Theo GS Trương Nguyện Thành, nên xét đặc cách tốt nghiệp cho hơn 26.000 thí sinh. Việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 là phương án mà cái giá phải trả ít hơn trong hoàn cảnh hiện tại.
Ngày 19/7, Bộ GD-ĐT đã chốt thời gian tổ chức đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT vào các ngày 6 và 7/8 cho hơn 26.000 TS ở 42 tỉnh, thành phố chưa dự thi đợt 1, có nguyện vọng tham dự đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đây là các TS thuộc diện F0, F1, F2 và các TS ở địa bàn cách ly, phong tỏa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
TPHCM đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho hơn 3.200 thí sinh thi đợt 2
Ngày 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có tờ trình kiến nghị UBND TPHCM đề xuất Bộ GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 cho các thí sinh đủ điều kiện thi đợt 2.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện TPHCM có 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến dịch phức tạp, TPHCM đã chủ động triển khai Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7. Sau đó, Thủ tướng đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 19/7 trong thời gian 14 ngày cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đến thời điểm thi đợt 2 (dự kiến vào ngày 6/8 và 7/8) có thể còn diễn biến phức tạp, thời gian kết thúc Chỉ thị 16 cận kề ngày thi. Do vậy, việc tổ chức thi đợt 2 bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và tạo sự an tâm cho phụ huynh, thí sinh khó có thể thực hiện.
Để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2, Sở GD-ĐT TPHCM trình UBND TPHCM đề xuất Bộ GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2.
Ngày 21/7, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GDĐT tại cuộc họp của Ban chỉ đạo (BCĐ) nhấn mạnh: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, số ca nhiễm ghi nhận trong ngày lên tới hàng nghìn trường hợp. Do đó, toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ, không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, nhưng cũng phải bình tĩnh, cố gắng không gây hoang mang cho học sinh, giáo viên.
Để chuẩn bị tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thứ trưởng lưu ý, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, có đầu mối cụ thể cho từng khâu và lường tính mọi tình huống có thể xảy đến; tuyệt đối không được chủ quan trong bất kỳ khâu nào của Kỳ thi, nhất là việc phòng, chống dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng, yếu tố an toàn cho thí sinh, cho cán bộ làm thi, cho các điểm thi phải được đặt lên hàng đầu, song cũng không được coi nhẹ yếu tố nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi; trong đó phải lưu ý tới sự công bằng giữa 2 đợt thi và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho mọi thí sinh.
Bày tỏ lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 này, GS Trương Nguyện Thành cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, chúng ta đã đạt được con số gần 98% thí sinh, chỉ còn lại khoảng 2% chưa thi vì các thí sinh này nằm trong các khu dịch bệnh phức tạp ở thời điểm đó cho nên các em không thể thi được.
Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT trong quá khứ, chúng ta đã có lượng đỗ tốt nghiệp lên đến 98%, nghĩa là gần như 100 % các em sẽ đỗ tốt nghiệp THPT.
GS Trương Nguyện Thành.
Như vậy, mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tôi là để xin vào đại học, chứ không phải để có cái bằng THPT (vì hầu như ai cũng có thể có cái bằng này).
Đó là "tấm vé thông hành" để các em nộp đơn vào các trường đại học, nhất là một số đại học có tiếng; ví dụ như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên. Nhóm trường top thường sẽ có điểm chuẩn đầu vào cao hơn trung bình và điểm chuẩn của một số ngành cao hơn nhiều so với điểm sàn chung. Khi có điểm thi THPT cao, các em sẽ dễ dàng nộp vào các trường đại học đó.
Hiện tại, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp nếu tiếp tục tổ chức thi đợt 2 sẽ dấy lên rất nhiều nguy cơ lan tỏa dịch bệnh. Nghĩa là hại nhiều hơn lợi.
Các trường đại học tự chủ xét tuyển dựa vào học bạ và một số điều kiện khác
Phóng viên: Tình hình dịch phức tạp như hiện nay, nếu một số địa phương không tổ chức được kỳ thi đợt 2 này thì liệu phải có giải pháp gì cho các em đảm bảo thực hiện mục tiêu vào đại học?
GS Trương Nguyện Thành: Tôi cho rằng theo quá khứ với số lượng 98% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT thì coi như là 100% các em đều đỗ. Chúng ta sẽ cấp giấy chứng nhận đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông cho tất cả các thí sinh chưa thi đợt 2 do dịch bệnh.
Bởi lẽ, mục tiêu chính của kỳ thi là để có bằng cho em xin vào đại học, nhưng nếu không có điểm tốt nghiệp THPT thì làm sao? Chúng ta có thể cho các em được phép nộp học bạ vào trong các trường đại học và các trường đại học xét tuyển theo học bạ. Đương nhiên mỗi trường đại học sẽ có những chỉ tiêu xét tuyển khác nhau. Chẳng hạn, Đại học Bách Khoa nói rằng họ chỉ có 20% chỉ tiêu xét tuyển học bạ, phải làm sao tôi đảm bảo rằng đánh giá học bạ của học sinh này có đủ chất lượng đúng yêu cầu?
