Ngày càng nhiều phụ huynh chủ động cho con em theo học các lớp đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại các trung tâm Anh ngữ bởi giá trị thực tế mà những chứng chỉ này mang lại.
Sức nóng của việc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, TOEFL hay IELTS đối với sinh viên trong một vài năm trở lại đây chưa bao giờ ngừng sục sôi.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng Anh đối với các ngành học và cơ hội việc làm. Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giờ đây giống như một "tấm vé thông hành" giúp sinh viên dễ dàng hội nhập với thị trường lao động hơn.
Kiếm tiền nhanh chóng
Trên thực tế, nhiều đơn vị doanh nghiệp hiện nay không còn quá đặt nặng hay bắt buộc yêu cầu về bằng cấp đại học. Doanh nghiệp giờ đây ưu tiên các nguồn nhân lực trẻ, năng động hoặc có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Tuy vậy, khó có thể đòi hỏi một người trẻ mới gia nhập thị trường lao động đã có sẵn trong mình nhiều kinh nghiệm làm việc. Do đó, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giống như một khung tham chiếu đánh giá khả năng giao tiếp, khả năng đáp ứng công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại ngữ.
Sau khi đạt kết quả 7.0 IELTS, cử nhân khoa Ngoại ngữ - Phạm Thị Hoa chia sẻ: "Công việc đầu tiên mình có được là do tấm bằng IELTS mang lại. Mình đi dạy gia sư rồi dần dần trở thành trợ giảng tại các trung tâm Anh ngữ khi mới là sinh viên năm nhất, năm hai. So sánh với các bạn đồng trang lứa thì thu nhập lúc bấy giờ của mình khá rủng rỉnh, có tháng mình kiếm được gần 15 triệu đồng".
Thay vì tìm việc một cách không có định hướng, nhiều sinh viên có thể nhanh chóng tìm việc nhờ chủ động "truy lùng" cơ hội thông qua các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bằng cách tham gia các hội nhóm tìm việc trên Facebook.
Ngô Khánh Linh hiện đang theo học tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân sau một khoảng thời gian ôn luyện đã đạt được số điểm 5.5 trong kỳ thi IELTS nói: "Mình tìm việc không mấy vất vả, chỉ nộp hồ sơ theo thông tin tuyển dụng từ các hội nhóm trên Facebook. Tuy kết quả thi của mình không phải là quá lý tưởng nhưng nhờ đó mình vẫn có thể nhận một số công việc dịch thuật đơn giản tại nhà và giúp mình có được thu nhập ổn định hàng tháng".
Khi được đào tạo ở đại học chắc chắn có thể đánh giá một cách toàn diện và sẽ có nhiều kỹ năng chuyên môn không thể nào thay thế không như đối với một cá nhân chỉ qua các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Mặc dù vậy cũng không thể phủ nhận những giá trị thực tế mà IELTS hay TOEIC mang lại.
"Có quá nhiều lý thuyết, môn học khi đào tạo ở bậc cử nhân ít có cơ hội được áp dụng vào thực tiễn. Nhưng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giao tiếp, tóm tắt và tìm hiểu thông tin qua quá trình ôn luyện IELTS lại rất thiết thực cho công việc và đây mới là điều có thể tạo thu nhập nhanh chóng", Khánh Linh nói.
Nhiều lợi thế cạnh tranh
Năng lực sử dụng ngoại ngữ là vô cùng cần thiết đối với nhiều lĩnh vực như thương mại, khách sạn - du lịch, truyền thông…
Chính vì vậy, nhiều sinh viên không ngần ngại bỏ thời gian và một khoản chi phí lớn để có thể chinh phục các kỳ thi ngoại ngữ chuẩn hóa quốc tế nhằm chứng minh năng lực sử dụng ngôn ngữ của bản thân.
Thậm chí với nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành thì IELTS hay TOEIC cũng giống như một "chiếc cầu" giúp họ có nền tảng cơ bản để ứng tuyển trong các lĩnh vực khác.
Chia sẻ về vấn đề học ngoại ngữ, Nguyễn Hà Phương - thủ khoa Ngôn ngữ Anh của Đại học Luật Hà Nội nói rằng: "Em tham gia ôn luyện IELTS tại các trung tâm Anh ngữ từ năm lớp 10 cho đến tận bây giờ với mong muốn đạt được số điểm cao nhất có thể".
"Đối với cá nhân em, thế giới đang dần hội nhập nên việc giỏi tiếng Anh rất cần thiết cho nhiều lĩnh vực và nhiều công việc khác nhau. Hơn nữa, IELTS thực sự là một dấu cộng rất lớn trong hồ sơ ứng tuyển", Hà Phương nói.
Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không phải là điều kiện bắt buộc đối với lao động phổ thông. Song tâm lý các nhà tuyển dụng hiện nay rất ưa chuộng nguồn lao động sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt kết quả cao.
"Em nhận thấy cách nhanh nhất để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng là qua phỏng vấn và giao tiếp, không chỉ tiếng Việt mà còn là giao tiếp tiếng Anh. Band điểm IELTS càng cao càng khẳng định và gây dựng thêm niềm tin vững chắc ở nhà tuyển dụng về khả năng học hỏi cũng như kỹ năng sử dụng ngôn ngữ", Hà Phương tâm sự.
