Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh còn chủ động đổi mới công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần tạo môi trường học tập để trẻ phát triển toàn diện.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2020 – 2021, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm an toàn cho trẻ đã được thực hiện tốt; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được củng cố vững chắc, duy trì hiệu quả. Cụ thể, chất lượng nuôi ăn bán trú được nâng cao, số trẻ được ăn bán trú đạt 98,61%, tăng 0,71% so với năm học trước; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, trong đó, tỷ lệ trẻ mẫu giáo bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 2,31%, giảm 0,19% so với năm học trước; ngoài ra, trẻ học 2 buổi/ngày tăng so với năm học trước. Kết thúc năm học có 97,27% trẻ được đánh giá đạt về chất lượng giáo dục.
Một tiết học của trẻ tại Trường Mầm non Tuổi Thơ, thành phố Lạng Sơn
Bà Nguyễn Thị An, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 231 trường mầm non với hơn 56.700 trẻ. Có được kết quả trên đây là do trong năm học vừa qua, các trường đều chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào việc tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”. Ngoài ra, các trường còn thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, rèn nề nếp, thói quen vệ sinh, ăn, ngủ cho trẻ; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đồng thời tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng vào các hoạt động…
Tại huyện Văn Quan, năm học 2020 – 2021, toàn huyện có 20 trường mầm non với hơn 4.000 trẻ theo học. Để duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, trong năm học vừa qua, 100% trường mầm non ở huyện đều quan tâm xây dựng môi trường giáo dục sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn với nhiều giải pháp như: phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ; duy trì, tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú; xây dựng thực đơn cân đối, đa dạng, hợp lý theo mùa, tận dụng nguồn thực phẩm của địa phương. Nhờ đó, khi kết thúc năm học, đánh giá về chất lượng giáo dục, toàn huyện có 97,9% trẻ mầm non và 100% trẻ 5 tuổi đạt về chất lượng giáo dục; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 3,1%, giảm 0,1% so với cùng kỳ.
Còn tại Trường Mầm non xã Chí Minh, huyện Tràng Định, mặc dù là một trường nằm ở vùng xa, còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, nhà trường đã có nhiều giải pháp thực hiện công tác giáo dục, chăm sóc trẻ, qua đó đạt được nhiều kết quả tốt. Cô Hoàng Thị Mến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2020 – 2021, nhà trường có 79 trẻ mầm non. Trong quá trình giáo dục, nhà trường đã kết hợp các hoạt động thể chất, cho trẻ tham gia các trò chơi vận động; khảo sát xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với trẻ. Trường còn phối hợp với trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm học nhằm kịp thời phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng, từ đó hướng dẫn phụ huynh các biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp. Với những cách làm đó, khi kết thúc năm học, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi của trường giảm còn 3,7%, trong khi đó đầu năm học là 11,3%.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm: để nâng cao được chất lượng giáo dục mầm non, trong năm học vừa qua, các cơ ở giáo dục mầm non đã tạo điều kiện cho giáo viên mầm non bồi dưỡng trình độ chuyên môn; khuyến khích giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm trong làm đồ dùng, đồ chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời, giáo dục trẻ vận động bằng phương pháp mới. Cùng với đó, các trường xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với từng độ tuổi như: tạo cảnh quan môi trường giáo dục xanh – sạch – đẹp, đảm bảo an toàn, thân thiện giúp trẻ có cơ hội được trải nghiệm, khám phá; quan tâm giáo dục nhóm, cá nhân trẻ; thường xuyên phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo sự đồng thuận trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Tiếp tục phát huy kết quả và những cách làm đó, năm học tới, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, duy trì các hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ để chất lượng giáo dục mầm non năm học sau luôn cao hơn năm học trước, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức…
HOÀNG TÙNG/baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/436683-nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non.html