Một điểm nhấn trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 của Báo Người Lao Động là những buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp THPT cho hàng trăm giáo viên tại các địa phương
Tại buổi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên ở tỉnh Ninh Thuận chiều 8-4, bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Ninh Thuận, cho biết giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh là công tác rất quan trọng, một trong những nhiệm vụ của thầy cô để giúp học sinh chọn đúng ngành, làm đúng nghề. Song hiện nay, giáo viên còn lúng túng trong công tác hướng nghiệp.
Hướng nghiệp mới chỉ ở phần "ngọn"
Bà Thi nhận xét chương trình được Báo Người Lao Động tổ chức 22 năm nay có những hiệu quả rõ rệt, giúp học sinh lựa chọn đúng trường, đúng nghề theo học. Chương trình giúp thầy cô có cái nhìn khái quát về công tác hướng nghiệp. Qua chương trình, thầy cô sẽ mạnh dạn chia sẻ những khó khăn khi thực hiện công tác hướng nghiệp.
Giáo viên tỉnh Ninh Thuận đặt câu hỏi với các chuyên gia hướng nghiệp .Ảnh: QUANG LIÊM
Với cương vị người đã từng hướng nghiệp cho học sinh, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Nhị, nguyên giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Ninh Thuận), nhận thấy hướng nghiệp ở Việt Nam thiếu thông tin về các ngành nghề và lĩnh vực. Ở thời gian học phổ thông, các em ít được tìm hiểu về thông tin của các ngành nghề trong thực tế.
Thứ hai là các em không có điều kiện đi trải nghiệm ở công ty, cơ quan, xí nghiệp… để hiểu về ngành nghề đó. Thậm chí, các em còn không biết ngân hàng là gì, nên chưa hình dung được mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ. Do đó, từ cuối bậc THCS, học sinh nên được đi tham quan thực tế ở cơ sở, có những buổi nói chuyện cùng nhân sự làm ở các ngành nghề.
"Thêm nữa, ngoài việc cung cấp thông tin hướng nghiệp cho học sinh, cũng cần thông tin cho phụ huynh một cách bài bản. Bởi phụ huynh là một nhân tố quan trọng trong quá trình quyết định ngành nghề của con, nếu phụ huynh hiểu đúng sẽ giúp học sinh chọn đúng" - cô Nhị chia sẻ.
Trước đó, tại chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho hơn 200 giáo viên tại tỉnh Quảng Trị, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Giáo viên tỉnh Quảng Trị chia sẻ khó khăn trong công tác hướng nghiệp khi giáo viên phần đông phải kiêm nhiệm nhiệm vụ này .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Phương, hiện nay, trong chương trình giáo dục trung học, công tác hướng nghiệp được thực hiện thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp (chương trình Giáo dục phổ thông 2006) và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) đã được thực hiện, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề.
Tuy nhiên, theo ông Phương, ở khía cạnh chung, công tác hướng nghiệp hiện nay trong học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ. Thậm chí, có địa phương học sinh không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt đậu ĐH. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và hệ lụy là bị đào thải, khó tìm được việc làm sau khi ra trường.
Ông Phương nhìn nhận chất lượng giáo dục hướng nghiệp hiện nay không được như mong muốn bởi đội ngũ giáo viên phần lớn là kiêm nhiệm. Dù cố gắng thế nào, họ cũng không thể bằng các chuyên gia, những người có bề dày kinh nghiệm…
Tùy hoàn cảnh để lựa chọn
Một cô giáo đến từ Trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Ninh Thuận) cho hay nhiều học sinh rất muốn học ĐH, ra trường xin được việc làm ổn định và có thu nhập cao, song thực tế thì khó để đạt được như vậy. Làm sao để giáo viên có thể tư vấn cho các em đi đúng hướng và đạt được mong ước này?
