Băn khoăn vấn đề quản lý chất lượng kỳ thi riêng của các trường đại học

Thứ 2, 06.02.2023 | 09:42:58
888 lượt xem

Những đại học danh giá top đầu thế giới như Đại học Harvard, Đại học Stanford (Mỹ), Đại học Sydney (Australia)… cũng không tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển.

Các nước phát triển hàng đầu về giáo dục xét tuyển vào đại học như thế nào?

Là người đã trải nghiệm nền giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới, từng giảng dạy tại Đại học Notre Dame (Mỹ) và Đại học Sydney (Australia), Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy, hiện công tác tại Viện nghiên cứu quốc gia Australia CSIRO (Bộ Khoa học Australia) chia sẻ, cách thức xét tuyển đại học tại 2 quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục là Mỹ và Australia tương đối giống nhau.

Theo đó, học sinh năm cuối cấp 3 nếu có điểm tổng kết thuộc nhóm rất cao sẽ được quyền nộp hồ sơ sớm để xét tuyển vào các trường đại học. Với những em có điểm không đủ cao hay không đủ tự tin sẽ trải qua thêm kỳ thi giống như thi tốt nghiệp THPT quốc gia (kỳ thi chuẩn hóa hoặc kỳ thi tú tài) ở Việt Nam. 

Ở Australia, kỳ thi này được gọi là Higher School Certificate (HSC). Học sinh phải thi tốt nghiệp khoảng 5 môn, bắt buộc có tiếng Anh.

Học sinh được chọn môn thi tốt nghiệp dựa trên nghề nghiệp tương lai cũng như sở trường và sở thích bản thân, sau đó dùng kết quả kỳ thi này kết hợp cùng điểm tổng kết học bạ để xét tuyển đại học. Nếu đạt điểm rất cao trong kỳ thi này, đạt đủ ngưỡng điểm chuẩn của trường, của ngành học, các em sẽ trúng tuyển mà không cần thêm tiêu chí nào khác.

Ở Mỹ, thí sinh trải qua các kỳ thi như SAT (Scholastic Aptitude Test) hay ACT (American College Testing) và sử dụng các chứng chỉ này để xét tuyển. Nếu có điểm thuộc top rất cao, gần như chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển.

Khi đủ tiêu chuẩn tuyển sinh, tùy thuộc vào trường đại học sẽ xem xét thí sinh có thuộc diện được nhận vào học sớm, cấp học bổng, hỗ trợ tài chính hay không. Khi đó, các học sinh sẽ bổ sung các tiêu chí như: viết bài luận, thư giới thiệu, vòng phỏng vấn, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm trong hoạt động thiện nguyện…

"Cá nhân tôi chưa thấy có một kỳ thi nào gọi là kỳ thi riêng, hay đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ở những nước phát triển như Mỹ, Australia, Nga.

Ngay cả những đại học danh giá hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học Sydney… cũng không tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực. Những tiêu chí để tuyển sinh vẫn là điểm tốt nghiệp, điểm thi SAT, bài luận…", Tiến sĩ Duy thông tin.

Băn khoăn vấn đề quản lý chất lượng kỳ thi riêng của các trường đại học - 1

Đại học Harvard, Mỹ (Ảnh: apkpure).

Với các học sinh quốc tế tham gia tuyển sinh tại các nước như Mỹ, Australia, theo Tiến sĩ Duy, yêu cầu khi ứng tuyển ngoài chứng chỉ tiếng Anh cũng chỉ là kết quả điểm tốt nghiệp THPT (một số trường đại học chỉ công nhận điểm tốt nghiệp của những trường THPT nhất định ở Việt Nam), chứng chỉ SAT, ACT, bài luận về bản thân và thư giới thiệu.

Ngoài ra, nếu theo học một chương trình đặc biệt hoặc muốn lấy học bổng, các thí sinh phải trải qua vòng phỏng vấn.

