Những ngày qua, dư luận xôn xao trước câu chuyện một nữ sinh lớp 7 (sinh năm 2010) ở Bắc Giang tự sinh con tại nhà. Đáng nói, trong quá trình em mang thai, thầy cô, bạn bè, gia đình đều không hay biết.
Qua điều tra, công an địa phương xác định, nữ sinh lớp 7 có tình cảm yêu đương với một nam thiếu niên sinh năm 2006 và đã phát sinh quan hệ tình dục với người này.
Trước đó, tháng 10/2022, dư luận cũng xôn xao khi hay tin một nữ sinh lớp 6 (sinh năm 2011) ở Phú Thọ mang thai. Đến tháng 11/2022, nữ sinh này hạ sinh con đầu lòng khi mới 11 tuổi.
Những câu chuyện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng quan hệ tình dục ở độ tuổi quá trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy. Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019, được Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Bộ Y tế công bố tháng 4/2022 cho thấy, tỷ lệ quan hệ tình dục ở học sinh độ tuổi trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước, từ mức 1,45% (năm 2013) lên 3,51% (năm 2019).
Vì sao trẻ mang thai nhưng gia đình, nhà trường không biết?
Bày tỏ nhận định về câu chuyện nữ sinh lớp 7 mang thai nhưng gia đình, nhà trường không hề hay biết, Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng "không quá bất ngờ".
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trao đổi cùng phóng viên Dân trí (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Trên thực tế, bác sĩ Thành và các đồng nghiệp từng thăm khám cho rất nhiều trường hợp nữ sinh mang bầu khi chỉ 13-16 tuổi, thậm chí 11-12 tuổi như bé gái nói trên.
Theo anh, nữ sinh trong câu chuyện rất đáng thương và có lẽ đã vô cùng bối rối, áp lực trong suốt quá trình thai nhi nằm trong bụng. "Có thể chính bản thân bé gái cũng không biết mình mang thai từ bao giờ. Rồi đến khi cơ thể có những thay đổi dữ dội trong thai kỳ, con cũng không biết thông báo cho ai để xin sự giúp đỡ; cũng như cách thức, hình thức thông báo như thế nào", bác sĩ Thành nói.
Nam bác sĩ phân tích, ở độ tuổi vị thành niên, chu kỳ kinh nguyệt của trẻ thường không đều. Có bạn "đến tháng" được một lần, tới một năm sau mới thấy lần thứ hai. Do đó, khi thấy con chậm kinh, trễ kinh (dấu hiệu đầu tiên để nghi ngờ có thai), nhiều bố mẹ không để ý, coi đó là chuyện bình thường. Chính đứa trẻ vì thế cũng không biết mình đã có biểu hiện của việc mang thai.
Bên cạnh đó, khi trẻ vị thành niên mang bầu, thai nhi thường nhỏ dẫn đến bụng người mẹ không quá to. Nhiều bé gái cao lớn từ sớm, trùng với thời điểm đang dậy thì nên tăng 5-7kg là chuyện thường gặp, một số bé lại có tình trạng béo phì. Bởi vậy, chuyện bị nhầm sang béo bụng rất dễ xảy ra.
"Như vậy, 3 dấu hiệu cơ bản nhìn được bằng mắt thường để phát hiện có thai là tăng nhiều cân, chu kỳ kinh nguyệt không đều và thấy bụng to ra đều khó phát hiện, khó đánh giá. Chưa kể vừa qua là mùa đông, thời tiết lạnh, các con mặc nhiều quần áo ấm nên việc gia đình, nhà trường không hay biết cũng là chuyện dễ hiểu", bác sĩ Thành chia sẻ.
Anh cho rằng, không nên kết luận, lên án gia đình hay thầy cô "vô tâm, thiếu trách nhiệm" trong câu chuyện này. Có lẽ, họ chỉ có đôi chút chủ quan, bởi thông thường không ai sẵn sàng nghĩ trẻ mới lớp 6, lớp 7 đã có bầu. Đa số thường tìm cách né tránh, nghĩ đến những tình huống thông thường thay vì một câu chuyện "khủng khiếp" như trên.
