Một số giáo viên cho rằng, việc học sinh tham gia thêm các kỳ thi riêng của trường đại học tổ chức đang gây quá tải, khiến các trò lơ là trước kỳ thi tốt nghiệp.
Mải ôn luyện kỳ thi tuyển sinh riêng của trường đại học, lơ là kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm ngoái, có tới hơn 20 học sinh của thầy Châu Văn Điệp - Giáo viên toán tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Ninh Bình) chọn tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD) hay thường được gọi là kỳ thi riêng của các trường đại học.
Theo thầy Điệp, áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn đã lớn đối với học sinh, nhiều em lại phải thi thêm các kỳ thi ĐGNL, ĐGTD để tăng cơ hội trúng tuyển vào một số trường đại học top đầu, áp lực "đè" lên các em tăng gấp nhiều lần.
Thầy Châu Văn Điệp cùng học sinh (Ảnh: NVCC).
Mỗi kỳ thi lại có cấu trúc đề, cách đặt câu hỏi khác nhau nên các em phải học nhiều hơn, dường như kiến thức ôn tập cho kỳ thi này không giúp ích nhiều cho kỳ thi kia.
"Năm ngoái, tôi có nhiều học sinh thành công trong các kỳ thi ĐGNL và ĐGTD nên đỗ đạt rất cao, vào các trường đại học hàng đầu nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT lại không được như kỳ vọng.
Nguyên nhân là các em phải tập trung cho các kỳ thi riêng nên không dồn được toàn lực vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi lẽ, nếu chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp, các em rất khó đỗ vì những ngành hot, trường top ngày càng dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi ĐGNL và ĐGTD thay vì dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT", thầy Điệp nói.
Theo thầy Điệp, để đáp ứng các kỳ thi riêng, các em phải học nhiều hơn gấp vài lần. Vì vậy, theo thầy Điệp, chúng ta chỉ nên tập trung vào một kỳ thi để giảm tải áp lực cho học sinh.
"Với các kỳ thi riêng của các trường đại học, nên có cấu trúc đề sao cho học sinh ôn một mà có thể áp dụng cho nhiều kỳ thi, chứ không phải mỗi kỳ một cách ôn tập, cách học khác nhau gây khó cho cả học sinh và giáo viên", thầy Điệp chia sẻ.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên hóa học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, học sinh thường lúng túng trước các kỳ thi ĐGNL, ĐGTD một phần bởi các em không chủ động kế hoạch học tập và ôn thi, hoặc không thể chủ động vì các kỳ thi có "truyền thống" thay đổi qua mỗi năm. Vì vậy, thường là đến năm lớp 12, học sinh mới căng mình ôn tập trên các "mặt trận".
Thầy Vũ Khắc Ngọc (Ảnh: NVCC).
Theo thầy Ngọc, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh ngày càng quan tâm đến kỳ thi chứng chỉ IELTS, ĐGNL và ĐGTD. Tuy vậy thầy này đánh giá, kỳ thi riêng của các trường đại học mở ra nhiều lựa chọn cho học sinh, nhưng việc có nhiều kỳ thi khiến các em bối rối trước các lựa chọn đó.
Nếu các em chọn không hợp lý sẽ phải ôn tập dàn trải cho các kỳ thi dễ dẫn đến quá tải, không đạt được kết quả tốt.
"Đó là tình trạng chung của học sinh lớp 12. Một trong những cái khó của thi ĐGNL là đề thi gồm nhiều môn thành phần, chứ không phải thi theo tổ hợp môn truyền thống. Vì vậy, có những môn mà trước đó các em không chú trọng học, không phải sở trường nhưng vẫn buộc phải ôn tập để thi", thầy Ngọc cho biết.
Theo thầy Ngọc, tuy không nhiều nhưng vẫn có tình trạng học sinh tập trung ôn cho kỳ thi ĐGNL, ĐGTD và chểnh mảng ôn thi tốt nghiệp THPT.
"Đó là khi các em thực sự yêu thích một trường đại học mà họ dành phần lớn chỉ tiêu cho điểm thi ĐGNL hoặc ĐGTD, các em buộc phải dồn sức vào học các nội dung kiến thức phục vụ cho bài thi đó", thầy Ngọc nói.
Thầy Ngọc đánh giá, ở Việt Nam, các kỳ thi riêng do trường đại học tổ chức mới diễn ra trong vài năm gần đây, có thể nói còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo thời gian, sẽ có sự sàng lọc để loại bỏ những kỳ thi mà hiệu quả tuyển sinh thấp, số lượng thí sinh tham gia không nhiều, ít đơn vị liên kết tổ chức và sử dụng kết quả để tuyển sinh. Sẽ chỉ còn lại số ít kỳ thi có chất lượng tốt làm tiêu chuẩn cho các trường tuyển sinh.
"Ở giai đoạn này, việc xuất hiện nhiều kỳ thi với các phương thức kiểm tra, đánh giá mới sẽ gây nhiều bối rối ban đầu cho cả học sinh, giáo viên và các trường đại học", thầy Ngọc nói.
