Cận kề các kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp THPT lại xuất hiện trường hợp học sinh phải nhập viện vì học quá tải, thậm chí không ít em bị trầm cảm hay có ý nghĩ tiêu cực bởi những kỳ vọng vây quanh.
Ảnh minh họa.
"Có mẹ là giáo viên chắc là học giỏi rồi!"
Trước những kỳ thi lớn, học sinh gặp rất nhiều áp lực khiến nhiều em cảm thấy mệt mỏi, càng kỳ vọng bao nhiêu thì càng áp lực bấy nhiêu.
Nhà có ba anh chị em, anh cả và chị thứ hai đều đã đỗ đại học với những điểm số rất cao và đỗ vào những ngôi trường danh tiếng là Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Có lẽ vì vậy, mà Minh Trang luôn cảm thấy áp lực đè nặng, việc năm nay Trang phải thi đậu vào một trường đại học tốt ở Hà Nội được bố mẹ em xem là nhiệm vụ đương nhiên: "Mẹ em thường hay bảo là học sao thì học phải cố gắng được như anh với chị. Năm nay nếu em mà không thi được điểm cao thì chắc chắn mẹ sẽ rất thất vọng lắm".
Cùng tâm trạng với Trang, Trung Anh cũng đang cảm thấy căng thẳng và áp lực khi ngày thi đại học đã đang cận kề. Trung cho hay: "Nhà em bố mẹ đều là cán bộ công chức, mà mẹ em lại là giáo viên nữa, em phải cố gắng để đỗ vào một trường đại học danh tiếng thì bố mẹ mới nở mày nở mặt".
Mỗi lần họ hàng đến chơi, em hay trốn lên phòng vì sợ lại bị hỏi những câu như: "Học hành thế nào? Năm nay định thi trường gì đấy? Có mẹ là giáo viên chắc là học giỏi rồi, thi trường nào top cao ấy nhé! Nhà có mỗi cậu quý tử phải học trường nào để bố mẹ mát mặt nhé!…
Những câu nói tưởng chừng như không có gì to tát ấy lại vô tình khiến em càng thêm áp lực. Không muốn bố mẹ phải thất vọng và mất mặt em đã phải học điên cuồng, lúc nào trong đầu cũng nghĩ rằng mình phải đỗ trường cao, học mấy trường làng nhàng bố mẹ chắc xấu hổ lắm".
"Anh Kiên con bác Hùng năm ngoái đỗ Học viện Ngoại giao đấy? Lại còn được học bổng gì nữa cơ? Giỏi nhỉ?". Hải Nam luôn cảm thấy ám ảnh và "ngột ngạt" khi nghĩ đến những lời nói ấy. Năm nay, cũng đến lượt Nam phải thi đại học, em cho biết: "Cũng nghe nhiều anh chị nói về áp lực thi cử cuối cấp rồi nhưng giờ em mới thấm thía. Cái cảm giác được đặt kỳ vọng nhiều vừa lo lại vừa sợ. Sợ mình sẽ không đạt được, sợ mọi người thất vọng, dè bỉu…
Nhiều hôm học hành chán nản, em cũng đã nghĩ về viễn cảnh nếu mình thi rớt thì không biết khi đó sẽ thế nào "Bố mẹ sẽ nghĩ gì? Họ hàng, làng xóm sẽ nói ra sao?… Nghĩ đến đấy thôi em đã cảm thấy rùng mình, sợ hãi không dám nghĩ tiếp nữa rồi".
"Hồi thi lớp 10, em đỗ với điểm số suýt soát xém xíu nữa là trượt. Khi ấy nghĩ rằng mình vượt qua kỳ thi lớn nhất rồi. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ ngây thơ vì giờ em biết càng lớn sẽ còn nhiều thử thách và mức độ kỳ vọng cũng theo đó mà tăng lên", Nam chia sẻ thêm.
Mùa thi đang đến, không chỉ các em học sinh, thời gian này sự căng thẳng, lo lắng cũng là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh.
Chị Nguyễn Thanh Nhàn, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu như ngày nào chị cũng cố gắng chuẩn bị những món ăn giàu chất dinh dưỡng, với mong muốn cô con gái năm nay thi đại học có đủ sức khỏe cho đợt 'vượt vũ môn' sắp tới.
