Áp dụng phương pháp giáo dục con bằng lời nói nhẹ nhàng, yêu thương cũng là cách để con trở nên tự tin, sống tình cảm hơn.
Một số phụ huynh dạy con với quan niệm "thương cho roi cho vọt". Theo đó, con cái thường bị áp đặt rằng phải làm điều gì, phải trở thành người như thế nào theo định hướng của bố mẹ.
Song, ở một số trường hợp, việc sử dụng đòn roi trở nên "phản tác dụng", chỉ thỏa mãn được yêu cầu của phụ huynh nhưng lại khiến trẻ trở nên cứng đầu khó bảo.
Bởi thế, nhiều phụ huynh đã lựa chọn cách nuôi dạy, khích lệ và bồi dưỡng sự tự tin cho con bằng cách sử dụng ái ngữ hay chính là lời nói yêu thương, nhẹ nhàng.
Trẻ con sẽ tiến bộ và phát triển tuyệt vời nếu được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục đầy ắp yêu thương và tôn trọng.
Lời nói có sức mạnh diệu kỳ
Chị Nguyễn Thị Thu, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Tsukuba, Nhật Bản; đồng thời là tác giả của nhiều tựa sách hay dành cho cha mẹ tin rằng "lời nói có sức mạnh diệu kỳ", giúp con lớn lên trong sự hạnh phúc.
Bé Bon - tên ở nhà của con trai chị Thu, sắp sửa lên 9 tuổi. Chị Thu cho rằng, trong việc đồng hành cùng con, không chỉ con mà cả bố mẹ đều phải kiên trì, bởi đây là một hành trình rất dài, không phải ngày một ngày hai.
Chị áp dụng phương pháp sử dụng lời nói nhẹ nhàng để khen ngợi và chỉ dạy con trong cuộc sống. Vị tiến sĩ đưa ra ví dụ: "Tôi thường xuyên thể hiện niềm tự hào, hạnh phúc với việc con sắp tròn 9 tuổi trong những cuộc nói chuyện hàng ngày.
Chị Thu và bé Bon (Ảnh: NVCC).
Chẳng hạn: "Bon của bố mẹ sắp là cậu bé 9 tuổi rồi đấy. Mẹ vui lắm khi sắp được đón sinh nhật 9 tuổi cùng Bon".
Và không quên kèm theo những câu khích lệ như: "Con trai sắp 9 tuổi rồi có khác, người lớn hẳn lên"; "Chàng trai sắp 9 tuổi ơi, cùng mẹ nấu cơm nhé"; "Con có biết dạo này mẹ thấy con rất tiến bộ đấy.
Con tự giác học không cần mẹ nhắc. Tự đọc truyện dài tiếng Anh này, giúp mẹ nấu cơm này" hay "Con có biết 9 tuổi là một mốc tuổi rất tuyệt vời không. Người ta bảo rằng đây là độ tuổi mà đứa trẻ rất biết giữ lời hứa và thể hiện sự chính trực và có quan điểm riêng rất rõ ràng đấy".
Có vẻ như Bon cũng rất tự hào và háo hức đón chờ sinh nhật 9 tuổi sắp tới của mình.
Mẹ hầu như không phải nhắc nhiều như trước. Sáng con sẽ tự thức dậy, vệ sinh cá nhân và đi học. Tối con sẽ tự sắp xếp việc học của mình. Buổi tối tuy vẫn còn lề mề trước giờ đi ngủ, nhưng đã đỡ hơn trước rất nhiều.
Những ngày mẹ ốm, con biết chủ động nấu cơm cho mẹ và nhấn mạnh là: "Con sắp 9 tuổi rồi mà. Mẹ ốm con phải quan tâm chứ. Mẹ còn đau ở đâu không ạ?".
Tôi thấy thật sáng suốt vì đã luôn biết dùng lời nói yêu thương với con".
Mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn trong mình những khả năng to lớn. Điều quan trọng hơn hết là các bậc cha mẹ cần biết cách khơi gợi và gửi gắm sự tin tưởng để con tỏa sáng đúng lúc.
Theo đó, nếu bố mẹ thể hiện sự vui mừng, hạnh phúc với mỗi dấu mốc phát triển của con thì bản thân đứa trẻ sẽ cảm thấy "mình thật quan trọng và đặc biệt trong mắt bố mẹ".
Chị khẳng định: "Sinh nhật không phải là dịp để con đòi tặng những món quà. Sinh nhật là để ghi nhận sự trưởng thành của con và gieo cho con những hạt giống của sự tự tin vào chính bản thân mình".
Gia đình chị Thu (Ảnh: NVCC).
Phụ huynh cần lồng ghép một cách khéo léo điều mình kỳ vọng vào những phẩm chất của con trong cách khen ngợi con.
Ví dụ, muốn con gọn gàng, ngăn nắp hãy nói với con rằng: "Bố/mẹ hy vọng khi học bài xong con sẽ dọn lại bàn học". Và khi nào trẻ chủ động làm được điều đó hãy ghi nhận: "Hôm nay con đã chủ động dọn bàn học rất gọn gàng đấy!".
