Mỗi ngày, hơn 100 học sinh thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên phải đi đò ngang vượt sông Gianh để đến trường. Những chuyến đò ngang này thường chở quá số người và "nói không" với áo phao.
Hiểm nguy rình rập trên đường đến trường
Tiên Xuân là thôn vùng cồn bãi giữa sông Gianh, người dân vẫn gọi khu vực này là Cồn Cưỡi, thuộc xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Toàn thôn hiện có hơn 200 hộ, con đường bộ duy nhất để về trung tâm xã của người dân nơi đây là đi vòng qua xã khác. Tuy nhiên, vì đường xa, nhiều người dân và hơn 100 học sinh phải lựa chọn vượt sông bằng đò.
Tiên Xuân là thôn vùng cồn bãi giữa sông Gianh.
Hiện nay, có 95 học sinh tiểu học và 63 học sinh THCS ở thôn Tiên Xuân đang phải đến trường trên những chuyến đò qua sông Gianh. Chiếc đò được sử dụng để chở học sinh thuộc quản lý của UBND xã Quảng Tiên, do bà Nguyễn Thị Hà, một người dân địa phương điều khiển.
Cứ đầu giờ sáng và lúc tan trường, cả trăm học sinh lại tập trung về bến đò để qua sông. Đò vừa cập bờ, hàng chục em chen lấn, tranh nhau để được lên trước, chưa ổn định chỗ ngồi, đò đã rời bến. Mỗi chuyến như vậy chỉ được phép chở tối đa 20 người, tuy nhiên hầu như chuyến nào cũng đều chở vượt quá số người với khoảng 25-30 em.
Cứ đầu giờ sáng và lúc tan trường, cả trăm học sinh lại tập trung về bến đò để qua sông.
Theo ghi nhận, trên đò cũng có gần chục chiếc áo phao và một số phao tròn, thế nhưng các học sinh đều không mặc áo phao, ngồi chen chúc, thậm chí đùa nghịch trên đò. Một số em còn ngồi luôn lên lan can đò vô cùng chông chênh. Nguy hiểm rình rập từng ngày trên chặng đường đến trường của học sinh nơi đây.
"Cháu và các bạn cùng thôn đều đi học bằng đò, đi nhiều cũng quen nên không sợ lắm. Đi có một đoạn thôi nên không ai mặc áo phao cả, các bạn không ai mặc nên cháu cũng không", em Hoàng Văn Sỹ, học sinh lớp 6, Trường THCS Quảng Tiên cho biết.
Để đưa được toàn bộ học sinh qua sông, mỗi ngày chiếc đò của xã Quảng Tiên phải qua lại hàng chục lượt. Bên cạnh đưa đón học sinh, còn phải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giáo viên mầm non dạy ở điểm trường Tiên Xuân và cán bộ xã đi công tác qua lại.
Đò vừa cập bờ, hàng chục em chen lấn, tranh nhau để được lên trước, chưa ổn định chỗ ngồi, đò đã rời bến.
Cách đây hơn 10 năm, cũng trên sông Gianh đã xảy ra một vụ chìm phà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với 42 người chết. Do vậy, những chuyến đò ngang chở quá số học sinh, không mặc áo phao tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần một sự cố, thảm họa hơn 10 năm trước có thể lặp lại.
"Đò ở đây chủ yếu là chở học sinh, chẳng mấy khi chúng nó mặc áo phao đâu, mà cũng chẳng đủ mà mặc, trên đò được có mấy cái. Nhà trường hay các đơn vị có tặng áo phao thì học sinh cũng mang về nhà cất chứ chẳng mang theo bao giờ", một người dân tại xã Quảng Tiên cho hay.
Đò nghỉ, học sinh cũng nghỉ theo
Đi đường vòng thì xa, còn đi đò lại vô cùng bất tiện và luôn rình rập hiểm nguy, đã khiến con đường đến trường của học sinh tại thôn Tiên Xuân trở nên gian nan hơn. Mỗi lần đi học, các em thường phải đi sớm để không bị lỡ đò. Bên cạnh đó, vào những ngày mưa to, gió lớn, đò ngang không thể hoạt động là các em lại nghỉ học.
Thấy phóng viên chụp ảnh, người lái đò mới lên tiếng bảo các em mặc áo phao, nhưng cũng chẳng đủ cho tất cả học sinh.
Cách đây mấy hôm, lái đò bất ngờ nghỉ, cả trăm học sinh thôn Tiên Xuân ra bến chờ mãi không được, đành nghỉ học vì không thể qua sông. Cô giáo Bùi Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Tiên cho hay, khi thấy chủ nhiệm các lớp báo lên, nhà trường mới biết là có 94/95 học sinh ở vùng Cồn Cưỡi vắng học, sau khi tìm hiểu mới biết hôm đó đò không chạy.
Theo cô Hiền, cứ mỗi khi thời tiết xấu, mưa lớn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ thì nhiều học sinh ở thôn Tiên Xuân nghỉ học vì đò không thể qua sông. Cứ mỗi lần như thế, nhà trường lại phải bố trí giáo viên dạy bù cho các em vắng học.
Cứ mỗi khi thời tiết xấu, mưa lớn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ thì học sinh ở vùng Cồn Cưỡi đều nghỉ học vì đò không thể qua sông.
"Các học sinh Tiểu học ở vùng cồn bãi vì chia cắt với xã nên đi học rất vất vả, mùa mưa thì thường xuyên vắng học. Trước đây, chúng tôi cũng nghe nói có đề xuất xây dựng cầu để người dân và học sinh qua lại thuận tiện hơn, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Cây cầu chính là niềm mơ ước của người dân và học sinh ở bên đó", cô Hiền chia sẻ.
Trường Tiểu học Quảng Tiên có 95 học sinh thường xuyên đi đò qua sông để đến lớp.
Ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cũng thừa nhận mối nguy hiểm của những chuyến đò ngang, trong đó có việc học sinh đi đò không mặc áo phao. Theo ông Ngừng, phía địa phương và nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng việc tuân thủ các quy định khi qua đò thời gian qua vẫn chưa đảm bảo.
Được biết, sau khi báo chí đến ghi nhận hình ảnh và phản ánh những nguy hiểm rình rập trên chuyến đò ngang của xã Quảng Tiên, chính quyền địa phương đã ngay lập tức cho tạm dừng chạy đò. Việc đò phải tạm dừng, trong những ngày qua, không ít học sinh tại thôn Tiên Xuân đã không đến trường.
Chính quyền địa phương đã cho tạm dừng việc chạy đò sau khi báo chí đến ghi nhận thực trạng hiểm nguy rình rập.
Theo lãnh đạo xã Quảng Tiên, hiện nay, địa phương đang vận động phụ huynh chở học sinh đi học bằng đường bộ, đến khi đảm bảo được những quy định đường thủy mới cho đò vận hành trở lại.
Tiến Thành/dantri.com.vn