"Trong câu chuyện này, đáng thương nhất là bé gái. Một đứa trẻ như vậy sẽ phải đồng hành, nuôi con từ cấp 2 với cả một chặng đường rất vất vả phía trước. Gia đình cũng rất đáng thương. Và câu chuyện gia đình không phát hiện ra con mình mang bầu thực tế không phải chỉ có một, hai trường hợp nhỏ lẻ.
Bởi vậy, thay vì lên án đứa trẻ hay gia đình em, tôi cho rằng nên nhìn nhận theo hướng làm thế nào để hỗ trợ được cho trẻ và phòng tránh những tình huống đáng tiếc tương tự", bác sĩ Thành nêu quan điểm.
Mang thai tuổi vị thành niên và những hệ lụy khó "đong đếm"
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành chia sẻ, bé gái mang thai ở độ tuổi vị thành niên là đối tượng nguy cơ rất cao, cần chăm sóc y tế chuyên sâu. Lý do bởi đây là giai đoạn trẻ đang lớn, chưa trưởng thành hoàn toàn về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Việc các con mang thai hoàn toàn có thể làm ngừng lại, chững lại quá trình dậy thì và ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ rất nhiều.
Đối với thai nhi, việc người mẹ mang thai khi quá trẻ (dưới 18 tuổi) có thể làm tăng nguy cơ thai bất thường (do buồng trứng thời điểm này hoạt động chưa trơn tru, nguy cơ trứng bất thường cao hơn), tăng nguy cơ đẻ non, tăng nguy cơ thai suy dinh dưỡng.
"Tại sao pháp luật yêu cầu kết hôn sau 18 tuổi? Bởi sau độ tuổi này, cơ thể người phụ nữ mới cơ bản trưởng thành về thể chất cũng như tinh thần để có thể mang thai, giảm nguy cơ bệnh cho cả mẹ và con", bác sĩ Thành nói.
Hơn nữa, bản thân hành trình mang thai và làm mẹ mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Vấn đề lớn nhất là áp lực tâm lý khi trẻ phải chịu những định kiến từ xã hội; làm tăng nguy cơ stress, trầm cảm. Trên thực tế, nhiều "bà mẹ tuổi teen" đã nghĩ đến việc tự tử khi biết mình mang bầu vì cảm thấy không có lối thoát. Trẻ lo sợ khi không biết cách nuôi con thế nào; không biết vừa đi học, vừa sinh nở ra sao; cơ hội xin việc, tương lai sẽ thế nào,…
Bác sĩ Thành thăm khám, tư vấn cho một bệnh nhân là trẻ vị thành niên (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Nam bác sĩ cho rằng, có nhiều cách để phụ huynh có thể khéo léo cung cấp kiến thức cho con, giúp phát hiện sớm tình huống bé không may "dính bầu". Một trong những cách anh thường hướng dẫn phụ huynh là khi chính các bà mẹ mang thai, hay trong gia đình có người thân mang thai, hãy dẫn trẻ theo cùng vào phòng khám, xem các bác sĩ siêu âm. Những buổi thăm khám này cũng giống như những buổi giáo dục giới tính.
"Bác sĩ sẽ nói cho trẻ biết mẹ con đang mang bầu thế này, thai nhi cử động ra sao. Khi mẹ ốm nghén, mẹ mệt là mẹ bắt đầu mang thai; cho trẻ sờ bụng người mẹ và nói cho con hiểu bao nhiêu tuần là thai đạp,… Đó là cách giáo dục giới tính gần gũi nhất. Chúng ta giúp các con tập quan sát một người phụ nữ mang thai sẽ biểu hiện như thế nào, không cần thiết phải giảng giải những kiến thức khó hiểu hay dọa dẫm trẻ", anh nói.
Bác sĩ Thành nhấn mạnh, phát hiện mang thai càng sớm, trẻ càng có nhiều lựa chọn thay vì chỉ có duy nhất con đường là sinh con, bế tắc vì làm mẹ ở tuổi quá trẻ.
Cấm đoán, dọa nạt không phải giải pháp đúng để bảo vệ con
Bác sĩ Thành cho hay, để phòng tránh trường hợp trẻ quan hệ tình dục quá sớm dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc, điều đầu tiên người lớn - gia đình và các thầy cô cần làm là thay đổi nhận thức của mình.