Có nên đi học thêm, luyện thi cho kỳ thi riêng?
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết, có một bộ phận phụ huynh, học sinh tìm lớp ôn thi ĐGNL và ĐGTD. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, học sinh nên tập trung cho các môn phục vụ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, chỉ nên dành sức để ôn tập một trong các kỳ thi IELTS, ĐGNL hoặc ĐGTD, không nên phân tán ôn tập nhiều.
"Đối với những kỳ thi ĐGNL gồm nhiều môn thi thành phần, bao gồm cả tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì các em không nên sa đà vào học thêm. Việc đó khiến chúng ta bị phân tán sức lực và thời gian, khó đạt hiệu quả.
Khi phải thi nhiều bài thi thành phần, số câu hỏi trong mỗi bài lại ít thì các em nên tự học, chỉ cần đáp ứng tốt yêu cầu trên lớp của thầy cô rồi tự nghiên cứu tài liệu phục vụ thi ĐGNL và ĐGTD.
Có nhiều thầy cô mở trung tâm, lớp luyện thi ĐGNL và ĐGTD với nhiều lý lẽ thuyết phục, hấp dẫn học sinh. Tuy nhiên, các kỳ thi này còn đang trong giai đoạn đầu, cần thời gian để chứng minh hiệu quả và tăng sức ảnh hưởng. Hiện tại, đó chỉ là những lựa chọn thêm, các em không nên đánh cược vào nó", thầy Ngọc chia sẻ.
Thầy Phạm Trung Thông - giáo viên vật lý tại Trung Thông Education cho rằng, đối với kỳ thi ĐGNL, nội dung thi tương tự thi tốt nghiệp THPT, vì vậy, học sinh chỉ cần học theo chương trình ôn tập trên lớp là có thể làm được. Tuy nhiên, đề ĐGTD lại khó hơn hẳn, theo cấu trúc đề ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022, chỉ học sinh giỏi mới có khả năng làm.
Thầy Phạm Trung Thông (Ảnh: NVCC).
"Phạm vi kiến thức trong đề thi ĐGNL chỉ rộng chứ không khó. Một học sinh khối tự nhiên nếu có nhu cầu học thêm thì chỉ cần học thêm ngữ văn, bởi vì đề thi ngữ văn trong bài thi ĐGNL ở dạng trắc nghiệm, khác so với bài thi tốt nghiệp THPT, các môn còn lại chỉ cần học đúng theo chương trình chính khóa.
Vì vậy, đa số học sinh của tôi không cần phải học thêm để thi ĐGNL, các em cũng không quá áp lực với kỳ thi này.
Còn với bài ĐGTD, học sinh buộc phải học như ôn thi học sinh giỏi. Phạm vi kiến thức của bài ĐGTD dàn trải từ lớp 10 đến lớp 12, đề yêu cầu khả năng tư duy, tính toán rất cao", thầy Thông đánh giá.
Thầy Thông cho biết, có một số ít trung tâm biến tướng từ ôn thi tốt nghiệp THPT thành ôn thi ĐGNL. Tuy nhiên, bản chất và cách ôn tập của các kỳ thi này dường như không khác nhau. Cách đây vài năm, khi kỳ thi ĐGNL còn mới mẻ, nhiều học sinh có tâm lý hoang mang, lo lắng nhưng hiện tại, các em chỉ cần ôn thi tốt nghiệp như bình thường là đủ để thi ĐGNL.
"Tôi khuyên học sinh nên tham gia kỳ thi ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia Hà Nội, bởi vì họ ra đề với mức độ gần như sát với đề thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường chấp nhận kết quả ĐGNL của các trường này.
Học sinh cũng không nên chỉ tập trung ôn thi ĐGNL và ĐGTD mà chểnh mảng việc ôn thi tốt nghiệp THPT. Tuy chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi các tổ hợp môn truyền thống hiện nay không cao như trước nhưng các em đừng quên hình thức xét tuyển bằng điểm thi IELTS kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT cũng đang được ưa chuộng", thầy Thông nói.
Thầy Đào Quang Bình - Phó hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên) đánh giá, bài thi ĐGNL đòi hỏi học sinh phải có kiến thức cơ bản (chiếm khoảng 80%), ngoài ra, học sinh phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tế.
Điều đó đặt ra yêu cầu đối với người dạy là cần lột tả và truyền tải được bản chất kiến thức cho học sinh, đặt trong các tình huống thực tế, dạy các em vận dụng, nhìn nhận vấn đề thực tế bằng con mắt chuyên môn.
Một số hình thức kiểm tra, đánh giá mới đã xuất hiện, nhiều câu hỏi được xây dựng theo hướng tích hợp liên môn, do đó giáo viên và học sinh cần nỗ lực nhiều hơn trong quá trình dạy học.
Quang Trường/dantri.com.vn