Được khởi xướng cách đây 25 năm với tiền thân là Chương trình “Hỗ trợ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng”, “Tiếp sức mùa thi” không chỉ thể hiện giá trị nhân văn cao cả, tinh thần sẻ chia trong xã hội, mà còn góp phần không nhỏ thay đổi nền giáo dục nước nhà, hun đúc nên những thế hệ thanh niên giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, sống có ích cho cộng đồng.
Các tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” thời điểm mùa hè năm 2003.
“Lai kinh ứng thí”
Nếu là một người thuộc thế hệ 7x hay 8x, ắt hẳn ai cũng còn lưu giữ ít nhiều ký ức về một thời kỳ mà những học sinh cuối cấp THPT phải chuẩn bị sẵn sàng cho “loạt thi cuộc đời”: Một kỳ thi tốt nghiệp, hai kỳ thi đại học, một kỳ thi cao đẳng.
Những năm 1990-2000 ngày ấy, các trường đại học được quyền tự ra đề thi dựa theo bộ đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh buộc phải dự thi ở trường đã đăng ký, đăng ký bao nhiêu trường thì phải dự bấy nhiêu kỳ thi. Đó là chưa kể các tính toán mang tính “cân não” hay những cuộc tranh cãi khó tránh khỏi trong gia đình về đề tài chọn khối, chọn trường.
Một trong những đội hình hỗ trợ thí sinh di chuyển miễn phí đầu tiên của “Tiếp sức mùa thi”. Chưa có thiết bị di động thông minh, các “tài xế” trẻ thường phải mang theo bản đồ.
Quả thật, việc thi cử khi đó là cả một hành trình nỗ lực vượt qua “ngưỡng cửa cuộc đời” của không chỉ thí sinh mà cả người nhà thí sinh. Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh những ngày thi luôn “nóng” hơn gấp bội, không chỉ vì cái nắng gắt mùa hè, mà còn bởi lượng thí sinh và người nhà đổ về tăng đột biến.
Có người một mình “lều chõng” lặn lội từ quê nhà xa xôi ra thành phố, lại có gia đình “cơm đùm, cơm nắm” cùng con em “vượt vũ môn”. Đâu đó, thấp thoáng những cặp thí sinh - phụ huynh trải chiếu nằm ngủ trong bóng mát công viên. Đây kia, có bóng dáng một nữ sinh khóc như mưa vì muộn giờ thi do không tìm được phương tiện di chuyển từ quê ra phố thị…
Thời ấy, mỗi khi hè về, bao mồ hôi và nước mắt lại tuôn rơi, tất cả để hướng tới mục tiêu duy nhất: Dành một suất học đại học.
Những năm 2000 là giai đoạn Chương trình “Tiếp sức mùa thi” phát triển sôi nổi nhất nhờ sự tích cực, năng nổ, nhiệt huyết của các tình nguyện viên. Họ thường xuyên chia đội hình túc trực ở các bến xe, nhà ga bất kể ngày đêm để bảo đảm đưa đón thí sinh an toàn.
Trước sức ép của loạt kỳ thi, năm 1996, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TP Hồ Chí Minh mạnh dạn triển khai một chương trình tình nguyện mang tên “Hỗ trợ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng” với mục tiêu hỗ trợ, giảm tải áp lực thi cử cho thí sinh cũng như người nhà thí sinh, góp phần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi.
Nhân văn và thiết thực
Những ngày đầu tiên hoạt động, lực lượng nòng cốt của Chương trình chỉ là một nhóm nhỏ sinh viên tình nguyện với chiếc bàn tư vấn đơn sơ đặt tại trụ sở Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ chính là tư vấn, hướng dẫn thí sinh của các điểm thi tại thành phố mang tên Bác dự thi đúng thời gian, địa điểm, quy chế.
Bằng tinh thần xung kích, sự nhiệt huyết và sức trẻ, các tình nguyện viên đã nhanh chóng mở rộng phạm vi Chương trình, bổ sung thêm nhiều mô hình như đưa đón thí sinh miễn phí, giá rẻ; tìm kiếm, kết nối thí sinh tới nơi ở trọ phù hợp; hỗ trợ làm thủ tục thi, hướng dẫn ôn tập; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở các điểm thi…
Hết giờ học, giờ làm, nhiều tình nguyện viên lại gấp gáp chạy xe tới các khu nhà trọ hoặc điểm tập kết nguyên liệu để cùng nhau nấu những bữa cơm ngon, đủ dinh dưỡng, bảo đảm an toàn. Các suất ăn sau đó được chia đều, giao cho các đội hình tình nguyện khác vận chuyển tận tay thí sinh và người nhà thí sinh.
