Với khả năng thuyết trình, phản biện, sử dụng tiếng Anh thành thạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, các đội thi của học sinh Việt Nam đã giao lưu với 2 điểm cầu tại Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 26/3, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình "Global Children's Designathon 2023" (Cuộc thi thiết kế dành cho trẻ em toàn cầu - PV).
Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 5 chương trình "Global Children's Designathon 2023" với chủ đề "Our World: Restoring Biodiversity - Thế giới của chúng ta: Phục hồi đa dạng sinh học" được tổ chức tại Việt Nam.
Ban Mai School (BMS) là đại diện duy nhất tại Việt Nam được Designathon Works của Hà Lan lựa chọn là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện khoa học giáo dục STEM mang tầm toàn cầu này.
Sự kiện là nơi kết nối học sinh trên toàn thế giới, cùng nhau sáng tạo và chế tạo các sản phẩm để giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, góp phần đem lại một thế giới tốt đẹp hơn.
Các thành viên Ban giám khảo trực tiếp quan sát, hỏi đáp và phỏng vấn các ý tưởng của đội thi (Ảnh: H.V).
Các em học sinh từ 7-12 tuổi đến từ 5 đội thi của Hệ thống Giáo dục Ban Mai đã sáng tạo, thiết kế và thuyết trình về giải pháp do các em nghĩ ra để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường xoay quanh chủ đề "Phục hồi đa dạng sinh học" hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và cũng là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của chương trình chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam.
Sự thích ứng và sáng tạo khi đưa ra những giải pháp cho các đề bài mà "Global Children's Designathon" đặt ra hàng năm giúp các bạn học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng thích ứng với một thế giới luôn mới, và nâng cao ý thức trách nhiệm của một công dân toàn cầu trong tương lai.
Với khả năng thuyết trình, phản biện, sử dụng tiếng Anh thành thạo, và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, các đội thi của học sinh Việt Nam đã giao lưu với 2 điểm cầu tại Mỹ và Trung Quốc để cùng kết nối và chia sẻ ý tưởng với các bạn học sinh trên thế giới về những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo trong cuộc thi.
Các đội thi giao lưu trực tuyến tiếng Anh với điểm cầu Trung Quốc và chuyên gia giáo dục STEM của Mỹ (Ảnh: H.V).
Học sinh Lương Vũ Hà - Lớp 7T chia sẻ: "Khi được nghiên cứu, thảo luận và lên ý tưởng thiết kế sản phẩm, giúp con ý thức được sự tầm quan trọng của đa dạng sinh học, chúng con nhận thấy phục hồi đa dạng sinh học không chỉ là trách nhiệm của các cấp quản lí, mà bản thân mỗi người cần có ý thức phục hồi đa dạng sinh học, chúng ta cần phải học cách để chung sống hài hòa với thiên nhiên, để luôn hướng đến một tương lai phát triển bền vững".
Điểm đặc biệt trong sự kiện Global Children's Designathon là ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng hoàn toàn trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.
Không chỉ dừng lại ở những ý tưởng táo bạo, đột phá, 5 đội thi đều có khả năng thuyết trình, phản biện, sử dụng tiếng Anh tự tin, thành thạo và gây ấn tượng tốt với các thành viên ban giám khảo.
Huy chương Vàng được trao cho Đội 4 với ý tưởng sáng chế Mini Ecosystem (Hệ sinh thái thu nhỏ).
Đội đoạt Huy chương Vàng về ý tưởng sáng chế Mini Ecosystem (Hệ sinh thái thu nhỏ) (Ảnh: H.V).
Ý tưởng sản phẩm là xây dựng hệ sinh thái thu nhỏ xung quanh hồ điều hòa tại các thành phố lớn nhằm tạo môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật sống trong khu vực. Giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, tạo môi trường xanh, sạch cho các loài sinh vật trong đó như: giun, chim, ong, côn trùng… Vật liệu sử dụng là loại nhựa thân thiện với môi trường, bao gồm: nhựa sinh học, nhựa phân hủy sinh học, nhựa tái chế.
Huy chương Bạc thứ nhất thuộc về Đội 3 với GreenBoost - Thiết bị cung cấp nước cảm biến tự động.
Ý tưởng sáng chế của thiết bị này nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên, đóng góp chung vào nỗ lực phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học (thực vật ở thành phố hà nội từ đó phát triển bền vững).
Sản phẩm này đảm bảo rằng cây xanh nhận được lượng nước tối ưu cần thiết để phát triển khỏe mạnh. Sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến về hệ thống tưới nước tự động dựa trên cảm biến độ ẩm. Đặc biệt, thiết bị sẽ giúp xử lý chất thải thực phẩm và biến chúng thành đất giàu dinh dưỡng để trực tiếp nuôi dưỡng cây cối trong thành phố của chúng ta.