Băn khoăn vấn đề quản lý chất lượng kỳ thi riêng của các đại học

Nêu quan điểm về hiện tượng nhiều trường đại học ở Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy băn khoăn làm thế nào để kiểm soát chất lượng các kỳ thi này.

"Chất lượng kỳ thi sẽ khác nhau giữa các trường, rất khó để quản lý. Nhìn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta đang tổ chức cực kỳ chặt chẽ để tránh gian lận. Nếu bây giờ từng trường tự tổ chức, việc gian lận dễ xảy ra hơn.

Có một thuận lợi là các trường đại học ở Việt Nam đang có xu hướng "cổ phần hóa", có nghĩa nếu họ tuyển sinh viên không tốt thì họ cũng không phát triển tốt.

Do vậy, có thể vì chất lượng của trường mà họ sẽ quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong kỳ thi riêng. Tuy nhiên, hiện nay, tôi không nghĩ tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực là cách tốt để tuyển sinh", Tiến sĩ Duy chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Duy cũng nhận định, việc ngày càng nhiều trường tự tổ chức các kỳ thi riêng sẽ gây lãng phí, tốn kém, không chỉ về vật chất mà còn cả thời gian của học sinh, phụ huynh. Tâm lý của học sinh cũng có thể bị ảnh hưởng nếu cố gắng ôn luyện thêm nhiều kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển.

"Trước nay, để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy điểm xét tuyển đại học, thông thường một học sinh bắt đầu ôn thi từ khoảng giữa lớp 11, đến giữa lớp 12 là giai đoạn tăng tốc. Các em có thể phải đi học từ sáng đến tối. Thời điểm chỉ còn 3-4 tháng trước khi kỳ thi diễn ra là giai đoạn luyện đề thi rất vất vả.

Dường như học sinh nào cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn ấy. Nhưng thay vì chỉ trải qua một lần thôi, các em có thể phải trải qua nhiều lần nếu tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Phụ huynh cũng sẽ rất vất vả trong việc chăm sóc, đưa đón,… khi con miệt mài ôn luyện và thi cử liên tục", Tiến sĩ Duy nhận định. 

Băn khoăn vấn đề quản lý chất lượng kỳ thi riêng của các trường đại học - 2

Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy, từng công tác tại Đại học Sydney, hiện nay đang làm việc tại Viện nghiên cứu quốc gia Australia CSIRO, Bộ Khoa học Australia (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy nêu quan điểm, giải pháp nên làm nhất hiện nay là vẫn xét tuyển dựa vào điểm tổng kết cấp 3 và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, chúng ta cần làm tốt hơn hiện tại, đặc biệt là đề thi tốt nghiệp THPT phải có tính phân hóa tốt hơn, cụ thể hơn để vừa đánh giá được kết quả tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh đại học. Giải pháp này cũng giúp đánh giá được năng lực, phân loại thí sinh, lại tiết kiệm thời gian, tài chính cho học sinh, phụ huynh.

Với các khoa, ngành đặc biệt, tuyển sinh với số lượng rất nhỏ, yêu cầu chất lượng đầu vào cao, có thể cho thí sinh trải qua thử thách nâng cao hơn theo hình thức viết bài luận, phỏng vấn hay xét các tiêu chí phụ tùy từng trường.

"Nếu đánh giá theo các môn học toán, lý, hóa, văn,… thì đã có kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi. Nếu các trường muốn đánh giá thí sinh đó có phù hợp với chuyên ngành, với trường hay không thì có thể cho thí sinh viết 1 bài luận, phỏng vấn,… sẽ giúp đánh giá được tính cách, tư duy. Khi ấy, kỳ thi riêng không còn cần thiết nữa", Tiến sĩ Duy nhấn mạnh.


Nhật Lam

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ban-khoan-van-de-quan-ly-chat-luong-ky-thi-rieng-cua-cac-truong-dai-hoc-20230202194851306.htm

  • Từ khóa