Trong 5 năm, kiên trì với mục tiêu ban đầu đề ra, Chương trình đã phát triển về mọi mặt, trở thành điểm tựa tin cậy của các thí sinh trước kỳ thi mang tính chất “ngưỡng cửa cuộc đời”. Từ 25 thành viên ban đầu, số lượng sinh viên tình nguyện tham gia Chương trình đã tăng lên 112 vào năm 2001. Lượng địa điểm nghỉ trọ miễn phí, giá rẻ cũng tăng từ 400 lên hơn 3.700; số thí sinh được tư vấn, hỗ trợ tăng từ 250 lên hơn 1.900 lượt.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, người từng 18 năm gắn bó với “Tiếp sức mùa thi” bồi hồi nhớ lại: “Tôi biết đến Chương trình lần đầu năm 2001. Một mình khăn gói từ quê nhà Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh thi đại học, được các tình nguyện viên hỗ trợ rất chu đáo, tôi quyết tâm đăng ký tham gia Chương trình ngay vào năm 2002”.
Những tình nguyện viên chính là “linh hồn” của Chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Phần lớn còn rất trẻ, nhưng dường như họ có thể làm được tất cả.
Từ năm nhất đại học, đến khi tốt nghiệp rồi đi làm, anh Hoàng luôn gắn bó với “Tiếp sức mùa thi”. Trong nhiều năm liên tiếp, buổi sáng anh có mặt ở Bến xe Miền Đông hỗ trợ thí sinh, chiều về công ty làm việc, tối lại ra bến xe tiếp sức sĩ tử tới nửa đêm. Chia sẻ về nguồn động lực, ý chí và sức lực kỳ diệu ấy, Nguyễn Trọng Hoàng cười hiền nói: “Tôi chỉ muốn tri ân những điều từng nhận được khi mới đặt chân tới ngưỡng cửa đại học”.
Có thể nói, sự lớn mạnh của Chương trình “Hỗ trợ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng” giai đoạn 1996-2001 không những mang lại những giá trị nhân văn cao cả, mà còn hình thành, phát triển một hệ tư tưởng gắn với tinh thần xung kích, tình nguyện, “tương thân tương ái” trong nhiều thế hệ thanh niên, đồng thời góp phần thay đổi tích cực nền giáo dục nước nhà theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn.
Nhận thấy sự vất vả không chỉ thí sinh, mà cả người nhà thí sinh và các lực lượng tình nguyện, sau giai đoạn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đổi mới hoạt động tuyển sinh đại học bằng một kỳ thi “ba chung” về đề thi, thời gian thi và kết quả xét tuyển, diễn ra tập trung tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các cụm Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ.
Kể cả việc hỗ trợ “đề-pa” một chiếc xe buýt hoàn toàn bằng sức người.
Bên cạnh đó, năm 2001, với sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã phối hợp Tập đoàn Thiên Long mở rộng Chương trình ra phạm vi cả nước với tên gọi mới: “Tiếp sức mùa thi”.
Coi thí sinh như người nhà
Nhanh chóng thích nghi với phương thức xét tuyển mới, các “lò” luyện thi mọc lên như “nấm sau mưa” ở khắp mọi nơi. Đơn cử như tại TP Hà Nội, hệ thống “lò” ở khu “Bách - Kinh - Xây” (ba Trường Đại học lớn gồm Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân và Xây dựng) hay khu Đại học Sư phạm Hà Nội luôn nằm trong tình trạng quá tải mỗi dịp tháng 5, tháng 6.
Để trang trải những khoản chi phí bắt buộc rất đỗi đắt đỏ đối với hầu hết thí sinh tỉnh lẻ, nhiều gia đình đã phải bán trâu bò, thóc giống cho con em “bám trụ” Thủ đô chờ tới ngày “vượt vũ môn”. Trong đó, không ít phụ huynh chọn phương án đi cùng để cơm nước, giặt giũ nhằm giảm tải tối đa áp lực cho thí sinh.
Những tình nguyện viên ướt sũng nước do vừa nhường ô, nhường áo mưa che cho thí sinh tranh thủ “nạp năng lượng” tại chỗ.
Nắm bắt tình hình, “Tiếp sức mùa thi” tập trung tăng cường mạnh mẽ cả về số và chất đối với các lực lượng, đội hình tình nguyện; nghiên cứu triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ thí sinh theo cụm thi. Không ai bảo ai, các tình nguyện viên tự đặt ra phương châm, tôn chỉ hoạt động chung: Coi thí sinh như người nhà.