Theo tôi, với băn khoăn đó, trường đại học có quyền tự chủ xét tuyển học bạ cho những em học sinh không có bằng tốt nghiệp THPT lần này do dịch bệnh. Trường có thể dựa vào học bạ và dựa vào một số điều kiện khác nữa. Mà một số điều kiện đó có thể do từng trường đại học quy định. Chẳng hạn, các trường top với đầu vào khó như Bách Khoa hay Đại học Y vẫn còn nghi ngờ học bạ của các em thì có thể tổ chức đánh giá riêng nếu cần thiết.
Theo GS Trương Nguyện Thành, tấm bằng tốt nghiệp THPT là "tấm vé thông hành" để các em nộp đơn vào các trường đại học (Ảnh minh họa).
Và đâu phải tất cả các trường đại học đều đòi hỏi yêu cầu cao như vậy. Chỉ một số trường đại học có chuẩn đầu vào khắt khe thôi. Và đâu phải tất cả các học sinh chưa thi THPT đợt 2 đều có nguyện vọng tất cả vào học Y hay Bách Khoa đâu?!
Cho nên nếu các em học Cao đẳng thì chỉ cần xét học bạ là đủ rồi. Hoặc những trường tư yêu cầu đầu vào thấp hơn thì sẽ chỉ xét điểm sàn. Và khi đã có cơ chế xét học bạ, các thí sinh chỉ cần có giấy chứng nhận của Bộ GD-ĐT rằng em không thi tốt nghiệp THPT vì lý do dịch bệnh Covid-19 thì trường sẽ hoàn toàn xét duyệt thí sinh đó ở phần học bạ.
Đây là xét đặc cách. Còn đối với những trường có đầu vào rất cao, trường có quyền đánh giá năng lực đầu vào của các em ở một hoàn cảnh nào đó riêng vậy là xong.
Không có sự lựa chọn hoàn hảo và sự công bằng tuyệt đối
- Giáo sư có nghĩ việc xét đặc cách cho 26.000 thí sinh đợt 2 như thế sẽ không công bằng với tất cả những thí sinh đã thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và cũng không công bằng trong đánh giá đầu vào đối với các thí sinh xét tuyển đại học?
Cuộc đời không có cái gì là công bằng tuyệt đối. Vào đại học, quan trọng là học sinh đó có học được hay không. Nếu như em không đủ giỏi thì cũng không tốt nghiệp ra trường được. Ở hoàn cảnh hiện tại, chúng ta phải chấp nhận điều kiện và theo tôi, việc không tổ chức kỳ thi đợt 2 là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại.
Việc đưa thầy cô giáo và các thí sinh tập trung ở địa điểm thi sẽ dẫn đến nguy cơ lan tỏa dịch bệnh cực kỳ cao. Tôi cho rằng thí sinh có nguyện vọng vào các trường top cao % là thấp. Chúng ta chỉ cần để các trường đại học đó có quyền đánh giá năng lực của các em theo cách riêng.
Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT có thể phải trả giá không nhỏ (Ảnh minh họa).
Tóm lại, chúng ta đang xét đến một mục tiêu trọng tâm. Mục tiêu của thi tốt nghiệp THPT vẫn là để xét đại học chứ không phải là để có bằng tốt nghiệp THPT.
Trong tình hình dịch bệnh hiện tại nếu chúng ta xét nghiệm thí sinh tại chỗ ngay mà không có biểu hiện gì và các em vẫn vào thi thì rất nguy hại. Các em có thể bị nhiễm rồi nhưng chưa có biểu hiện vì cần một thời gian để nhiễm, để có biểu hiện và điều này các nhà chuyên môn đã biết.
Riêng TPHCM hiện tại vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 và chưa chắc đến hết tháng này đã kết thúc được. Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 ở TPHCM tôi cho rằng không khả thi.
Và đặc biệt, cái giá phải trả cho sự lựa chọn đó có thể rất đắt và không đáng. Chúng ta đang phải lựa chọn hai cái xấu và hai điều chúng ta không muốn. Thì chúng ta phải chọn phương án nào mà cái giá phải trả ít hơn. Trong cuộc đời không có cái gì mà không có cái giá phải trả cả. Thực sự không có một sự lựa chọn hoàn hảo đâu.
Học đại học chúng ta nên tính nó là chuyện đầu ra chứ không phải chuyện đầu vào. Tại sao chúng ta lại đặt quá nặng vào chuyện đầu vào? Trong khi đó chất lượng nằm ở đâu ra?
Tôi xin nhắc lại, hoàn cảnh này không có một lựa chọn nào hoàn hảo. Và chúng ta chỉ có thể lựa chọn một lựa chọn mà cái giá phải trả ít hơn. Chúng ta đừng mong mỏi rằng không phải trả một cái giá nào cả. Điều đó không có.
Chúng ta không cần mong muốn sự công bằng ở đây vì virus Covid-19 cũng chẳng công bằng cho ai đâu. Nó gặp ai là lây truyền cho người đó chứ không có công bằng ở đây. Không có chuyện đó.
Xin trân trọng cảm ơn GS đã chia sẻ!
Lệ Thu/dantri.com.vn