Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, thí sinh chỉ cần điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với điểm thi của một kỳ thi tuyển sinh riêng đã hoàn toàn đủ để xét tuyển đại học.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đứng từ góc nhìn của thí sinh, việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng cũng là tạo thêm cơ hội cho các em.
"Thí sinh nào thực sự muốn có thêm cơ hội thì thi. Còn thực tế, các em không cần. Bởi đại đa số các trường đều vẫn tiếp tục sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ những em muốn thi vào những trường, ngành mà có tính cạnh tranh cao mới lựa chọn 1 đến 2 kỳ thi", Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, nhiều kỳ thi riêng được tổ chức, có kỳ thi mang tính đặc thù (như của các trường công an, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM), có kỳ thi mang tính sử dụng chung nhiều hơn (như của hai Đại học Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội).
Tuy nhiên, thí sinh không cần lựa chọn quá nhiều kỳ thi riêng, thay vào đó có thể chỉ cần tham gia 1 kỳ thi mà kết quả được sử dụng để xét tuyển vào trường mong muốn. "Các em thi nhiều hơn cũng chưa chắc thêm được cơ hội. Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với điểm thi của một trường, tôi nghĩ đã hoàn toàn đủ", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: N.L).
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng trong một vài năm tới, xu hướng nở rộ nhiều kỳ thi riêng sẽ không xảy ra, chỉ một phần nhỏ các trường tổ chức, bởi các trường sẽ đều tính tới hiệu quả trong việc tổ chức thi và trong công tác xét tuyển.
"Định hướng của Bộ GD&ĐT từ lâu là rất mong các trường ngồi lại với nhau để thống nhất, chỉ dừng lại ở một vài kỳ thi, có thể có những đặc thù khác nhau, tạo điều kiện cho các trường sử dụng chung kết quả, thí sinh có thể dùng để xét tuyển vào nhiều trường", ông nhấn mạnh.
Theo thống kê, tới nay, ngoài kỳ thi riêng của Bộ Công an, có 8 cơ sở giáo dục đã tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các kỳ thi riêng, gồm: Kỳ thi Đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội; Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM; Kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội;
Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM; Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM; Bài kiểm tra đánh giá năng lực TestAS của Trường ĐH Việt Đức; Kỳ thi riêng của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Nhiều trường đại học khác cũng thông báo sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy này để xét tuyển.
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển.
Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, dự kiến có 86 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Hai Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM thống nhất quyết định công nhận chéo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Ngoài ra, các trường đại học khối ngành Sư phạm không tổ chức thi riêng cũng sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM để làm nguồn xét tuyển đầu vào.
Năm 2022, có 21 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức để xét tuyển. Năm 2023, dự kiến số trường sử dụng kết quả này sẽ tăng khi các ngành tuyển sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm: khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Nhật Lam/dantri.com.vn