Tại “cái nôi” của Chương trình là TP Hồ Chí Minh, mỗi năm, có tới hàng chục nghìn sinh viên tình nguyện chia đội hình “trực chiến” ở tất cả các bến xe, nhà ga, trạm xe buýt, các trường đại học, cao đẳng, khu vực nhà trọ đông thí sinh, nút giao thông, địa điểm thi… Qua đó, giải quyết được hầu hết khó khăn cho thí sinh, góp phần không nhỏ giúp các kỳ thi “ba chung” thành công tốt đẹp.
Sau một thập kỷ giữ vững vai trò nòng cốt của Chương trình “Tiếp sức mùa thi”, năm 2011, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên TP Hồ Chí Minh đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, Sinh viên TP Hồ Chí Minh, với phạm vi nhiệm vụ, đối tượng hỗ trợ đều được mở rộng. Để đánh dấu bước phát triển quan trọng này, Chương trình bổ sung hai nội dung hoạt động lớn: Hỗ trợ khẩn cấp và trao học bổng tặng thí sinh đặt biệt khó khăn ngay trong kỳ thi.
Nhưng nói như vậy, không có nghĩa rằng tình nguyện viên của “Tiếp sức mùa thi” chỉ toàn những người trẻ. Độ mở lớn của Chương trình khuyến khích mọi người dân tham gia góp sức vì một kỳ tuyển sinh diễn ra thành công và an toàn.
Giai đoạn 2002-2014, số điểm nghỉ trọ miễn phí, giá rẻ mà Chương trình “Tiếp sức mùa thi” vận động được tại TP Hồ Chí Minh đã tăng từ gần ba nghìn lên hơn 37 nghìn. Trong đó, năm 2013, lượng điểm nghỉ trọ vận động được đã đạt hơn 42 nghìn, trở thành một cộng đồng tình nguyện lớn chưa từng có với những “ba, má tình nguyện” mang đậm “chất” phong trào miền Nam.
Không ngừng cải thiện
Kể từ năm 2014, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một số thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, “Tiếp sức mùa thi” lập tức chuyển trọng tâm sang các hình thức tại chỗ như trao suất ăn, nước uống, hỗ trợ giữ hành lý, tư trang trong thời gian thi; vận động học bổng tặng thí sinh vượt khó, giới thiệu nơi ở giá rẻ…
Những năm gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chương trình tiếp tục có nhiều cải tiến. Tiêu biểu, ở cấp Trung ương, Chương trình triển khai các kênh ôn luyện kiến thức trực tuyến; tư vấn trực tuyến về tuyển sinh, dinh dưỡng mùa thi, hỗ trợ tâm lý, phương pháp ôn luyện; mở cổng thông tin kết nối “Một sinh viên hỗ trợ một thí sinh”…
Điểm chung của họ là nụ cười thường trực trên môi, tinh thần sẻ chia, lòng nhân ái cùng nguồn năng lượng tích cực luôn dồi dào.
Trong khi đó, nhiều cơ sở Đoàn cấp tỉnh, thành phố cũng đưa vào hoạt động nhiều mô hình có hàm lượng sáng tạo cao như: “Taxi miễn phí hỗ trợ thí sinh khuyết tật” - Tỉnh đoàn Hà Tĩnh; “Cây điều ước” - Hội Sinh viên TP Hải Phòng; “Phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch - Tỉnh đoàn Bạc Liêu…
Được biết, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2021 sẽ tiếp tục được tích hợp thêm hàng loạt điểm mới như cổng thông tin với nhiều tính năng hỗ trợ hiện đại tiepsucmuathi.vn; cung cấp miễn phí một triệu khóa luyện thi, 50 triệu học bổng, hàng nghìn quyển sáng, bộ dụng cụ học tập… tặng thí sinh.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam khẳng định: Năm 2021, mọi hoạt động của Chương trình sẽ tiếp tục gắn chặt với việc tận dụng nguồn lực tình nguyện tại chỗ và thông điệp 5K trong phòng, chống dịch Covid-19.
“Tại hai điểm nóng về dịch bệnh là Bắc Giang và Bắc Ninh, Chương trình chỉ triển khai nguồn nhân lực tại chỗ, không đưa các đội hình tình nguyện ở nơi khác về. Để nâng mức bảo đảm an toàn lên cao nhất đối với lực lượng ở vùng sâu, vùng xa, địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, chúng tôi đã phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ 400 nghìn suất bảo hiểm tai nạn cho các tình nguyện viên”, anh Bùi Quang Huy cho biết.
