Dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận với hàng loạt video, bài viết về tuyển sinh, tư vấn chọn ngành, chọn nghề trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng học sinh, phụ huynh cần cẩn trọng, tỉnh táo để chọn lọc kênh tham khảo, bởi không ít thông tin xuất phát từ ý kiến chủ quan, thiếu cơ sở, gây hoang mang cho nhiều học sinh cuối cấp.
Tiềm ẩn thông tin gây nhiễu
Hiện nay, các nền tảng số như Google, Facebook, Tiktok, Instagram,… không chỉ đáp ứng nhu cầu về giải trí và giao tiếp, còn trở thành lựa chọn hàng đầu trong việc tra cứu thông tin.
Nắm bắt được thời điểm học sinh trung học cuối cấp rất cần thông tin về ngành học và công việc, để thu hút thêm nhiều người dùng, trên các nền tảng này có rất nhiều những bài viết, video đề cập đến các ngành, nghề, đánh giá về chất lượng đào tạo của các trường, tư vấn hướng nghiệp,…
Lê Hạnh Nguyên, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại, phần đa các thông tin về trường và nghề đều được em tìm hiểu qua mạng. Facebook, Tiktok, website của các trường đại học là những nền tảng em thường tham khảo nhất”.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Các nền tảng công nghệ tạo nên nhiều kênh truyền thông mới, giúp công chúng, nhất là các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, lợi thế kết nối nhanh và bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ nội dung lại là điểm bất cập lớn. Vì người dùng dễ bị lôi cuốn bởi những hình ảnh bắt mắt, thậm chí giật gân, gây sốc, nhưng lại khó kiểm chứng thông tin”.
Mới đây, một tài khoản Tiktok có tên là H.Đ. đã đăng tải nội dung về “Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất”. Video này đã thu về khoảng 4,6 triệu lượt xem, gần 200 nghìn lượt like và 800 lượt bình luận.
Trong video, Tiktoker trên đã liệt kê: Quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing, quản lý nhân sự là những ngành học “vô dụng”, khuyên các bạn trẻ không nhất thiết phải đầu tư thời gian và công sức để theo đuổi ở trường đại học.
Một học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) nói rằng đã trở nên phân vân với lựa chọn của mình sau khi xem clip: “Em dự định sẽ theo học một trong các ngành truyền thông, ngôn ngữ Anh hoặc marketing. Nhưng các lý do được đưa ra trong đoạn video cũng khá thuyết phục, có lẽ em sẽ xem lại lựa chọn của mình” - học sinh này cho biết.
Xét từ góc độ tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Những nội dung này có thể sẽ khiến các bạn học sinh chênh vênh, ngờ vực, áp lực và mất phương hướng; dẫn đến mâu thuẫn tâm lý giữa lựa chọn của các em ở hiện tại và quyết định đã được xem xét cẩn thận trong thời gian dài trước đó”.
Thông tin nhiễu loạn có thể khiến nhiều học sinh trở nên hoang mang, mất thời gian để tìm hiểu và đối chứng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian ôn thi vốn đã eo hẹp của các bạn học sinh, mà còn tạo cảm giác bất an, dễ bị phân tâm vào thời điểm mà học sinh cần tập trung nhiều nhất.
Tỉnh táo và chọn lọc kênh tham khảo
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Ranh giới của việc chọn theo đuổi hay không một ngành, nghề nào đó có thể rất mong manh ở vài thời điểm quan trọng. Nếu chọn sai ngành học phù hợp, học sinh sẽ phải gánh chịu những hậu quả về lâu dài”.
Đứng trước nhiều sự lựa chọn về trường đại học và nghề nghiệp tương lai, học sinh cần cẩn trọng hơn trong việc tham khảo thông tin qua mạng. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi học sinh mà cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội.
Thạc sĩ Đỗ Thị Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, gần như ai cũng sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, nhà trường có trách nhiệm định hướng cho học sinh dùng như thế nào để tra cứu thông tin về tuyển sinh, hướng nghiệp cho hợp lý. Ngoài ra, năm nào trường cũng kết hợp với các trường đại học để tổ chức tư vấn tuyển sinh cho các em”.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần có trách nhiệm trong việc chủ động rà soát các nội dung đăng tải, phạt những video đưa tin sai sự thật. Những nhà sáng tạo nội dung số cũng cần nâng cao đạo đức và văn hóa truyền thông, cam kết chia sẻ những thông tin khách quan, chân thực và tuyệt đối không sản xuất những nội dung thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh.
Song, khi là người sử dụng mạng xã hội, mỗi học sinh nên nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin, tham khảo từ nhiều kênh tư vấn tuyển sinh uy tín, từ ý kiến của gia đình và nhà trường. Hơn hết, các bạn học sinh cần lắng nghe mong muốn của chính bản thân mình, để xác định rõ niềm đam mê, sở thích, từ đó, mới có thể đưa ra lựa chọn ngành học đúng đắn và phù hợp nhất.
NGỌC KHÁNH