Ngày 10-3, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “AI, ChatGPT đối với việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay” nhận được sự quan tâm tham gia của nhiều chuyên gia, nhà giáo và sinh viên ngành sư phạm.
Tại tọa đàm, tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên xoay quanh đánh giá tác động của AI, ChatGPT đến dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học, xác định những cơ hội và thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, kiểm tra và đánh giá học sinh, sinh viên... Theo ý kiến các chuyên gia, trước sự phát triển của ChatGPT, việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục là tất yếu nhưng cần xem xét cẩn trọng vấn đề về đạo đức khi sử dụng và yêu cầu về bảo mật thông tin. Ngoài ra, phải định hướng tốt cho người học về việc sử dụng ChatGPT mang ý nghĩa hỗ trợ học tập, tránh lạm dụng. Vì vậy, người học cần trang bị ý thức, thái độ đúng đắn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Các chủ tọa điều hành tọa đàm. |
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phân tích rằng: “Không thể phủ nhận các tiện ích mà ChatGPT mang lại cho việc dạy và học như giúp việc tìm hiểu kiến thức nhanh hơn, tiện dụng hơn, mở rộng không gian và thời gian học tập. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là người học sẽ bị ảnh hưởng khả năng sáng tạo và kỹ năng thiết lập các mối quan hệ xã hội và giáo viên có dần bị thay thế vai trò trong giảng dạy hay không?”. Đồng quan điểm này, Thạc sĩ Sầm Vĩnh Lộc, giảng viên Khoa Giáo dục thể chất, cũng cho rằng: “Nếu để người học lạm dụng ChatGPT thì sẽ dẫn đến hạn chế phát triển các năng lực đặc thù, kỹ năng, phẩm chất mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 kỳ vọng mang lại, đó là tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng phản biện”.
Kiến nghị của các chuyên gia cho rằng, ChatGPT là sự phát triển tất yếu của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho cuộc sống. Vì vậy, trang bị sự hiểu biết, thái độ và kỹ năng sử dụng ChatGPT có trách nhiệm, hiệu quả tích cực trong giáo dục là vấn đề các cơ sở giáo dục nên hướng đến. Người giáo viên cần có góc nhìn đúng đắn, tận dụng lợi thế từ ChatGPT mang lại. Cùng với đó, các nhà trường quan tâm đến việc xây dựng hàng rào pháp lý để quản lý chặt chẽ việc sử dụng ChatGPT trong các hoạt động của giáo dục.
Quang cảnh chương trình tọa đàm. |
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khẳng định, trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều phiên bản ứng dụng AI nâng cấp khác ra đời nhưng cần xác định rõ, các ứng dụng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy trong giáo dục và đào tạo con người. Các đơn vị đào tạo sư phạm cần quan tâm hơn đến việc tích hợp, lồng ghép kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo người học các chuyên ngành sư phạm để khi tốt nghiệp ra trường có đủ điều kiện, khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy học, làm chủ công nghệ bằng kỹ năng và tinh thần tích cực.
HÙNG KHOA