Giá trị còn mãi
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” mà tiền thân là sáng kiến “Hỗ trợ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng” không chỉ thể hiện tính nhân văn cao đẹp, mà còn góp phần không nhỏ từng bước cải thiện nền giáo dục nước nhà. Quan trọng hơn cả, “Tiếp sức mùa thi” để lại dấu ấn lớn cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam về tinh thần xung kích, sự hy sinh, đùm bọc, lòng nhân ái, ý thức sẻ chia, khát khao cống hiến, sống có ích từ trong tư tưởng, nhận thức.
Lớp sau tiếp nối lớp trước, hầu hết những thí sinh sau khi được hỗ trợ đều trở thành tình nguyện viên, trực tiếp góp sức vào Chương trình. Sức lan tỏa mạnh mẽ từ “Tiếp sức mùa thi” được thể hiện rõ nét qua hàng chục nghìn lá đơn tình nguyện đăng ký tham gia hằng năm. Trong đó, không chỉ các bạn trẻ, mà thực tế có rất nhiều người dân đã thể hiện tấm lòng sẻ chia thơm thảo vì cộng đồng.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình nguyện viên “Tiếp sức mùa thi” lại có thêm nhiều nhiệm vụ mới. Nhằm bảo đảm an toàn cho đội ngũ tình nguyện viên, năm 2021, Chương trình đã triển khai hỗ trợ 400 nghìn suất bảo hiểm.
Các cô, chú xe ôm tình nguyện hỗ trợ đưa đón thí sinh miễn phí dưới cái nắng gay gắt đặc trưng của mùa hè. Nhiều chủ nhà trọ chu đáo chuẩn bị phòng nghỉ và cả đồ dùng, đồ ăn phục vụ sĩ tử với giá rất rẻ. Thậm chí, có những gia đình mười năm ròng chia sẻ không gian sống để thí sinh đến ăn, ở trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi mà không nhận bất cứ khoản tiền nào.
Theo thống kê sơ bộ, qua Chương trình, khoảng 11 triệu lượt thí sinh, người nhà thí sinh đã được hỗ trợ; hơn 2,2 triệu nhà trọ giá rẻ, hơn 500 nghìn nhà trọ miễn phí được kết nối hoạt động; hơn 2,6 triệu suất ăn miễn phí, an toàn được cấp phát. Góp sức vào Chương trình là hơn một triệu tình nguyện viên, dù ở rất nhiều độ tuổi, làm nhiều công việc khác nhau nhưng chung tinh thần cống hiến vì cộng đồng.
Tinh thần tình nguyện, sẻ chia ấy còn được lan tỏa tới nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp. Mỗi khi hè về, các tỉnh, thành đoàn trên cả nước lại sôi nổi tập hợp, huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia Chương trình. Nhiều bến xe, nhà ga chủ động hỗ trợ, chia sẻ không gian để đón tiếp thí sinh từ các địa phương. Lực lượng cảnh sát giao thông tích cực phân luồng, thành lập chốt hỗ trợ sĩ tử…
Ở chiều ngược lại, với các tình nguyện viên, “Tiếp sức mùa thi” trở thành môi trường tốt để thể hiện sức trẻ, sự sáng tạo. Qua Chương trình, nhiều sáng kiến, ý tưởng của tình nguyện viên được nhanh chóng hiện thực hóa, tiêu biểu như các mô hình “Cùng bạn đi thi”, “Một sinh viên kèm một thí sinh”; hệ thống “Quản lý nhà trọ - Giới thiệu thí sinh”, “Quản lý và tập huấn sinh viên tình nguyện”…
25 năm qua, “Tiếp sức mùa thi” nói chung, các tình nguyện viên của Chương trình nói riêng đã và đang thầm lặng hiến dâng cho đời những điều nhân văn, tốt đẹp nhất. Hàng triệu trái tim đập chung một nhịp, hàng triệu cánh tay cùng hướng về thế hệ tương lai của đất nước là những giá trị căn bản, cốt lõi, giúp “Tiếp sức mùa thi” trở thành một hoạt động thể hiện sức mạnh cộng đồng rộng khắp, uy tín về công tác tình nguyện.
Linh Phan/Nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/tiep-suc-mua-thi-25-nam-se-chia-va-cong-hien-649260/