Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật cùng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở trong nước cũng như trên thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, đòi hỏi những biện pháp mang tính đột phá của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý.
Mỗi năm thiếu khoảng 200.000 nhân lực công nghệ thông tin
Hiện nay, lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký hoạt động tại nước ta ước đạt 70.800, tăng 300 doanh nghiệp so với tháng 1-2023. Tổng số nhân lực toàn ngành CNTT-điện tử viễn thông đạt hơn 1 triệu người. Sự xuất hiện ngày một nhiều của các doanh nghiệp công nghệ số tạo ra nhu cầu tuyển dụng lao động là các kỹ sư CNTT lớn hơn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT lại đang không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường, dự báo từ nay đến năm 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 đến 200.000 kỹ sư CNTT mỗi năm. Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt này có một phần nguyên nhân đến từ chất lượng của đội ngũ lao động, tuy đông nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khi tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo số liệu từ Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), 92% doanh nghiệp CNTT ở nước ta là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,3% (còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tuy nhiên, 92% doanh nghiệp siêu nhỏ lại chỉ nắm 2,64% doanh thu toàn ngành công nghệ số, trong khi 0,3% doanh nghiệp lớn nắm đến 58,25% doanh thu toàn ngành. Điều đó cho thấy rằng, nhu cầu lớn về nhân sự chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn; kéo theo là những tiêu chuẩn chuyên môn, yêu cầu về kỹ năng, thái độ làm việc cũng cao hơn; điều mà sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật nước ta còn thiếu. Mặt khác, tiêu chuẩn tốt nghiệp của sinh viên tại trường học đôi khi còn vênh với tiêu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến hiện tượng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.
Một trong những điểm yếu dẫn tới hạn chế về khả năng xin việc của lao động ngành CNTT là ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Có nhiều doanh nghiệp nước ngoài gồm các lĩnh vực đang rất cần nhân lực lao động về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an toàn thông tin... nhưng ngoại ngữ lại trở thành rào cản đối với các kỹ sư CNTT Việt Nam. Vì vậy, nâng cao trình độ ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, điều này còn góp phần củng cố sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp trong nước đã và đang tiến ra thị trường quốc tế.
Theo Phó trưởng phòng Phân tích dữ liệu (Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) Ứng Kim Phượng, một nguyên nhân khác gây thiếu hụt lao động CNTT là do có sự mất cân bằng trong sử dụng nguồn nhân lực với việc nữ giới chiếm tỷ lệ khá thấp. Khuyến khích, tạo thêm cơ hội làm việc cho nữ giới trong lĩnh vực CNTT sẽ giúp bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nữ giới hiện chỉ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, điều này cho thấy vẫn còn những trở ngại ảnh hưởng đến cơ hội làm việc của phụ nữ trong lĩnh vực CNTT, gây lãng phí nguồn nhân lực.
Kỹ sư công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu sản phẩm thông tin quân sự. Ảnh: NGUYỄN LINH |
Triển khai đồng loạt các giải pháp
Với mục đích tăng cường nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số tại nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, cần khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chuyển đổi số, xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tập đoàn để hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó có giải pháp về cơ chế tài chính như ưu tiên kinh phí từ các chương trình học bổng để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ chuyên trách về công nghệ số ở nước ngoài; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng cơ sở trọng điểm về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.
Việc tăng số lượng kỹ sư và cử nhân CNTT hiện vẫn là một bài toán khó cho xã hội nói chung, yêu cầu sự nỗ lực trên nhiều góc độ. Theo TS Lê Hoàng Quỳnh, giảng viên Khoa CNTT, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, để tăng số lượng sinh viên CNTT được đào tạo, trước hết cần bảo đảm về cơ sở vật chất, tăng cường tuyển dụng giảng viên có trình độ và kinh nghiệm, như thế mới có thể bảo đảm chất lượng sinh viên. Việc tăng cường quảng bá và thu hút sinh viên quan tâm đến ngành CNTT là điều cốt lõi để có thể tăng số lượng nhân lực. Bên cạnh đó, cần phải tích cực đào tạo tiếng Anh và các kỹ năng mềm, khuyến khích nghiên cứu khoa học giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có thể giải quyết các vấn đề thực tế.
Ngoài ra, các trường đại học về công nghệ và kỹ thuật cũng cần thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế thông qua quá trình thực tập và có cơ hội tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, cũng như để chuẩn hóa những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Khi đó, chuẩn đầu ra của trường học sẽ được thống nhất với chuẩn đầu vào của doanh nghiệp, điều này sẽ bảo đảm nguồn cung ứng nhân lực theo đúng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiện nay, một lượng đáng kể nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã đi nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp, cần những nỗ lực đáng kể để có thể giữ chân được nguồn nhân lực này, cũng như tiến tới có chính sách để thu hút các sinh viên CNTT ở nước ngoài trở lại làm việc tại Việt Nam.
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực là nữ giới trong lĩnh vực CNTT. TS Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Chương trình tiên tiến Kỹ thuật y sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần có thêm những chính sách động viên, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho nữ giới tham gia làm việc trong lĩnh vực CNTT và có thể nắm giữ các vị trí tương đương nam giới. Các trường đại học phải thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề, thành lập các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật dành cho nữ giới; tổ chức các khóa học ngắn hạn để đưa giảng viên, sinh viên nữ đi học tập tại nước ngoài về công nghệ kỹ thuật. Điều này sẽ giúp các nữ sinh viên ngành CNTT tự tin xin việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, nhà trường, doanh nghiệp, xã hội cần chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi quan điểm của xã hội; củng cố niềm tin, giúp phụ nữ yên tâm làm việc và theo đuổi đam mê công nghệ.
Hoàng Hữu Chung/qdnd.vn