Huy chương Bạc dành cho Đội 3: GreenBoost - Thiết bị cung cấp nước cảm biến tự động (Ảnh: H.V).
Ý tưởng sáng chế The Range - Assistant Robot (Kiểm lâm viên) của Đội 5 cũng đạt Huy chương Bạc.
Mục đích chế tạo Robot hòa nhập với môi trường của động vật có nguy cơ tuyệt chủng với các nhiệm vụ: giám sát, bảo vệ động vật khỏi sự săn bắn trái phép của con người thông qua thiết bị cảm biến hồng ngoại và máy ảnh chụp tự động; thu thập thông tin liên quan đến môi trường sống, số lượng cá thể thông qua các cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm…; cảnh báo cháy rừng phát tín hiệu báo động khi xảy ra cháy rừng; nguyên vật liệu của mô hình được chế tạo bởi ống nhựa, vải nỉ, cảm biến quang, cảm biến khói... để xây dựng nên mô hình Robot Kiểm lâm viên dưới hình dạng chú chim nam bộ.
Huy chương Bạc cũng dành cho Đội 5 với ý tưởng sáng chế The Range - Assistant Robot (Kiểm lâm viên) (Ảnh: H.V).
Ý tưởng sáng chế Máy bay kiểm lâm của các bạn Đội 1 đạt huy chương Đồng. Sản phẩm này sẽ giúp thu thập thông tin các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng nhằm quản lý cũng như phát hiện các cá thể các loài. Bộ phận cảm biến hồng ngoại quét tín hiệu nhằm giúp xác định các cá thể các loài sau đó truyền về trung tâm phân tích dữ liệu qua ăng ten; cảm biến âm thanh giúp định các loài qua tiếng kêu. Máy ảnh chụp lại hình ảnh khi phát hiện tín hiệu hồng ngoại phù hợp. Tất cả các hoạt động được điều khiển tự động bằng thiết bị AI gắn trực tiếp trên máy bay. Nguồn năng lượng được sử dụng là năng lượng điện (sạc không dây).
Đội 1 với sản phẩm "Máy bay kiểm lâm" dành Huy chương Đồng (Ảnh;: H.V).
Đội 2 với ý tưởng Greening our planet - mô hình khôi phục rừng đạt huy chương Đồng.
Mô hình khôi phục rừng hiệu quả có sử dụng những tiến bộ về khoa học và công nghệ, có thể mở rộng để ứng dụng trong xử lý các khu đất trống hoặc công viên tại các thành phố hoặc khu công nghiệp… Giải pháp Sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, chống xói mòn; sử dụng lớp giấy hạt, lưới Polyfelt Environfelt, để giữ ẩm cho đất, chống xói mòn, tạo một lớp thảm thực vật (cỏ, cây con…); xây dựng hồ thủy lợi là hệ thống tưới nước tự động có cảm biến độ ẩm và sử dụng năng lượng mặt trời; chế tạo máy trồng cây tự động sử dụng năng lượng sạch, và công nghệ AI.
Đội 2 với ý tưởng sản phẩm: Greening our planet - mô hình khôi phục rừng cùng đoạt Huy chương Đồng (Ảnh: H.V).
Cô Đào Thu Hiền - Giám đốc Điều hành Hệ thống Giáo dục Ban Mai chia sẻ: "Sự kiện Global Children's Designathon đã mang đến cơ hội cho các học sinh được giao lưu, học hỏi, sử dụng tiếng Anh để kết nối với bạn bè trên toàn thế giới. Những hoạt động giao lưu quốc tế mang tính chất học thuật như thế này góp phần hiện thực hóa thông điệp về slogan mới của Ban Mai School là "A Bright Future in the Open World" (Tương lai tươi sáng trong một thế giới mở).
Đây là thông điệp về sứ mệnh của chúng tôi: "Giúp học sinh tự tin chinh phục những thành tựu và hạnh phúc của riêng mình trong một thế giới liên tục thay đổi". Thầy và trò nhà trường luôn tích cực kiến tạo môi trường giáo dục đổi mới và luôn cập nhật để thích ứng phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh và của thế giới luôn thay đổi; đào tạo ra những công dân toàn cầu có năng lực, có ý chí, có bản lĩnh để thích ứng, chinh phục mọi cơ hội và thành công".
Học sinh cùng thảo luận, chia sẻ về những ý tưởng mới (Ảnh: H.V).
Yến Nhi/dantri.com.vn