"Kỳ thi tuyển sinh riêng chỉ nên là yếu tố phụ trong xét tuyển đại học"

Thứ 4, 08.02.2023 | 08:27:21
687 lượt xem

Theo chuyên gia, để đảm bảo đảm bảo tính xuyên suốt toàn hệ thống, kỳ thi tuyển sinh riêng chỉ nên đóng yếu tố phụ, là điều kiện đủ bên cạnh điều kiện cần là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Xu hướng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng đã được thấy trước

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường ĐH Thành Đô, việc các trường tổ chức kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là xu hướng có thể dự báo từ trước.

Tiến sĩ Hiệp phân tích, sau khi kỳ thi "3 chung" được bỏ từ năm 2015, chúng ta chuyển sang tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ cho việc xét tuyển đại học, các hình thức đổi mới đi kèm với quá trình này cũng diễn ra. Theo đó, một số trường đã kết hợp xét tuyển bằng điểm học bạ, đưa ra sáng kiến dùng các chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL, chứng chỉ SAT... để xét tuyển.

"Có những trường đã dùng điểm thi THPT, dùng kết quả học bạ THPT… để tuyển sinh, nhưng sau đó có thể họ thấy cần phải làm một kỳ thi của riêng họ mới tuyển được những người phù hợp nhất.

Ở đây, chúng ta phải nhấn mạnh sự phù hợp, không phải cứ điểm cao là vào. Trong bối cảnh hiện nay, các trường sẽ có nhu cầu tuyển người phù hợp với triết lý, cách làm giáo dục của mình.

Cho nên, tôi cho rằng không phải trường này thì sẽ có trường khác làm các kỳ thi riêng. Đó là vấn đề tất yếu với cách tiếp cận như hiện nay", Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.

Kỳ thi tuyển sinh riêng chỉ nên là yếu tố phụ trong xét tuyển đại học - 1

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021 (Ảnh: Hoài Nam).

Tiến sĩ Hiệp nhận định, việc chúng ta đang có quá nhiều hình thức tuyển sinh, quá nhiều kỳ thi sẽ làm cho câu chuyện tuyển sinh hàng năm trở nên ngày càng phức tạp, đến mức kể cả những người làm trong ngành giáo dục nhưng không trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển sinh thì chỉ "bẵng đi khoảng 1-2 năm là không hiểu gì cả".

"Điều này hoàn toàn khác biệt với hình thức thi "3 chung" ngày trước. Suốt 12 năm tổ chức thi "3 chung" (từ năm 2002-2014), chúng ta gần như không có sự thay đổi, những điều chỉnh thường là không đáng kể. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm chúng ta lại có sự thay đổi từ nhỏ đến lớn, làm cho việc ôn thi của thí sinh trở nên khó khăn hơn.

Tất nhiên, tôi đồng ý rằng cách làm nào cũng có ưu, nhược điểm và thực tế cách làm hiện nay cũng có những ưu điểm, nhưng nếu thay đổi nhiều quá sẽ khiến thí sinh, phụ huynh bị nhiễu thông tin và bối rối", Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng chia sẻ, nhiều trường thông báo rằng tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy vẫn theo chương trình THPT, tuy nhiên trên thực tế, học sinh vẫn khó tránh khỏi lo lắng. Thứ hai, dạng đề các trường đưa ra là khác nhau để phù hợp theo nhu cầu tuyển sinh của từng trường.

Điều này dẫn đến nếu không có sự kiểm soát tốt, chúng ta sẽ dễ quay trở lại tình trạng mọc lên các lò luyện thi theo trường phái của từng trường.

"Trước đây, cứ thi Bách khoa là nhiều người sẽ tìm đến những lò luyện thi xung quanh khu Bách khoa, thi Sư phạm thì đến những lò luyện thi xung quanh trường Sư phạm.

Bây giờ chưa thấy như vậy, nhưng tình trạng này có lẽ đã bắt đầu manh nha khi trên mạng xã hội Facebook, các quảng cáo luyện thi theo kỳ thi đánh giá năng lực của các trường xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù ai cũng nói về mặt lý thuyết rằng chỉ cần học theo chương trình giáo dục phổ thông là được, nhưng thực tế thí sinh vẫn lo lắng, băn khoăn và tìm đến các trung tâm luyện thi", Tiến sĩ Hiệp cho hay.

