"Con tôi không chịu làm bài tập về nhà"

Chủ nhật, 26.02.2023 | 15:13:46
742 lượt xem

Đối với nhiều bậc cha mẹ, yêu cầu con làm bài tập về nhà là một cuộc đấu tranh dai dẳng. Một số trẻ từ chối làm bài tập về nhà, một số khác lại nói rằng chúng không có bài tập.

Janet Lehman là thạc sĩ công tác xã hội của Mỹ, người đã làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn trong hơn 30 năm qua. Cô vừa có bài viết ý nghĩa, tư vấn cho các bậc cha mẹ có con cái không chịu làm bài tập về nhà.

Janet Lehman chia sẻ, hàng ngày cô thường xuyên nhận được những câu hỏi của các bậc phụ huynh về việc: "Phải làm gì khi con tôi không chịu làm bài tập về nhà?".

Theo cô Janet, một trong những lý do chính của vấn đề này là trẻ khó tập trung ở nhà. Khi con bạn rời trường học về nhà, não của chúng chuyển sang chế độ "thời gian rảnh". Trong suy nghĩ của chúng, nhà là nơi để thư giãn, ăn uống, nghe nhạc và chơi trò chơi điện tử. Nhiều trẻ em không nghĩ nhà là nơi để học.

Một phần quan trọng trong vấn đề "làm sao để con làm bài tập về nhà" nằm ở việc thiết lập một hệ thống, thói quen để con bạn thấy rằng, bài tập về nhà là một phần bình thường của cuộc sống gia đình.

Theo cô Janet Lehman, thiết lập thói quen làm bài tập về nhà vào thời điểm mọi việc đang êm đềm sẽ tốt hơn là trong lúc tranh cãi gay gắt. Nói với con bạn rằng bạn sẽ thử một điều gì đó khác biệt bắt đầu từ tuần tới với bài tập về nhà và hy vọng mọi thứ trở nên tốt hơn.

Bạn sẽ thấy rằng khi sớm xây dựng thói quen, cuộc sống của bạn và con đều trở nên dễ dàng hơn, bạn làm cha mẹ hiệu quả hơn còn con bạn sẽ hoàn thành bài vở. Khi con bạn hoàn thành bài tập, chúng sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong học tập.

Lên lịch mỗi tối cho bài tập về nhà

Khi con bạn về nhà, chúng nên có một lịch trình cụ thể những việc cần làm tại nhà. Trẻ em cần biết rằng chúng có thời gian để ăn, có thời gian để làm bài tập về nhà và cũng có thời gian rảnh rỗi. Thời gian rảnh chỉ bắt đầu sau khi làm xong bài tập về nhà.

Thời gian làm bài tập về nhà nên là một khoảng thời gian yên tĩnh trong toàn bộ ngôi nhà. Con làm bài tập thì bố mẹ không nên xem TV, nghe nhạc quá to tiếng để con trẻ có thể tập trung làm bài tập.

Ngay cả khi trong một số ngày, con bạn không có bài tập về nhà thì thời gian làm bài tập về nhà vẫn nên được duy trì. Trong thời gian đó, con bạn có thể đọc sách hoặc xem trước bài vở của ngày hôm sau. Tuân thủ thói quen duy trì "thời gian làm bài tập về nhà" là điều quan trọng với con trẻ.

Con tôi không chịu làm bài tập về nhà - 1

Nhiều phụ huynh khổ sở vì con không chịu làm bài tập (Ảnh minh họa: NUHS).

Xây dựng thói quen làm bài tập về nhà từ khi con còn nhỏ

Nếu con bạn còn nhỏ và chúng chưa có bài tập về nhà, hãy dành thời gian yên tĩnh vào mỗi buổi tối để con bạn có thể đọc hoặc làm một số việc tương tự như học tập.

Làm như vậy sẽ giúp trẻ hiểu rằng thời gian yên tĩnh buổi tối và học tập là một phần của cuộc sống gia đình mỗi ngày, giống như việc nhà. Thói quen này sẽ có ích khi con đi học và bắt đầu có bài tập về nhà để làm.