"Những năm trước, chị vẫn hay để cháu làm việc nhà giúp gia đình. Nhưng năm nay con thi đại học nên chị hầu như không bắt con làm việc gì cả. Chị hay nói đùa với con rằng "Đấy, mẹ làm hết cho con rồi đấy nhé, cố gắng mà học với thi cho tốt vào, không đỗ thì đừng nhìn mặt mẹ nhé!".
Trước "áp lực" và kỳ vọng lớn từ phía cha mẹ, nhiều học sinh phải "căng mình" với guồng quay học hành, thi cử, từ học ở trường, học ở nhà đến học thêm tại các trung tâm. Điều này dẫn đến tình trạng stress của trẻ ngày càng tăng cao ở các mức độ khác nhau.
Mất niềm tin vào bản thân
Không những vậy, học sinh còn phải chịu áp lực rất lớn sau khi kết thúc kỳ thi. Một số em bị áp lực vì kết quả thi không như ý muốn. Điểm số thấp hơn mong đợi khiến họ cảm thấy buồn bã, chán nản, thất vọng và mất niềm tin vào bản thân.
Và những học sinh giỏi, có nhiều thành tích cao trước đó thì "cú sốc" này càng nặng nề đối với các em. Nhiều em không chấp nhận được kết quả, không đủ bình tĩnh đối mặt với "cú sốc" nên đã chọn cách dày vò bản thân, thậm chí là tự tử.
N.H.H - học sinh Chuyên Hóa của một trường THPT ở Quảng Ninh đã chia sẻ về "cú sốc" mà em đã trải qua vào mùa hè năm ấy khi em thi đại học. "Chắc chẳng ai nghĩ một học sinh chuyên Hóa mà thi đại học lại chỉ được 5,75 môn Hóa đâu nhỉ? Nhưng không, em chính là người đó. Không phải quá cao siêu nhưng em vẫn luôn tự tin nhất với môn Hóa. Nhưng vì chút cẩu thả làm bài không cẩn thận để rồi nhận một điểm số sốc toàn tập như vậy.
Em luôn kỳ vọng môn Hóa sẽ giúp em cải thiện điểm bù cả cho những môn khác bởi trong các kỳ thi thử em luôn được từ 8-9 điểm và đã tự tin đăng ký các khối có xét đến môn Hóa.
Không đạt được như kỳ vọng của chính bản thân, khi ấy em đã tự dày xéo bản thân tới mức chỉ muốn chết đi cho xong".
Vân Anh, một thí sinh đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước tâm sự: "Khi biết điểm thi em bố mẹ em giận lắm. Họ nói rằng cho ăn học mà điểm số thế này. Em và bố mẹ đã không nói chuyện với nhiều trong một khoảng thời gian. Em suốt ngày chỉ ở trong phòng gặm nhấm nỗi buồn, không dám ra ngoài vì sợ gặp hàng xóm, họ hàng. Khoảng thời gian ấy thực sự rất kinh khủng, em bị mất phương hướng không biết phải làm gì cả".
"Nhưng việc bố mẹ, mọi người có nói thế nào cũng không thể bằng nỗi thất vọng của em về chính bản thân mình. Trong thâm tâm em đã luôn tự đặt ra cho mình mục tiêu và khi không đạt được thì áp lực lại càng áp lực thêm", Vân Anh bộc bạch.
"Chúng ta phải nhớ rằng cả một năm vừa qua các em đã rất vất vả, ngoài ra còn phải chịu những sức ép về thời tiết, về các sự cố kết nối trong quá trình học online, cùng với nỗi lo điểm số ở kỳ thi sắp tới. Chính vì vậy, bản thân các em cũng bị một áp lực tự có rồi.
Nếu các bậc cha mẹ và mọi người xung quanh không hiểu được, không nắm được mà lại tạo thêm những áp lực cho con từ lời nói đến hành động thì chắc chắn các em sẽ gặp những sang chấn về mặt tâm lý", giáo viên Hương Giang nhắn nhủ.
Phương Thảo/dantri.com.vn