Việc ôn luyện song song cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng của trường đại học (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...) khiến áp lực của học sinh lớp 12 bị nhân lên gấp đôi, gấp ba lần.
Đến nay, nhiều đơn vị tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học đã công bố dự kiến lịch thi năm 2023.
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực từ ngày 10/3 đến 4/6 tại các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.
Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức thi đánh giá tư duy 3 đợt chính thức vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức thi đánh giá năng lực vào ngày 6/5.
Theo khảo sát, thời điểm này, đa số thí sinh đã bước vào ôn tập thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; có những em đã ôn tập từ nhiều tháng trước.
Thí sinh lo lắng "bị đuối" khi thi tốt nghiệp THPT vì ôn thi song song
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phương Linh (sinh năm 2005, TP Bắc Giang) chia sẻ, em dự định đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào đợt 2 (từ ngày 25-26/3) và đợt 3 (từ ngày 6-9/4).
Lý do bởi em đã tham khảo các đề án tuyển sinh năm 2023 của nhiều trường đại học, nhận thấy số chỉ tiêu lấy từ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm xuống, mức độ cạnh tranh cao hơn. Trong khi đó, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đã được nhiều trường công nhận, có trường sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức này.
Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ được thi một lần, nhưng nếu thi đánh giá năng lực, Linh sẽ có thêm 2 cơ hội nữa (Đại học Quốc gia Hà Nội cho thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần).
Dù đã xác định mục tiêu thi đánh giá năng lực ngay từ đầu năm lớp 12, nhưng mãi tới 3 tuần gần đây, Phương Linh mới có thể bước vào ôn tập.
"Lúc trước, em cũng đã làm quen với đề nhưng do chưa học xong kiến thức (đề thi trải đến hết kiến thức lớp 12) nên chưa ôn luyện được ngay. Đến nay, em đã học cơ bản xong kiến thức nên bắt đầu tăng tốc để ôn luyện", Linh nói.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).
Nữ sinh tâm sự, hiện tại, vào các buổi sáng, em đi học trên trường như bình thường. Tới buổi chiều, em học lớp phụ đạo các môn sẽ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Buổi tối, em tự ôn thi đánh giá năng lực bằng cách tải các đề mẫu trên mạng về giải đề, ôn theo cấu trúc Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố. Linh phải mất tới 3 tiếng để giải xong một đề thi.
Theo Phương Linh, việc ôn luyện, giải đề thi đánh giá năng lực khá khó với bản thân em vì kiến thức rộng. Với lĩnh vực Toán học, các câu hỏi không sắp xếp từ dễ đến khó như đề thi tốt nghiệp THPT mà trộn lẫn nhau. Bên cạnh đó, đề không có nhiều câu hỏi nhận biết và thông hiểu mà sẽ nhiều câu hỏi vận dụng vận dụng cao hơn. Môn Văn học - Ngôn ngữ cũng đòi hỏi học sinh phải có nhiều kiến thức.
Khó nhất với Linh là ôn tập phần Khoa học tự nhiên - Xã hội khi các đề thi có khá nhiều kiến thức thực tế mà trong sách vở không đề cập, em phải tự tìm hiểu, tìm kiếm trên mạng.
"Em áp lực vì không biết làm thế nào để ôn hết tất cả các môn của kỳ thi đánh giá năng lực, vì kiến thức trải đều các môn và có nhiều môn không trong khối thi của em là khối A. Có tuần, em làm đề mãi mà điểm số không tăng nên rất lo lắng.
Em cũng lo rằng mình nếu mình cứ tập trung ôn luyện thi đánh giá năng lực, đến lúc thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ bị đuối và làm bài không được tốt", Linh tâm sự.
Phương Linh dự định nếu đạt đủ số điểm bản thân đề ra trong đợt đầu thi đánh giá năng lực (dựa vào điểm chuẩn năm 2022 của kỳ thi này), em sẽ không thi tiếp đợt 2 và quay lại tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT.
Tăng thêm cơ hội đỗ đại học nhưng áp lực cũng nhân đôi
Những ngày này, dù công việc rất bận rộn nhưng anh Lê Hồng Quang (sinh năm 1993, quê Hải Phòng, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) vẫn liên tục vào các trang, hội nhóm trên Facebook để cập nhật thông tin về các kỳ thi đánh giá năng lực.
Em trai của Quang là Thế Nam (đang học lớp 12 tại một trường THPT ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào thời gian tới.
"Tôi cũng đã hướng dẫn em trai theo dõi các trang Facebook, website của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để kịp thời nắm bắt thông tin tuyển sinh. Tuy nhiên, gia đình cũng phải theo dõi cùng, tham gia vào các hội nhóm để giúp đỡ bạn ấy.
Chương trình thi cử bây giờ thay đổi nhiều so với giai đoạn trước đây, gia đình phải hiểu, kịp thời nắm bắt thông tin về các kỳ thi đánh giá năng lực mới có thể giúp bạn ấy tăng cơ hội đỗ vào các trường đại học mong muốn", anh Quang tâm sự.
Theo anh Hồng Quang, Thế Nam có kế hoạch xét tuyển ngành Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bởi vậy nên ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực do chính Trường ĐH Sư phạm tổ chức cũng là một cơ hội để Nam có thể trúng tuyển vào trường.
Với kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, anh Quang đã tìm hiểu và được biết, kết quả kỳ thi này được rất nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển, ngoài khối trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội còn có nhiều trường lớn khác. Đây là lý do Thế Nam quyết định đăng ký 2 kỳ thi này, bên cạnh việc thi tốt nghiệp THPT.
Anh Hồng Quang chia sẻ, hiện gia đình khá lo lắng khi Nam phải ôn luyện đồng thời cho cả 3 kỳ thi với hình thức thi, cấu trúc đề khác nhau.
"Vấn đề tốn kém thêm về mặt tiền bạc cho chi phí thi, chi phí đi lại trong các đợt thi… là một chuyện, nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là các kỳ thi có hình thức thi khác nhau, cấu trúc câu hỏi cũng khác nhau khiến việc ôn luyện trở nên vất vả, căng thẳng hơn gấp đôi, gấp ba lần.
Em trai tôi đã bắt đầu ôn tập 2 kỳ thi đánh giá năng lực từ giữa năm lớp 12. Hiện ngoài giờ học trên trường, bạn ấy ôn luyện thêm các đề thi đánh giá năng lực tới tận đêm, hôm nào sớm nhất cũng 12h đêm mới đi ngủ", anh Quang kể.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Nhằm giảm sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học đã tổ chức kỳ thi riêng nhằm phục vụ mục tiêu tuyển sinh. Kết quả của một số bài thi đánh giá năng lực được đa số trường sử dụng trong xét tuyển sinh viên.
Hiện nay, trong nước có các kỳ thi riêng của các trường đại học như: Đánh giá năng lực (HSA) của ĐHQGHN, Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, Đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội, Đánh giá năng lực chuyên biệt của ĐH Sư phạm TPHCM, Bài thi đánh giá do Bộ Công an tổ chức, Bài thi TestAS của ĐH Việt Đức...
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển.
Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, dự kiến có 86 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Hai Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã thống nhất quyết định công nhận chéo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Ngoài ra, các trường đại học khối ngành Sư phạm không tổ chức thi riêng cũng sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM để làm nguồn xét tuyển đầu vào.
Năm 2022, có 21 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức để xét tuyển. Năm 2023, dự kiến số trường sử dụng kết quả này sẽ tăng khi các ngành tuyển sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm: khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Nhật Lam/dantri.com.vn