Sử dụng không gian gia đình để làm bài tập về nhà

Đối với nhiều trẻ em, bắt chúng vào phòng riêng để làm bài tập về nhà là một sai lầm. Nhiều trẻ em cần sự hiện diện của bố mẹ để tập trung và có kỷ luật. Chúng cũng cần tránh xa những thứ trong phòng riêng có thể khiến chúng bị mất tập trung.

Bố mẹ thường là người hiểu rõ con mình nhất. Nếu bạn nghĩ rằng con học không hiệu quả trong phòng riêng thì hãy yêu cầu chúng học ở phòng khách, nơi bạn có thể giám sát và vì thế, con trẻ sẽ ít bị phân tâm hơn.

Nếu con làm bài tập trong phòng của chúng, bạn có thể yêu cầu con mở cửa phòng và bạn thỉnh thoảng kiểm tra. Để con tập trung, hãy mang điện thoại và máy tính ra khỏi phòng trong thời gian con học. 

Nghỉ giải lao giữa giờ

Nhiều đứa trẻ cảm thấy mệt mỏi khi làm bài tập về nhà trong thời gian dài. Vì thế, nếu con bạn phải làm bài tập về nhà trong một giờ, hãy cho trẻ nghỉ 5-10 phút sau nửa giờ học. Tuy nhiên, đừng cho phép trẻ sử dụng thiết bị điện tử trong giờ nghỉ.

Hãy theo dõi thời gian nghỉ giải lao của con và đảm bảo rằng con bạn quay trở lại bàn học đúng giờ.

Khi con tỏ vẻ buồn chán, hãy khuyến khích con bằng những câu động viên như: "Bố/mẹ biết con cảm thấy chán, nhưng hãy nghĩ rằng, khi con hoàn thành bài vở, con sẽ có cả buổi tối rảnh rỗi" hoặc: "Hãy nhìn xem, nếu con học bài mỗi tối, con sẽ có hai ngày cuối tuần rảnh rỗi".

Dù thế nào, bố mẹ hãy luôn thể hiện sự đồng cảm với con cái. Sự thật là không có nhiều người trong chúng ta thích làm bài tập về nhà mỗi tối. Đó thuần túy là "công việc" nên làm nhưng khi bạn động viên, khuyến khích con thì hiệu quả sẽ tốt hơn là ra lệnh, bắt ép.

Trợ giúp con

Một số trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu bài tập. Chúng có thể bị choáng ngợp hoặc không biết bắt đầu từ đâu. Nếu đứa con nhỏ của bạn gặp khó khăn khi bắt đầu làm bài tập về nhà, hãy dành thời gian giúp đỡ con. Giảng bài, hướng dẫn con cách học hợp lý là những việc cần thiết.

Nếu con bạn có nhiều bài vở thì bạn nên giúp chúng ước tính thời gian thực hiện, quản lý và sắp xếp thời gian làm bài của chúng bởi con trẻ sẽ không biết cách sắp xếp, quản lý thời gian hiệu quả.  

Cho con nghỉ cuối tuần

Con bạn cũng nên được nghỉ cuối tuần, giống như người lớn. Chúng có thể được nghỉ vào tối thứ sáu, thứ bảy và làm bài tập về nhà vào tối chủ nhật.

Nếu con bạn còn tồn bài tập về nhà, hãy nói với con rằng chúng sẽ không được nghỉ cuối tuần nếu những bài tập đó không hoàn thành.

Đây là phương pháp giáo dục hiệu quả cao đối với trẻ em vì nó tạo ra động lực tuyệt vời để chúng hoàn thành công việc, bài vở. Nếu bạn có thể duy trì quy tắc này thì con bạn sẽ dần quen với việc phải sớm hoàn thành bài vở.

Ưu tiên thời gian làm bài tập về nhà

Trẻ em có thể có rất nhiều hoạt động sau giờ học nhưng bố mẹ hãy luôn nói với con rằng, bài tập về nhà là ưu tiên quan trọng nhất.

Nếu con bạn mê đá bóng, hãy nhắc con rằng con chỉ có thể ra sân khi đã làm xong bài. Con trẻ không thể có suy nghĩ rằng, chúng có thể đi đá bóng, tập võ khi mà bài tập về nhà đang bị bỏ bê.