Những lời khen cụ thể về việc con đã làm sẽ giúp trẻ biết được điều gì là điều đúng đắn, nên làm và từ sự ghi nhận ấy giúp trẻ có động lực để duy trì thói quen tốt.
Thay vì yêu cầu hay ra lệnh cho trẻ bằng những câu nói nghiêm nghị và đầy uy quyền, phụ huynh hãy thử nói: "Bố/mẹ muốn con làm việc này". Cách nói này làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn so với việc nghe những cụm từ tiêu cực và mang tính ép buộc".
Mỗi việc con làm, bố mẹ luôn thể hiện sự trân trọng và ghi nhận bằng cách lưu lại mọi thứ vào những cuốn album, nhật ký, rồi sau đó vài năm đọc lại cho con nghe.
"Đúng là hành trình làm cha mẹ vừa dễ lại vừa khó. Nhưng bản thân bố mẹ sẽ học được một bài học để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, đó là hãy cứ hiện diện và tận hưởng trong giây phút hiện tại cùng với con là đủ rồi.
Đừng lo lắng quá xa về tương lai sau này con sẽ học ở đâu, là người thế nào, để rồi chính lo xa đó làm bố mẹ đánh mất đi hạnh phúc hiện tại là chia sẻ những niềm vui nho nhỏ cùng con.
Tôi thì luôn có niềm tin tuyệt đối vào những gì mình lựa chọn. Đứa trẻ lớn lên trong niềm tin tưởng cha mẹ dành cho mình, nhất định chúng cũng sẽ tự tin vào chính mình", chị Thu cho biết thêm.
Bố mẹ trở thành bạn của con
Chị Kim Oanh (quản lý nhóm Facebook với hơn 140.000 thành viên) cũng có cùng quan điểm sử dụng những lời nói yêu thương để khích lệ con trở thành đứa trẻ sống tình cảm.
Chị Oanh chọn cách làm bạn cùng con (Ảnh: NVCC).
Vị phụ huynh trẻ thường động viên và khuyến khích con bày tỏ mong muốn của bản thân để bố mẹ thấu hiểu cũng như cùng con trưởng thành theo chiều hướng tích cực mỗi ngày.
Đối với vị phụ huynh này, việc giáo dục con bằng cách làm bạn và hướng dẫn con từ những điều gần gũi nhất sẽ giúp con có sự linh hoạt, đặc biệt là trong giao tiếp, ứng xử với mọi người.
Cá Heo (4 tuổi, tên ở nhà của con trai chị Oanh) là một cậu bé hòa đồng, thân thiện và biết quan tâm đến người khác. Cậu bé cũng có vốn từ ngữ khá phong phú và không ngần ngại khích lệ ngược lại với phụ huynh.
Chị Oanh kể: "Trong cuộc sống hàng ngày, tôi thường động viên con làm những việc nhỏ, phù hợp với lứa tuổi của con. Điều ngạc nhiên là khi con muốn nhờ bố mẹ làm giúp việc nào đó, con cũng áp dụng "chiêu" là động viên ngược lại, y như cách bố mẹ đã giáo dục con.
Chẳng hạn, bạn ấy sẽ động viên mẹ là: "Mẹ làm được mà, mẹ giỏi mà" giống cách tôi khích lệ con làm một việc nào đó".
Chị Oanh dành thời gian để vui chơi cùng con (Ảnh: NVCC).
Được lớn lên trong môi trường hạnh phúc, đứa trẻ cũng sẽ sớm bộc lộ khả năng của bản thân. Mỗi lần cùng mẹ đi từ hầm gửi xe của tòa chung cư, Cá Heo sẽ "nhắc nhở" mẹ rằng phải tăng ga xe máy thì xe mới dễ dàng leo lên con dốc cao được. Hôm nào mẹ quên, cậu bé sẽ thắc mắc: "Sao mẹ không tăng ga xe từ sớm ạ".
Ngoài ra, thay vì ra lệnh và buộc con phải tuân theo, chị Oanh thường khuyên răn nhẹ nhàng, thủ thỉ cùng con như một người bạn.
Chẳng hạn, khi chị muốn con không ăn bánh kẹo trước bữa ăn, chị sẽ giải thích cho con hiểu tại sao không được làm điều đó, hay làm điều đó sẽ khiến mẹ buồn ra sao… Và Cá Heo cũng chấp thuận điều đó một cách vui vẻ.
Chị Oanh thường xuyên thể hiện tình cảm với con thông qua những cái ôm. Và ngược lại, Cá Heo cũng đáp lại bằng những câu hỏi "tan chảy trái tim" bố mẹ như:"Bố/mẹ có yêu con không ạ?".
Vị phụ huynh trẻ cho rằng, chỉ cần như vậy thôi cũng khiến chị cảm thấy mình đã giáo dục con đi đúng hướng rồi.
Chị kết luận, bố mẹ không nên ép buộc trẻ khi con tỏ ra khó chịu. Thay vì tạo áp lực, hãy tương tác cùng con và trở thành người bạn để con tin tưởng, chia sẻ.
Tuệ Nhi/dantri.com.vn