Tự chủ tuyển sinh nên là thấp nhất trong tự chủ đại học

Theo Tiến sĩ Hiệp, trong suốt lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, thời điểm này, chúng ta đang ở mức độ tự chủ cao nhất về tuyển sinh của các trường. Khung pháp lý để các trường tổ chức kỳ thi riêng đã có, nên điều cần làm là giám sát sao cho chuẩn và tiếp tục cải tiến.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, ông Hiệp ủng hộ một phương án tuyển sinh tổng thể do Bộ GD&ĐT quản lý với ít hình thức thi tuyển, xét tuyển.

Giải pháp hợp lý nhất là giữ nguyên một hình thức thi chung - kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia là điều kiện cần, là yếu tố xuyên suốt trong xét tuyển. Còn những yếu tố khác như kỳ thi riêng, xét điểm IELTS, xét học bạ,… chỉ là điều kiện đủ, yếu tố phụ, chỉ tính thêm điểm cộng thay vì là một hình thức xét tuyển riêng biệt.

"Điều này nghe qua có vẻ ngược với xu hướng tự chủ. Nhưng tôi đưa ra nhận định này dựa vào một nghiên cứu của Giáo sư Simon Marginson ở Australia. Giáo sư đã có một tổng kết rất hay về mô hình đại học ở Đông Á và Đông Nam Á.

Theo đó, rất nhiều nước áp dụng mô hình tự chủ đại học ở nhiều khía cạnh, nhưng riêng tuyển sinh là không tự chủ hoặc tự chủ ít. Kỳ thi chung trở nên rất quyết liệt, ví dụ như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Đây là mô hình dường như mang tính chất đặc sản của văn hóa khu vực", Tiến sĩ Hiệp thông tin.

Ông Hiệp dẫn chứng thêm, trong thời gian chúng ta tổ chức thi "3 chung" đã có những trường tổ chức kỳ thi riêng và làm tốt, không có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, tiêu biểu là Trường ĐH FPT. Họ có tổ chức kỳ thi riêng, nhưng cách thức xét tuyển vẫn dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT: thí sinh nào đạt điểm sàn (lấy từ điểm thi tốt nghiệp THPT) sẽ dùng điểm thi riêng này để cộng thêm và xét tuyển.

Hoặc một số trường chuyên ngành về kiến trúc, báo chí cũng tổ chức các kỳ thi năng khiếu. Thí sinh vẫn phải đạt điểm sàn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm thi năng khiếu sẽ là điểm cộng thêm cùng điểm thi tốt nghiệp.

"Nếu tách biệt như vậy sẽ rất dễ quản lý, nhưng nếu làm theo nhiều hình thức xét tuyển, nhiều kỳ thi như hiện nay sẽ bị lộn xộn, thí sinh không biết cái nào là quan trọng nhất, cái nào là điều kiện cần, cái nào là điều kiện đủ. Tôi cho rằng, trong tự chủ đại học thì có lẽ tự chủ tuyển sinh nên là thấp nhất để đảm bảo tính xuyên suốt của toàn hệ thống", Tiến sĩ Hiệp nói.

Về cách để quản lý chất lượng các kỳ thi tuyển sinh riêng, tránh khó khăn, áp lực cho thí sinh, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng điều kiện tiên quyết là việc ra đề không được nằm ngoài chương trình THPT, để các thí sinh học bài bản theo chương trình THPT vẫn có thể làm được bài.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần đưa ra được bộ tiêu chí, quy chuẩn về một bài thi đánh giá diện rộng, các trường khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần thỏa mãn các tiêu chí này. Sau khi kỳ thi diễn ra, các trường phải báo cáo kết quả và chứng minh kết quả kỳ thi đúng theo quy tắc Bộ đã đưa ra.

Ví dụ, các kỳ thi đánh giá diện rộng như SAT, IELTS đều có bộ phận kỹ thuật phân tích rất kỹ để đảm bảo tính thống nhất giữa các kỳ thi, các đợt thi.

"Thực tế, để các trường đều làm tốt việc này là không dễ dàng, bởi khoa học về kiểm tra, đánh giá ở Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức độ sơ khởi, chưa có một cộng đồng nghiên cứu về kiểm tra đánh giá đủ rộng để tư vấn được hết cho các trường.

Bởi vậy, Bộ GD&ĐT cần ra quy chế sao cho phủ hết các vấn đề, các trường đáp ứng được thì mới được thực hiện", Tiến sĩ Hiệp nêu ý kiến.


Nhật Lam/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ky-thi-tuyen-sinh-rieng-chi-nen-la-yeu-to-phu-trong-xet-tuyen-dai-hoc-20230203113635210.htm

  • Từ khóa