho, Thư tưởng tượng và đặt mình vào trạng thái của người chị "hết đứng lên, ngồi xuống không yên" chờ đợi em bé ra đời. Như trong bức thư em viết.
Thư tìm đọc nhiều câu chuyện liên quan đến bệnh nhân Covid-19, về cuộc sống sinh hoạt của những bác sĩ trong khu cách ly, đọc tác phẩm được giải các năm trước để học cách viết.
Thư rút kinh nghiệm từ 2 lần dự thi trước. Năm lớp 6 em viết thông điệp không rõ ràng, lớp 7 thì ý tưởng viết ra bị thiếu thực tế.
Lần dự thi thứ 3, Thư đã chịu khó quan sát, để ý các sự việc trong đời sống hàng ngày. Để ý các bác sĩ đeo "tấm chắn giọt bắn lúc nào cũng đầy hơi nước vì không có cơ hội được bỏ ra, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cho dù là đang giữa những ngày đông tháng giá".
Ngoài ra, Thư cho rằng ý tưởng hay và xuất phát từ cảm xúc của mình thì mới chạm tới sự rung động của mọi người.
"Em gửi thư đi và không đắn đo gì. Có lẽ vì hai lần trước em mong đợi nhưng không có kết quả nên lần này viết xong là cứ gửi thôi. Lúc viết xong thì em thấy bình thường, nhưng giờ đọc lại thì thấy cảm xúc của mình trong thư rất thực, và xúc động", Thư chia sẻ.
Cô Ngô Hồng Loan, mẹ của Thư, cũng là giáo viên trường THCS Nguyễn Huy Tưởng cho biết, từ những năm học tiểu học, Anh Thư đã thích học văn, cô giáo đánh giá em biết viết văn, cảm thụ tốt.
Trong những năm học vừa qua, khi trường THCS Nguyễn Huy Tưởng phát động các cuộc thi "Viết về thầy cô, mái trường", "Nguyễn Huy Tưởng chắp cánh tài năng", lần nào Thư cũng tham gia và đạt giải Nhất toàn khối.
Toàn văn bức thư của (Ảnh: Facebook trường THCS Nguyễn Huy Tưởng).
Quang Trường/dantri.com.vn