Đó là vấn đề được GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đặt ra về vai trò của kỳ thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh.
Ngày 28/2, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức tọa đàm "Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới giáo dục" thu hút nhiều trường đại học tham dự nhằm đánh giá vai trò của các kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (ĐGNLCB).
Đồng thời đề xuất mô hình triển khai, hợp tác giữa các trường trong việc tổ chức và sử dụng kết quả các kỳ thi ĐGNLCB nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng cho học sinh và đáp ứng nhu cầu tuyển sinh cho các trường.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu ra nhiều giả định chuyên môn đang được quan tâm như: Phương thức tuyển sinh nào khách quan khi học bạ đang được cố gắng ngày càng đẹp hơn, sáng hơn; học sinh tốt nghiệp nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản chưa đồng đều hay bị lệch; tuyển sinh đại học sẽ tuyển người có kiến thức, hay có tư duy, có năng lực; các công cụ đánh giá trong các kỳ thi có khách quan và công bằng; các trường đại học có thực sự tuyển sinh đúng nghĩa...
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM thông tin, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (ĐGNLCB) của trường được chuẩn bị trong 5 năm với một chuỗi nhiệm vụ với sự tham gia của các chuyên gia trong cả nước phối hợp với các giảng viên có chuyên môn; kỹ năng tổ chức thi đánh giá năng lực... Sau khi nghiệm thu, trường mới tổ chức đầu tiên vào năm 2022 với hơn 2.000 thí sinh tham gia.
Theo GS Huỳnh Văn Sơn, việc xây dựng bài thi ĐGNL và cả phẩm chất được tích hợp này được nhà trường chuẩn bị cho kết hoạch để đảm bảo đến năm 2025 sẽ có công cụ đánh giá phù hợp với chương trình 2018.
ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết trường thực hiện đối chiếu kết quả học sinh thi đánh giá năng lực với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi tại buổi tọa đàm (Ảnh: H.N).
Kết quả nhận thấy thí sinh có điểm cao kỳ thi ĐGNLCB cũng là những thí sinh có điểm cao kỳ thi THPT. Nhưng các thí sinh có điểm cao khi thi tốt nghiệp THPT không phải đều có điểm cao khi thi ĐGNLCB. Bài thi ĐGNLCB phân hóa tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nhóm thí sinh có năng lực cao.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với điểm học bạ, ông Trung cho hay "rất đáng ngạc nhiên và thú vị". Bài thi ĐGNLCB phù hợp hơn với tương quan điểm thi của các em ở THPT.
Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển 20% chỉ tiêu bằng bài thi ĐGNLCB, năm nay trường dự kiến tỷ lệ tuyển sinh theo phương thức này lên 40%.
Nhiều thí sinh điểm đầu vào cao nhưng theo... không nổi
PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM cho hay trường có 14 ngành, đã thực hiện chuyển đổi đạo tạo dựa vào năng lực ở ngành y khoa. Trường đang khuyến khích các ngành khác chuyển đổi và đến năm 2025 sẽ chuyển đổi đào tạo toàn bộ dựa trên năng lực.
Với yêu cầu này, ông Đạt khẳng định chắc chắn trường phải đổi mới tuyển sinh để đầu vào tương xứng với đầu ra. Trường ghi nhận nhiều thí sinh có điểm đầu vào (xét tuyển tổ hợp Toán - Hóa - Sinh, tổ hợp Toán - Hóa - Sinh kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ) rất cao nhưng khi vào học không thể theo nổi chương trình.
GS Huỳnh Văn Sơn cũng chia sẻ, các em quan tâm đến kỳ thi riêng của các trường cũng thể hiện phần nào sự quan tâm, yêu thích của mình đối với ngành nghề mình theo đuổi. Điều này góp phần tránh sự lãng phí khi các em vào đại học rồi bỏ, đặc biệt là trong ngành sư phạm.
ThS Nguyễn Ngọc Trung (Ảnh: H.N).
Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung, kỳ thi ĐGNL của các trường là một xu hướng tuyển sinh phù hợp. Các trường có nhu cầu tuyển sinh thí sinh có năng lực phù hợp, còn thí sinh muốn khẳng định năng lực của mình. Nhưng vấn đề làm sao để các em không bị áp lực thi cử, nếu các trường đều tổ chức kỳ thi riêng rất áp lực cho học sinh cũng như gây tốn kém cho nhà trường.
Ông Trung cho hay kỳ thi ĐGNLCB đòi hỏi rất nhiều yếu tố, một trong những khó khăn nhất với kỳ thi ĐGNLCB là việc ra đề thi. Nhiều giáo viên bình thường ra đề thi tốt nhưng khi ra đề theo yêu cầu thì... làm không nổi.
Đại diện nhiều trường đại học chung ý kiến các trường cần khai thác nguồn lực chung để cùng sử dụng chung kết quả của kỳ thi riêng, kể cả kết quả thi năng khiếu trong cùng ngành đặc thù. Điều này tránh "làm khổ" học sinh phải chạy bên này rồi lại phải chạy sang bên khác.
Mùa tuyển sinh năm 2023 có 9 đơn vị tổ chức kỳ thi ĐGNL gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH KH&CN Hà Nội, Bộ Công an, chưa tính các trường tổ chức thi năng khiếu.
Theo dantri.com.vn