Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định việc quản lý giá sách giáo khoa bằng biện pháp kê khai giá chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Chính phủ vừa có báo cáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn ký gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Liên quan đến giá sách giáo khoa, báo cáo nêu rõ việc này được quản lý theo quy định tại Luật giáo dục, Luật giá, Luật xuất bản. Sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá (điều 19 Luật giá), bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá. Các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về giá sách giáo khoa trước pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không phê duyệt giá, không quyết định giá và không can thiệp vào quyền tự định giá của các đơn vị.
Trước đây, cả nước áp dụng một bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam in ấn, phát hành. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện cả nước có 7 nhà xuất bản đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về các sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Tài chính đã phối hợp tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của các đơn vị theo quy định pháp luật về giá. Đã có 32 văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là các chi phí quản lý, quảng bá sách, lợi nhuận... nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa so với lần kê khai trước, mức giảm phổ biến 5-15% tùy sách.
Báo cáo cũng cho biết thời gian qua có một số bộ sách giáo khoa mới có giá cao hơn so với bộ sách giáo khoa theo chương trình cũ trước đây. Lý do là khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn. Trong khi chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công... hiện nay cũng đều tăng cao so với trước đây. Một số chi phí như bản thảo, nhuận bút lần đầu... trước đây được ngân sách nhà nước chi trả, nay không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nữa nên đã tính vào giá. Ngoài ra còn phát sinh một số chi phí gắn với việc xã hội hóa như quảng bá, giới thiệu sách, lợi nhuận...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định việc quản lý giá sách giáo khoa bằng biện pháp kê khai giá chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Năm 2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV vào tháng 6-2022, Quốc hội đã quyết định bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá khi sửa Luật giá. Hiện dự thảo Luật giá sửa đổi đã có nội dung này, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).
Yến Anh/nld.com.vn