Học phí trường tư, bao giờ hết khiếu kiện?

Thứ 2, 14.06.2021 | 08:27:49
860 lượt xem

Sau chuyện tăng học phí, khiếu kiện qua lại giữa phụ huynh với nhà trường là việc học sinh không được tiếp tục theo học, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý

Trường Tiểu học - THCS - THPT quốc tế Á Châu (TP HCM) vừa thông báo không tiếp nhận một số học sinh (HS) sau khi có khiếu nại về học phí của phụ huynh. Trước đây, Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc cũng buộc thôi học một số HS do phụ huynh bất đồng về học phí, khiếu kiện kéo dài.

Tìm phương án để tránh tổn thương học sinh

Anh N.H.Q là một trong số những phụ huynh có con bị Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Úc từ chối tiếp nhận ở năm học trước. Anh cho biết sau khi chuyển ra trường công, giai đoạn đầu, con anh rất buồn, một phần vì học ở trường mới không có bạn và một phần do tâm lý mặc cảm vì mang tiếng bị nhà trường cho thôi học.

"Gia đình không dám nói với con về quyết định lạnh lùng của nhà trường, chỉ nói là con đi học ở trường khác sẽ thuận tiện hơn. Thế nhưng, sau này nghe các bạn nói lại, con tôi cũng biết được điều đó" - anh Q. kể.

Theo một chuyên gia giáo dục, nói một cách sòng phẳng, chuyện nhà trường không tiếp nhận HS sau khi có khiếu kiện là không sai, vì trường có cái khó của trường. Việc cho con theo học tại một ngôi trường tư giống như phụ huynh cam kết trong một hợp đồng có các điều khoản rõ ràng. Nếu bên này không đáp ứng, bên kia có quyền ngừng cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu và ngược lại. Phụ huynh khiếu nại chẳng qua là mong nhà trường "tình cảm một chút" trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều gia đình khó kham nổi tài chính.

Tuy nhiên, dù cuộc khiếu kiện ai thắng ai thua thì người tổn thương nhất vẫn là những đứa trẻ. Nếu ngay từ đầu, cả phía nhà trường lẫn phụ huynh cùng nghĩ đến đứa trẻ thì cách cư xử với nhau đã khác. Mỗi bên có thể nhường nhau một chút hoặc tìm phương án nào tốt nhất cho trẻ, thay vì bên thắng hả hê còn bên thua lại bẽ bàng.

"Thật ra, ngay tại TP HCM còn nhiều trường tăng học phí "khủng" hơn nhưng vì sao lại không có khiếu kiện gì? Không phải vì phụ huynh giàu. Tôi từng tư vấn cho nhiều trường rằng tại Singapore, các trường xây dựng hẳn một bộ quy tắc ứng xử với phụ huynh, làm sao để ứng xử với phụ huynh trong các tình huống. Họ cũng công khai, minh bạch các khoản học phí để phụ huynh nhìn vào là cảm thấy mình đầu tư như vậy là xứng đáng" - vị này cho hay.


Học phí trường tư, bao giờ hết khiếu kiện? - Ảnh 1.

Phụ huynh tập trung phản đối chính sách tăng học phí ở một trường quốc tế tại TP HCMẢnh: Nguyễn Thuận

Cần sự đồng cảm giữa các bên

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, trường tư khác trường công. Trường tư "sống" vì lợi nhuận chứ không phải dịch vụ công ích. Bản chất của trường tư là phục vụ những người có khả năng chi trả và ai không thắng nổi trong cuộc cạnh tranh ấy thì phải rời trường. Những người khiếu nại việc tăng học phí là vô lý. Có thể họ chỉ mang hy vọng cuối cùng là níu kéo cơ hội học tập cho con, việc đó không xấu. Nhưng khả năng phụ huynh đạt được nguyện vọng như mong muốn là rất thấp. Còn các trường, nếu từ chối tiếp nhận một số HS mà không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh thì họ sẽ vẫn cứ làm, vấn đề là hướng đi nào cho những HS bị cho thôi học...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, sở yêu cầu các trường tư cân nhắc tình hình và cố gắng giữ nguyên mức học phí, các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021. Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng đây là lúc cần thiết có sự đồng hành, chia sẻ của các đơn vị giáo dục ngoài công lập đối với những phụ huynh HS gặp khó khăn trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra chưa có tiền lệ thời gian qua; không để phát sinh, tranh chấp, khiếu nại làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, sở có quyết định như trên là căn cứ các ý kiến chỉ đạo của UBND TP về ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có việc điều hành giá trong lĩnh vực GD-ĐT. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và thu nhập của phần lớn người dân trên địa bàn, việc này nhằm ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, HS. 

TP HCM: 22 trường có yếu tố nước ngoài

Trước tình trạng nhập nhằng về danh xưng trường quốc tế, Sở GD-ĐT TP HCM đã công bố danh sách cụ thể các trường để phụ huynh tra cứu. TP HCM hiện có khoảng 22 trường có yếu tố nước ngoài, trong đó có 13 trường quốc tế và một số trường tư thục thí điểm dạy chương trình nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, hiện nay, một số phụ huynh hiểu nhầm trường tư thục là trường có yếu tố nước ngoài. Ông Hiếu cho biết trường quốc tế được cấp phép là trường do các tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài cho con em là người nước ngoài và một số HS người Việt Nam. Trước đây, tỉ lệ HS người Việt học trường quốc tế được quy định: bậc THCS - THPT là 20%, bậc tiểu học là 10%.


Đặng Trinh/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-phi-truong-tu-bao-gio-het-khieu-kien-20210613220414575.htm


  • Từ khóa