"Học thật, thi thật, nhân tài thật" là mong mỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến ngành giáo dục. Sự quan tâm và kỳ vọng về những đổi thay tích cực trong tương lai.
Nhân tài được sản sinh từ quá trình học thật - thi thật sẽ là viên gạch nền móng vững chắc cho quá trình dựng xây đất nước. Nhưng chẳng may giáo dục vô tình để "lọt" những viên gạch rỗng, mục thì khác nào đã sản sinh "sâu mọt" gặm nhấm và cản trở sự phát triển của quốc gia, dân tộc!
Chuyện nâng điểm học sinh không mới, căn bệnh thành tích trong giáo dục cũng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Và trong chính những ngày dịch giã bủa vây nơi nơi khiến lòng người xao xác, câu chuyện 40 giáo viên ở Thanh Hóa bị "tố" sửa điểm và nâng điểm học sinh gieo thêm những nốt lặng buồn.
Theo đó, một giáo viên Trường THCS Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) phản ánh năm học 2020-2021 tại trường có hiện tượng giáo viên chỉnh sửa các điểm kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ cho học sinh. Theo báo cáo giải trình ngày 28/5/2021 của nhà trường kết luận có 14 giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra thường xuyên, 26 giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ.
Dư luận hoàn toàn đồng tình với Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: "Giáo viên được quyền sửa nhưng phải trung thực với điểm kiểm tra, điểm thi của học sinh và phải thực hiện công khai, minh bạch". Vậy nên, mong lắm thay việc 40 giáo viên sửa điểm của học sinh được làm sáng tỏ: do nhầm lẫn, lỗi phần mềm hay do động cơ thiếu trong sáng.
Bởi điểm giả, thành tích ảo đã từng khiến dư luận phẫn nộ, đả kích vẫn luôn là cơn ác mộng trong giáo dục!
Thương trò thì ai cũng thương. Nhưng thương trò mà cho điểm khống, nhận xét không trung thực chẳng khác nào hại trò! Ngành giáo dục đã tổ chức nhiều "trận đánh" hòng quét sạch căn bệnh thành tích nhưng sự nghi ngại vẫn còn hiện hữu…
Vì những bản chỉ tiêu chất lượng dội xuống buộc giáo viên phải đăng ký với điều kiện không được thấp hơn chỉ tiêu của cấp trên. Mỗi người thầy phải xoay xở, quay cuồng trong dạy học, kiểm tra, đánh giá thế nào để đạt chỉ tiêu chất lượng hai mặt, tỉ lệ lên lớp, danh hiệu khá giỏi…
Và nhiều người quyết định "thả trôi" theo dòng nước của thành tích… Kết quả là những con số báo cáo thành tích luôn tròn trịa, điểm 10 ở tiểu học bị "bội thực" và tấm giấy khen bị "bình thường hóa".
Xin đừng nhân danh tình thương trong đánh giá, xếp loại học sinh!
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu giáo viên cương quyết chống tiêu cực trong thi cử và lên tiếng phản ánh những bất cập về điểm số, thành tích thì liệu có yên thân?
Tiếng nói của giáo viên sẽ được lắng nghe và ghi nhận, phản hồi như thế nào? Các tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân trong trường học đã thật sự đại diện cho quyền lợi của giáo viên trong con đường chông gai phản ánh, đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái tiêu cực chưa?
Chúng tôi mong lắm thay những nhà giáo can đảm "bơi ngược dòng" thành tích được trân trọng và được trao cơ hội cất lên tiếng nói trung thực, trách nhiệm… Muốn vậy, xin đừng để nỗ lực từ phía người thầy sẽ chỉ như "muối bỏ biển". Học thật - thi thật - nhân tài thật sẽ chỉ hiện hữu nếu cả một hệ thống cùng chuyển động hướng về những giá trị THẬT!
Nguyễn Thanh/dantri.com.vn