Phó Giáo sư kể chuyện "chôm" bài luận của ChatGPT

Chủ nhật, 09.04.2023 | 09:43:31
785 lượt xem

Nói về khả năng của phần mềm trí tuệ nhân tại ChatGPT, PGS.TS Đinh Điền tiết lộ ông "chôm" luôn bài luận do ChatGPT viết, không sửa một chữ nào.

Bài luận ChatGPT viết, giáo sư chỉ cần... điền tên 

Câu chuyện được PGS.TS Đinh Điền, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ tại hội thảo "Đổi mới dạy - học với ChatGPT và trí tuệ nhân tạo" do trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục tham gia. 

Ông Điền kể, trước hội thảo ông đã yêu cầu CHATGPT viết bài tham luận về chủ đề đổi mới dạy học với ChatGPT và AI cùng các nội dung về văn phong, đối tượng, độ dài khoảng 2.000 từ, ngôn ngữ cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Phó Giáo sư kể chuyện chôm bài luận của ChatGPT - 1

PGS.TS Đinh Điền (Ảnh: Q.T).

Ông Điền chiếu bài tham luận lên bảng chiếu và khẳng định đây là bài do máy viết ChatGPT làm, ông không sửa một chữ nào. Ông chỉ làm động tác duy nhất là đưa tên ChatGPT vào phần tác giả.

"Tôi không sửa một chữ nào vì ChatGPT viết hay hơn mình nhiều. Nó viết cụ thể từng phần I, phần II rồi tới 1, 2, phân tích, hướng dẫn sử dụng, kết luận. Phần viết tiếng Việt đã hay, tiếng Anh còn hay hơn nữa", PGS.TS Đinh Điền cho hay. 

Nói về khả năng của ChatGPT, ông Điền tiết lộ: "Trước đó, khi gửi bài luận này cho người đề nghị viết, tôi xin lỗi là tôi dán tên tôi vào, tôi đã qua mặt ChatGPT, nghĩa là tôi "ăn cắp" của nó". 

PGS.TS Đinh Điền nhấn mạnh ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung đem đến nhiều cơ hội trong giáo dục đại học. Nhưng đi cùng đó là hàng loạt thách thức, nổi cộm là về đảm bảo chất lượng, các vấn đề đạo đức, tính chính xác và đặc biệt là quyền riêng tư của giảng viên, sinh viên và an toàn dữ liệu... 

Ông cho rằng các nhà quản lý, người dạy và người học cần có sự hợp tác, áp dụng các giải pháp và hướng dẫn sử dụng ChatGPT và AI một cách hiệu quả. 

"Xóa mù AI" khi trí tuệ nhân tạo là ngữ pháp của thế kỷ 

GS.TS Hoàng Văn Kiếm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, trường ĐH Quốc tế Sài Gòn nhấn mạnh, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới về trí tuệ nhân tạo. Chúng thay đổi việc làm, dạy học khiến mỗi người không thể "giẫm chân một chỗ".

Trước lo ngại AI sẽ kéo theo tình trạng thất nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Kiếm dẫn số liệu từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong 5 năm tới có khoảng 45% công việc không cần kỹ năng cao sẽ bị thay thế bởi Al.

Phó Giáo sư kể chuyện chôm bài luận của ChatGPT - 2

Ca sĩ ảo tại Việt Nam được chiếu tại hội thảo để nói về khả năng khó ngờ của AI trong đời sống (Ảnh: H.N).

Nhiều nghề nghiệp mất đi nhưng cũng có rất nhiều công việc mới ra đời. Ông Kiếm chia sẻ, thống kê từ Đức cho thấy khả năng đến năm 2025, cách mạng công nghiệp 4.0 dự kiến sẽ tạo ra khoảng 350.000 việc làm mới, tương đương tăng 5% so với hiện tại trong 23 ngành sản xuất đã tham gia nghiên cứu. 

Tương lai công nghệ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản xuất nhưng dự báo sẽ tạo ra 960.000 việc làm chất lượng cao hơn. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghệ thông tin, phân tích, nghiên cứu và phát triển sẽ cần thêm 210.000 nhân sự chất lượng cao.

Khẳng định AI, đặc biệt là ChatPT sẽ thay đổi cách dạy và học, GS.TS Hoàng Văn Kiếm đề xuất Sở GD&ĐT TPHCM sớm xây dựng chương trình cùng giáo trình hỗ trợ các trường phổ thông tiếp cận với trí tuệ nhân tạo một cách hợp lý. Cụ thể, Sở có thể thực hiện thí điểm từng bước đưa AI vào giảng dạy học sinh ở các môn nghệ thuật, khoa học tự nhiên. 

Điều này, theo ông Kiếm, có thể vừa góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên vừa nâng cao chất lượng học tập và năng lực học sinh…

Giáo sư Hoàng Văn Kiếm cho rằng sự xuất hiện của ChatGPT sánh ngang với sự xuất hiện của máy tính, internet, điện thoại thông minh. ChatGPT đã đánh bại 99% học sinh trong kỳ thi Olympic sinh học, đánh bại 90% số người trong kỳ thi sát hạch luật sư, đạt số điểm 1.410 trong kỳ thi SAT. 

Điều này đòi hỏi việc dạy học phải chuyển sang hướng sáng tạo, trường học phải chuyển sang mô hình trường học sáng tạo, thầy trò phải dạy học trên tinh thần sáng tạo.

Người thầy phải biết dùng ChatGPT để có một giáo án hay. Giáo viên các trường phổ thông cần phải đi trước một bước, có những chuẩn bị để hướng dẫn cho học sinh, phối hợp sử dụng ChatGPT để tạo ra các bài giảng sinh động, bổ ích và phải có kiểm soát.

Phó Giáo sư kể chuyện chôm bài luận của ChatGPT - 3

ChatGPT gây kinh ngạc khi vượt qua được 2 bài kiểm tra về luật và kinh doanh được đánh giá là cực kỳ khó tại Mỹ (Ảnh: YN).

GS.TS Hoàng Văn Kiếm thông tin, hiện tại trên thế giới có khoảng 20 quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Quatar, Hàn Quốc… đã đầu tư cho thế hệ trẻ bằng việc đưa trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy.

Liên hợp quốc khuyến cáo trí tuệ nhân tạo sẽ là ngữ pháp của thế kỷ 21 và kêu gọi các quốc gia phải "xóa mù trí tuệ nhân tạo". Bởi vậy, ông Kiếm nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam cũng phải hướng tới trí tuệ nhân tạo.


Hoài Nam/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/pho-giao-su-ke-chuyen-chom-bai-luan-cua-chatgpt-20230408003558594.htm

  • Từ khóa