Chứng chỉ ngoại ngữ trong cuộc đua vào đại học

Chủ nhật, 05.03.2023 | 09:20:30
901 lượt xem

Xu hướng tuyển sinh của nhiều trường đại học những năm gần đây cho thấy, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển. Không chỉ những loại chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức khảo thí nước ngoài cấp, từ năm 2023, nhiều trường đại học (ĐH) của Việt Nam cũng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ do chính các trường trong nước cấp.

Lợi thế khi có chứng chỉ ngoại ngữ

Mùa tuyển sinh năm 2023, các trường ĐH tốp đầu ở Việt Nam vẫn áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEIC, TOEFL...) như điều kiện cần trong một số phương thức xét tuyển. Vì thế, chứng chỉ ngoại ngữ là một điểm cộng rất lớn trong hồ sơ xét tuyển đại học. Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội dành 73% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp dựa trên đề án tuyển sinh của trường.

Trong đó, trường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển đối với hai nhóm thí sinh. 20% chỉ tiêu theo mã tuyển sinh sẽ dành cho những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ này với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT cũng dành 20% chỉ tiêu để xét tuyển.

Thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn hai năm tính đến ngày 1-6-2023, đạt IELTS 5.5, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Nghe, đọc 785, nói 160 và viết 150 trở lên).

Chứng chỉ ngoại ngữ trong cuộc đua vào đại học
 Học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trong giờ học ngoại ngữ.

TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức cho hay, với 775 chỉ tiêu, trường có 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, ở phương thức xét tuyển thẳng, thí sinh là học sinh của một trong các trường THPT được ưu tiên xét tuyển, đồng thời có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ít nhất tương đương IELTS học thuật 6.0; tổng điểm trung bình 5 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (thường là Tiếng Anh) và 2 môn tự chọn của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 8,5 điểm trở lên.

Ngoài ra, yêu cầu đầu vào của trường cũng đòi hỏi thí sinh cần thỏa mãn một trong các điều kiện: Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ít nhất tương đương IELTS học thuật 5.0 hoặc TOEFL iBT 42 còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ; đạt ít nhất 71 điểm trong bài thi onSET; điểm trung bình môn Tiếng Anh trong 3 năm THPT (lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12) đạt ít nhất 7,5-thang điểm 10, áp dụng cho phương thức xét học bạ. Đạt ít nhất 7,5 điểm (thang điểm 10) môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh, áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2023, lần đầu tiên Trường ĐH Điện lực có phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS, TS Đinh Văn Châu, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho biết, nhà trường dành 5% tổng chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức này. Điểm của chứng chỉ ngoại ngữ được quy đổi về thang điểm 10 để thay thế điểm môn Tiếng Anh trong các tổ hợp xét tuyển...

Với những lợi ích mà các chứng chỉ mang lại, nhiều học sinh THPT đã sớm luyện thi để sở hữu một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Tuy nhiên, có điểm số mong ước là điều không hề dễ, đòi hỏi thí sinh phải dành rất nhiều thời gian và có sự chuẩn bị tốt về tài chính.

Mở rộng cơ hội bằng chứng chỉ nội

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH đã quyết định sử dụng thêm chứng chỉ tiếng Anh VSTEP để tuyển sinh đầu vào, như: Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Quốc gia Hà Nội, các trường trực thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh... Lãnh đạo một số trường khác cho biết sẽ xem xét và cân nhắc việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh VSTEP trong xét tuyển theo lộ trình. 

Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện có 25 trường ĐH, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (tiếng Anh-VSTEP). Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Quốc gia Hà Nội là trường đầu tiên sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển năm 2022. 21 học sinh có chứng chỉ VSTEP bậc 5 đã trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh và sư phạm tiếng Anh.

Lý do trường sử dụng kết quả bài thi này để xét tuyển là từ quá trình tổ chức thi với nhận định cấu trúc định dạng đề và giá trị của bài thi VSTEP không khác bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS hay TOEFL. GS, TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Chất lượng bài thi rất tốt với điều kiện bài thi dùng đúng bộ nguồn thi, đúng quy trình thi và phần mềm thi như chuẩn đánh giá của Bộ GD-ĐT”.

Chia sẻ về ưu điểm của chứng chỉ này, PGS, TS Hà Lê Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Chứng chỉ VSTEP đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Đây cũng là định dạng bài thi được xây dựng trên cơ sở những đề tài nghiên cứu khoa học của đề án ngoại ngữ quốc gia nên chất lượng của những bài thi VSTEP bảo đảm và có thể sánh ngang các bài thi quốc tế. Qua một năm triển khai, tất cả thí sinh trúng tuyển đều đáp ứng tốt yêu cầu ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và có thể học tốt tại trường”.

Em Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Ban đầu em chỉ định xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS và đã có được số điểm như ý. Nhưng khi tìm hiểu về quy trình xét tuyển của Trường ĐH Ngoại ngữ, em nhận thấy trường ưu tiên chứng chỉ VSTEP hơn nên em quyết định thử sức. Mặt khác, em thấy lệ phí thi chứng chỉ VSTEP rẻ hơn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và nó được chấp nhận ở một số trường đại học”.

Năm 2023, ngoài những điều chỉnh trong kỳ thi đánh giá tư duy, công tác tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều điểm mới khác, như: Mở thêm 3 ngành đào tạo, bỏ điều kiện học bạ khi xét tuyển bằng điểm thi và công nhận chứng chỉ tiếng Anh nội trong xét tuyển đầu vào. Chia sẻ về điều này, PGS, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Chứng chỉ VSTEP được công nhận trên toàn quốc và ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị mới được Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức thi chứng chỉ VSTEP. Vì vậy, việc chứng chỉ tiếng Anh nội được sử dụng mang lại thuận lợi hơn cho các trường cũng như mở rộng cơ hội cho thí sinh”.

Tuy chứng chỉ nội đã được một số trường công nhận và đưa vào phương thức xét tuyển nhưng vẫn rất ít học sinh biết đến, thậm chí có biết thì cũng không mặn mà với chứng chỉ này. Lý giải về điều này, ông Đỗ Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Ducstar English House cho rằng: “IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được công nhận tại hơn 150 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, VSTEP là chứng chỉ tiếng Anh chỉ được chấp nhận ở Việt Nam. Ngoài mục tiêu thi đỗ đầu vào, chứng chỉ IETLS còn hướng tới mục tiêu xa hơn là giành học bổng, du học”.


Thu Hà/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/chung-chi-ngoai-ngu-trong-cuoc-dua-vao-dai-hoc-720738

  • Từ khóa