Sử dụng phần thưởng  

Hầu hết trẻ em đều cảm thấy hài lòng khi đạt điểm cao và hoàn thành bài vở. Vì thế bố mẹ nên cho con biết, phần thưởng là thứ được trao sau khi con đạt được thành tích. 

Nếu bạn "hối lộ" con bạn để chúng làm bài tập về nhà thì điều đó sẽ làm suy yếu quyền của cha mẹ.

Phản ứng thích hợp của cha mẹ khi con không hoàn thành nhiệm vụ là hậu quả chứ không phải hối lộ để con hoàn thành mọi việc. Vì thế, bố mẹ nên nói với con rằng: "Nếu con không làm bài tập về nhà, con sẽ không thể đi chơi cuối tuần" thay vì nói: "Nếu con làm bài tập về nhà, mẹ sẽ cho con đi chơi thêm một giờ".

Con tôi không chịu làm bài tập về nhà - 2

Bố mẹ có thể cần hỗ trợ con khi con bài tập về nhà (Ảnh minh họa: New Africa - stock.adobe.com).

Cho con thấy hậu quả và nhận thất bại

Những hậu quả "nhãn tiền" sẽ thúc đẩy con bạn có hành vi tốt, dạy con trẻ cách giải quyết vấn đề, mang đến cho con những kỹ năng cần thiết để thành công.

Bố mẹ có thể nói với con rằng: "Nếu điểm của con dưới trung bình, con không thể học trong phòng nữa và phải học ở bàn bếp" hoặc: "Nếu con chọn không học trong khoảng thời gian đã định, con sẽ không được chơi điện tử trong ngày hôm nay".

Những hậu quả 'trông thấy" như thế này thường rất hiệu quả nhưng đừng tước đi đặc quyền của con quá một ngày vì con bạn sẽ không có động lực để làm tốt hơn vào lần sau.

Bên cạnh đó, đôi khi bạn phải để con mình thất bại. Cha mẹ thường làm hại con cái khi quá bao bọc chúng, giúp chúng tránh khỏi những hậu quả do hành động của chúng gây ra.

Nếu con bạn lười học, bị điểm kém, đó là hậu quả tự nhiên cho hành vi của chúng, vì thế bạn không nên can thiệp và cố gắng yêu cầu giáo viên của con bạn thay đổi điểm số.

Giữ bình tĩnh khi giúp con bạn làm bài tập về nhà

Điều quan trọng là bạn phải bình tĩnh khi giúp con bạn làm bài tập về nhà. Nếu bạn cáu kỉnh và quát mắng con mình, điều này sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực.

Trong gia đình, giữa hai vợ chồng, ai là người kiên nhẫn hơn thì hãy để người đó đảm nhận trách nhiệm giám sát con làm bài tập về nhà. 

Hãy nhớ rằng, nếu bạn không thể giữ bình tĩnh khi giúp đỡ con mình, hoặc nếu bạn thấy rằng sự giúp đỡ của mình đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, thì tốt hơn hết là bạn nên dừng lại. Về cơ bản, người phải chịu trách nhiệm về bài vở là con bạn chứ không phải bạn.

Trao đổi với giáo viên

Bố mẹ nên xây dựng mối quan hệ tốt với giáo viên của con. Nếu con bạn có vấn đề, hãy trao đổi với giáo viên của chúng hàng tuần. Đừng chỉ nhận thông tin từ con cái mà nên có thêm thông tin khách quan từ giáo viên của con.

Điểm mấu chốt là con bạn phải có trách nhiệm với bài vở của chúng. Nếu bạn luôn cập nhật thông tin về tình hình học tập của con, bạn sẽ không ngạc nhiên khi nhận thông báo về điểm số.

Nếu con bạn bị khuyết tật học tập thì bạn cần thiết lập một kế hoạch giáo dục phù hợp, trao đổi thêm với giáo viên, nhà trường của con và đề nghị giúp đỡ.


Vĩnh Ngọc/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/con-toi-khong-chiu-lam-bai-tap-ve-nha-20230224111958433.htm

  • Từ khóa