Có IELTS giống như đã nắm chắc trong tay 70% tấm bằng đại học
Từ tiểu học cho đến đại học, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đều được ưa chuộng, đặc biệt là tiếng Anh. Thậm chí, một số trường như THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An) xem xét tuyển thẳng đối với các trường hợp có IELTS 4.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương.
Nhiều trường đại học danh tiếng như Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hay Đại học Ngoại thương đều có chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Lê Minh Hoàng, cử nhân khoa Ngoại ngữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự: "Tỷ lệ chọi vào các trường đại học top đầu chắc ai cũng biết là rất cạnh tranh rồi, nhưng chỉ cần IELTS hay TOEFL thôi là có thể khiến mọi thứ dễ chịu và bớt đi kha khá gánh nặng".
IELTS hỗ trợ Minh Hoàng rút ngắn thời gian đạt được các mục tiêu (Ảnh: NVCC).
Không chỉ rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu đầu vào, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn hỗ trợ các cử nhân đại học rút gọn thời gian tốt nghiệp, đạt chuẩn đầu ra.
"Mình cảm thấy sở hữu IELTS giống như đã nắm chắc trong tay 70% tấm bằng đại học. Khi có được chứng chỉ IELTS tầm 6.0 hay 6.5 thôi là đã có thể bỏ qua một số môn học đào tạo bằng tiếng Anh ở đại học, điều này đã có thể giúp mình đạt chuẩn đầu ra và tốt nghiệp sớm hơn một số bạn cùng khóa", Minh Hoàng chia sẻ.
Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không đơn thuần là điểm số?
Nếu muốn luyện thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế một cách nghiêm túc thì người học có thể lựa chọn giữa hai hình thức: tự học hoặc đăng ký các khóa học tại trung tâm Anh ngữ uy tín.
Tại trường lớp, hầu như các giáo viên sẽ chỉ tập trung vào ngữ pháp và các dạng bài mà học sinh thường gặp trong các bài kiểm tra hay kỳ thi cuối kỳ. Chính vì vậy, một bộ phận học sinh sau khi được đào tạo xong ở bậc phổ thông lại hoàn toàn không có kỹ năng nghe, nói tiếng Anh, không thể giao tiếp hoàn chỉnh.
Cô Lưu Ngọc Lan - Thạc sỹ tại Đại học Victoria (Úc) chia sẻ rằng: "Biết thêm một ngoại ngữ chính là biết thêm một thế giới. Khi chuẩn bị cho các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn là chuẩn bị kiến thức về văn hóa, nhận thức, kỹ năng… Điểm số của các em chỉ cao khi học sinh thật sự được truyền cảm hứng yêu tiếng Anh, yêu ngoại ngữ từ đội ngũ giáo viên nên cần quán triệt "bệnh thành tích" khi giáo dục".
"Cá nhân mình cũng là giáo viên nên mình nhận thức rất rõ việc học IELTS còn phải là giúp học sinh yêu thích tiếng Anh chứ không dừng lại đơn thuần ở việc đọc tài liệu và luyện đề. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế còn tồn đọng tại chương trình giáo dục ở trường lớp, mình đã chủ động mở ra các lớp có sĩ số nhỏ, chú trọng vào chất lượng, tương tác giữa giáo viên và học sinh, cam kết bằng văn bản rõ ràng với từng khóa học về mục tiêu đầu ra", cô Lưu Ngọc Lan tâm sự.
Cô Lưu Ngọc Lan dạy học với phương châm "không học viên nào bị bỏ lại phía sau" (Ảnh: NVCC).
"Các trung tâm Anh ngữ hiện nay đã có rất nhiều phương pháp học tập và giảng dạy sáng tạo, đặc biệt đối với kỳ thi chứng chỉ IELTS. Khi theo học tại trung tâm thường học viên sẽ nhận được sự theo dõi và quan tâm sát sao hơn, đảm bảo rằng lộ trình tiến bộ của học viên đồng đều trên cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết", cô Ngọc Lan nói.
Đứng trước hiện trạng nhiều trung tâm tiếng Anh mở lớp đào tạo ồ ạt, theo phong trào, cô Ngọc Lan vô cùng lo lắng: "Học viên cần khảo sát kỹ càng chất lượng của trung tâm, vì khi làm giáo dục cần đặt cái tâm vào trong đó. Nếu các em theo học tại một trung tâm không được kiểm định chất lượng sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý và tương lai của các em".
Thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội chia sẻ: "Trước khi đạt được kết quả IELTS cao, mục tiêu đầu tiên mình đưa ra cho học sinh là phải giao tiếp được bằng ngôn ngữ các em đang được học".
Thầy Thành Nam mong muốn học viên của mình có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh chứ không chỉ tập trung đơn thuần vào điểm số (Ảnh: NVCC).
Ngoài ra, khi theo học tại các trung tâm Anh ngữ, học viên sẽ được tham gia một môi trường giáo dục có tính cạnh tranh và được cọ xát với những cá nhân khác có cùng mục tiêu. Điều này giúp các em vừa học vừa được luyện tập, thực hành ngay trong giờ học.
"Tất nhiên khi đào tạo cho các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, các học viên có trình độ tương đương sẽ được xếp vào cùng một lớp, để các em được giao tiếp, học hỏi lẫn nhau. Qua đó, sẽ hình thành một nguồn động lực lớn hơn, thúc đẩy các em cùng nhau trưởng thành, phấn đấu đạt được mục tiêu", thầy Thành Nam tâm sự.
Minh Hiếu/dantri.com.vn