Học sinh chọn đồng phục để đỡ phải đắn đo "hôm nay mặc gì", hay còn để thể hiện niềm tự hào với ngôi trường mình đang theo học...
Giải quyết bài toán "không biết mặc gì"
Em Đào Quang Minh (học sinh lớp 10, Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội) muốn mặc đồng phục với lý do cực đơn giản "đỡ phải suy nghĩ hôm nay mặc gì".
Ngoài thời gian học ở trường, Minh cũng thường diện luôn đồng phục đi ra ngoài vì tính ứng dụng và tiện lợi của loại quần áo này.
Học sinh này kể: "Tụi em sở hữu khá nhiều loại đồng phục, gồm: 2 áo sơ mi mùa hè, áo polo, bộ đồ thể dục, áo hoodie, áo khoác mùa đông và 2 quần âu. Việc có nhiều món đồ sẽ đáp ứng được quy định học sinh mặc đồng phục suốt cả tuần của trường".
Học sinh tại Trường THCS Tam Đồng, Mê Linh, Hà Nội (Ảnh: Quân Nguyễn).
Với bản thân Minh thì việc mặc đồng phục là niềm tự hào, thể hiện được "màu cờ sắc áo". Có nhiều khi, đồng phục cũng trở thành công cụ giúp em "nhận diện" được bạn bè cùng trường khi bước qua khỏi cánh cổng trường.
Đều đặn thứ 2, thứ 4 hàng tuần, Phạm Bá Hoàng (học sinh lớp 8, trường THCS Đặng Dung, Hà Tĩnh) sẽ mặc đồng phục theo quy định của nhà trường. Những ngày còn lại, học sinh trường em được tự do lựa chọn trang phục, miễn đảm bảo là áo có cổ, gọn gàng.
Theo Hoàng, quy định này của trường là hoàn toàn hợp lý. Việc mặc đồng phục giúp em có tác phong ăn mặc chỉnh tề cũng như bồi đắp niềm tự hào với ngôi trường mình đang theo học. Hơn nữa, những ngày còn lại trong tuần, học sinh vẫn thoải mái với trang phục tự chọn, tránh được cảm giác gò bó trong khuôn khổ.
"Em cảm thấy việc quy định học sinh đến trường phải mặc đồng phục không có gì gây khó khăn hay bất tiện cho tụi em cả. Ở trường em, học sinh không phải mua lại đồng phục hàng năm nếu không có nhu cầu. Đầu năm, học sinh được đăng ký mua đồng phục, có thể mua thêm để mặc thoải mái suốt cả năm", Hoàng chia sẻ.
Trước câu hỏi: "Học sinh có sợ bị lỗi mốt nếu suốt năm phải mặc một kiểu trang phục không?", Bá Hoàng cho biết: "Theo em, đồng phục học sinh sẽ không bao giờ lỗi mốt vì kiểu dáng đơn giản, không có sự phân biệt học sinh có điều kiện và không có điều kiện. Điều này giúp học sinh cảm thấy thoải mái, xóa nhòa sự tự ti, nghĩa là bước qua cổng trường thì ai cũng giống ai hết.
Hơn thế nữa, chiếc đồng phục với phù hiệu của trường cũng khiến tụi em cảm thấy tự hào và tôn trọng nơi mà mình theo học".
Phụ huynh mua thêm, cho con "diện" đồng phục cả năm
Chị Nguyễn Thị Chiên (phụ huynh em Bá Hoàng) bày tỏ: "Mỗi chiếc áo sơ mi mùa hè có giá 110.000 đồng/ chiếc; còn áo khoác mùa đông thì có giá 125.000 đồng/ chiếc. Với số tiền này thì cha mẹ học sinh vẫn có thể chi trả được.
Mặc đồng phục cũng thể hiện niềm tự hào với ngôi trường đang theo học (Ảnh: Hà Anh).
Nếu để tính toán thì tiền đồng phục còn rẻ hơn các loại trang phục khác ngoài thị trường, nên tôi thường đăng ký mua thêm để con có thể mặc được quanh năm".
Còn chị Phạm Thái (Nam Định) bộc bạch, với mức chi phí dao động từ 450.000 - 500.000 đồng cho mỗi lần đăng ký đồng phục của con gái học tiểu học không phải là số tiền quá lớn.
Thông thường, chị sẽ mua thêm 2 áo để con có thể thoải mái mặc, tránh những khi thời tiết mưa gió, quần áo không kịp khô ráo.
Cô Đỗ Thu Hà (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cũng đồng tình với quy định về đồng phục học sinh.
Cô nói: "Ngoài mục đích giúp nhà trường và giáo viên dễ dàng quản lý học sinh, tạo môi trường giáo dục nghiêm túc, văn minh hơn. Bên cạnh đó, đồng phục còn góp phần xây dựng môi trường học tập bình đẳng, không phân biệt học sinh vốn có các điều kiện khác nhau. Việc thực hiện đồng phục còn góp phần tạo nên tập thể lớp đoàn kết, gắn bó.
Tuy nhiên, mỗi học sinh có cá tính, phong cách khác nhau, vì thế, ngoài những ngày mặc đồng phục thì mặc tự chọn cũng rất cần thiết cho sự phát triển, bộc lộ tính cách của các em. Miễn sao trang phục các em mặc thoải mái, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ và phù hợp với môi trường giáo dục".
Thầy Phạm Duy Diễn (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Hà Tĩnh) bày tỏ quan điểm: "Quy định học sinh mặc đồng phục khi đến trường có nhiều ưu điểm. Đầu tiên là tạo nên một môi trường sư phạm chuẩn mực, tạo nếp sống văn minh trong trường học.
Thầy Phạm Duy Diễn đề cao việc học sinh mặc đồng phục đến trường (Ảnh: FBNV)
Tiếp theo, việc này cũng giúp tạo nên thương hiệu riêng của mỗi trường, để các em học sinh cảm thấy tự hào khi được học tập dưới mái trường với "sắc áo" riêng biệt. Cuối cùng, mặc đồng phục giúp nhà trường dễ quản lý, đảm bảo tính an toàn, thân thiện trong trường học.
Để tạo sự thoải mái cho người học, nhà trường có thể linh động cho học sinh được phép mặc tự do một số ngày trong tuần. Tuy nhiên, cần có thêm quy định một cách rõ ràng về đầu tóc, trang điểm…".
Tuệ Nhi/dantri.com.vn