Kết thúc kỳ nghỉ Tết, thấy con lúi húi phân loại và xếp tập tiền mừng tuổi vào một chiếc hộp, tôi hỏi: “Con đã có kế hoạch dùng khoản tiền đó vào việc gì chưa?”.
Như hiểu được ý tôi, cậu bé liền nói: “Con không mua đồ chơi đâu, mà sẽ tiết kiệm, cuối năm cùng nhà trường mua sách vở, quà Tết tặng các bạn ở vùng khó khăn”. Phấn khởi với kế hoạch sắp tới, cậu bé kể lại bao cảm nhận sau chuyến đi giao lưu, tổ chức hoạt động vui Tết cho các em nhỏ vùng xa do trường vừa tổ chức. Tôi mừng trước điều con nhận được là trái tim biết rung động và đồng cảm với những cảnh đời khốn khó.
Ảnh minh họa: VTC. |
Hằng ngày, con cái được bố mẹ chăm lo mọi thứ từ ăn uống, sinh hoạt đến học tập. Các em ít để ý hoặc không thấy có trách nhiệm với việc sử dụng đồng tiền. Thế nên, bên cạnh việc chú trọng học kiến thức, hãy để con học cách sử dụng đồng tiền. Việc cân nhắc giữa thứ cần và mong muốn hay trải qua những tình huống trong chi tiêu có thể hình thành khả năng lập kế hoạch chi tiêu, thúc đẩy hành vi tích cực của trẻ trong cuộc sống sau này.
Tết đến, trẻ em có được khoản không nhỏ từ tiền mừng tuổi. Việc sử dụng số tiền ấy có lẽ là một cơ hội tốt để các con thực hành bài học về cách chi tiêu. Thay vì để con tiêu xài hoang phí số tiền mừng tuổi, bố mẹ hãy cùng con trở thành nhà đầu tư thông thái. Người lớn có thể cùng con lên kế hoạch tiết kiệm cho tương lai như bỏ lợn đất hay gửi ngân hàng để dùng khi vào đại học. Việc đưa ra gợi ý san sẻ gánh nặng với cha mẹ khi dùng một phần số tiền đó mua thiết bị học tập, đóng góp vào các khóa học... cũng giúp các em xây dựng được ý thức trách nhiệm của bản thân đối với việc học của chính mình. Trách nhiệm xây dựng tổ ấm không chỉ là của mỗi cha mẹ, con cái cũng cần được ý thức mình là một phần trong đó. Các em sẽ thấy mình có vai trò, có sự kết nối, sẻ chia với các thành viên trong nhà khi những kế hoạch gia đình được kêu gọi “góp vốn”...
Đặc biệt, trẻ cũng học được những điều về sự tôn trọng con người. Tôn trọng ở đây không phải là chỉ quý, chỉ trân trọng những người giàu có, thông minh, tài giỏi mà những người còn nghèo, còn khổ, còn lạc hậu càng phải thương. Bài học về sự sẻ chia, lòng tử tế và hành động thiện nguyện cần được trẻ thực hành thường xuyên. Có như vậy, sự yêu thương mới biến thành ý thức và hành động sẵn sàng chia sẻ. Theo thời gian, cùng với sự vun bồi của bố mẹ trong nếp sinh hoạt hằng ngày, trẻ sẽ biết quản lý số tiền của mình một cách có kế hoạch, xây dựng ý thức trách nhiệm và hơn cả là biết sẻ chia.
Tết là một cơ hội để dạy trẻ về cách cho đi sau khi đã nhận được thật nhiều yêu thương từ mọi người xung quanh.
THÁI AN
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-hoc-tu-tien-mung-tuoi-717587