Trước đây, chúng ta thường chọn giải pháp cấm đoán, dọa nạt trẻ không được yêu sớm, không được tham gia hoạt động tình dục nhưng ngày nay, cách này không còn nhiều hiệu quả. Mạng xã hội đang phát triển "chóng mặt", nhiều phụ huynh đầu tư cho con điện thoại, máy tính rất tối ưu để học tập. Trẻ không thiếu trong tay bất cứ công cụ nào nên dễ dàng tiếp cận với những nội dung nhạy cảm và học hỏi theo.
Do có nhiều cơ hội tiếp xúc với điện thoại, máy tính, trẻ dễ tiếp cận với những nội dung nhạy cảm trên internet (Ảnh minh họa: dailymail.co.uk).
Bác sĩ Thành thông tin, nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học về giáo dục giới tính đã chỉ ra rằng, việc cấm đoán, giấu trẻ các kiến thức về y học tình dục cũng như đời sống tình dục mang đến thất bại. Minh chứng là có rất nhiều trường hợp trẻ mang bầu, sinh con dù cha mẹ cấm đoán. Do đó, gia đình, thầy cô cần cởi mở hơn trong giáo dục giới tính cho trẻ.
"Chúng ta nên đối mặt với thực tế, nên chấp nhận sự thật rằng, việc các bạn học sinh quan hệ tình dục trong lúc đi học, ở độ tuổi dưới 18 bây giờ là phổ biến, không còn ít gặp như giai đoạn trước. Cha mẹ không thể cấm đoán được nữa. Thay vào đó, đứng trước thực trạng này, chúng ta phải cởi mở hơn, cung cấp thông tin cho trẻ một cách kịp thời về đời sống tình dục và những nguy cơ của nó. Nếu chỉ giáo dục một chiều theo cách khẳng định quan hệ tình dục là xấu, trẻ sẽ khó tin hơn và càng tò mò.
Hiện nay, chúng ta đang chạy chậm hơn so với đòi hỏi thực tế. Cả xã hội cũng như gia đình, trường học đều đang bị chậm hơn, dẫn đến càng muộn trong việc xử lý những tình huống đáng tiếc xảy đến với trẻ", bác sĩ Thành nói.
Anh nhấn mạnh, nội dung giáo dục giới tính cần tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất, giáo dục để hiểu được thế nào là hoạt động tình dục. Thứ hai, giúp trẻ nhận thức về tình dục an toàn, gồm tránh thai và phòng tránh bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Thứ ba, hướng dẫn trẻ làm thế nào để nhận biết nếu có hậu quả (là mang thai hay mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục). Thứ tư, cách xử trí khi gặp những tình huống này.
Để triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ từ sớm, bác sĩ Thành cho rằng, cần có gia đình, nhà trường và y tế phối hợp với nhau. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y học tình dục châu Âu, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em gái hiện xảy ra trước 8 tuổi. Do đó, độ tuổi cần chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bé gái là từ 8-10 tuổi trở ra.
Với một số ý kiến cho rằng, việc dạy trẻ những kiến thức về tình dục từ sớm có thể làm hư con, khiến trẻ tò mò làm theo, bác sĩ Thành chia sẻ, đây là nỗi sợ thường gặp của các bậc cha mẹ, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác.
Tuy nhiên, điều này đã được trả lời bằng các nghiên cứu khoa học. Theo đó, tại châu Âu, người ta thực hiện các nghiên cứu so sánh giữa phương pháp giáo dục giới tính kinh điển trước đây (dọa nạt hay khuyên con không nên sinh hoạt tình dục) là phương pháp giáo dục giới tính cởi mở ngày nay (cung cấp thêm nhiều thông tin để các con tự ra quyết định).
Kết quả các nghiên cứu đều cho thấy, việc cung cấp giáo dục giới tính cho trẻ đúng khoa học không những không làm tăng tỷ lệ quan hệ tình dục sớm mà còn giúp độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của các con tăng lên. Quan trọng hơn, những trẻ có kiến thức biết cách để quan hệ tình dục an toàn và biết nói không khi quan hệ tình dục không phải là nhu cầu các con.
"Chỉ có thông qua giáo dục, chúng ta mới có thể cung cấp cho trẻ đủ thông tin để các con có quyết định đúng", bác sĩ Thành nói.
Nguyễn Liên/dantri.com.vn