Theo TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, tỉ lệ thất nghiệp trên thế giới khá cao, kể cả các nước phát triển. Theo Tổng cục Thống kê, nước ta có khoảng 52 triệu lao động phổ thông, trong đó tỉ lệ thất nghiệp khoảng 4%. Điều này không cần phải quá lo lắng. Tình trạng thất nghiệp cũng có vai trò kích thích các doanh nghiệp phải có giải pháp để nâng cao chất lượng lao động, điều kiện lao động và lương; đồng thời kích thích các cơ sở giáo dục phải cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, các thầy cô cũng cần tư vấn cho học sinh rằng không phải học càng cao sẽ làm giảm tỉ lệ thất nghiệp. Nếu tốt nghiệp ĐH, sau ĐH thì yêu cầu làm việc, lương, thưởng... của họ sẽ khác với người tốt nghiệp THPT hay trung cấp, CĐ. Điều này còn phụ thuộc mong muốn, trình độ, nhu cầu của mỗi người. Muốn có việc làm ổn định, lương cao, các em cần phải được đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao và phải chọn ngành phù hợp năng khiếu.
"Như vậy, giáo viên phải phân tích cho học sinh thấy mỗi con đường sẽ có ưu và nhược điểm riêng, tùy hoàn cảnh để các em lựa chọn. Nếu học sinh tốt nghiệp THPT và tham gia thị trường lao động ngay thì cơ hội tiếp tục học tập vẫn còn, thậm chí học lên thạc sĩ, tiến sĩ" - ông Nghệ nhấn mạnh.
Chia sẻ với giáo viên tỉnh Quảng Trị, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhấn mạnh công tác hướng nghiệp phải đi trước, xuyên suốt, lâu dài từ bậc THCS, chứ không phải từ khối THPT. TS Trần Đình Lý cho hay hiện nay có tình trạng "ai cũng có thể hướng nghiệp". Trong đó, có những kênh thông tin không chính thống, đưa ra thông tin không chính xác, gây ra sự hoang mang, cú sốc lớn cho học sinh, giáo viên. "Chẳng hạn, gần đây lan truyền thông tin những ngành học "vô dụng" nhất" - TS Trần Đình Lý ví dụ. Đưa ra bộ công cụ trắc nghiệm - định hướng nghề nghiệp, TS Trần Đình Lý cho rằng đã có những hướng dẫn để giáo viên hướng dẫn lại học sinh.
Theo TS Phạm Như Nghệ, đánh giá khó khăn trong công tác hướng nghiệp hiện nay không hề nhỏ. Ông phân tích thời gian dành cho hướng nghiệp ở trường phổ thông không nhiều. Chế độ, chính sách dành cho giáo viên hướng nghiệp cũng không nhiều. Trong khi đó, đào tạo giáo viên chỉ để dạy hướng nghiệp hơi khó, nên cần làm sao để dù không được đào tạo nhưng giáo viên vẫn làm tốt công tác hướng nghiệp.
"Bộ GD-ĐT cảm ơn Báo Người Lao Động nhiều năm qua luôn đồng hành với các trường ĐH, trường phổ thông; thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao, đặc biệt trong công tác hướng nghiệp cho học sinh lẫn giáo viên" - ông Nghệ nói.
Vai trò giáo viên rất quan trọng
Theo TS Phạm Như Nghệ, các thầy cô muốn làm hướng nghiệp tốt thì cần phân biệt khái niệm "nghề" và "ngành" khác nhau. Chẳng hạn, nghề giáo viên nhưng không nhất thiết phải học sư phạm ra mới làm được. Trong khi đó "ngành" là do Bộ GD-ĐT quy định. "Giáo viên có nhiệm vụ giúp học sinh lựa chọn ngành học phù hợp nhất với năng lực, sở trường và điều kiện của các em" - ông Nghệ nói.
Dẫn chứng từ thực tế, TS Phạm Như Nghệ cho biết nhiều học sinh hỏi rằng có nhất thiết phải học ĐH không? Nhiệm vụ của chúng ta là phân tích cho các em học hay không học ĐH có những ưu và nhược điểm gì? Tốt nghiệp ĐH có mức lương ra sao và nếu không có bằng ĐH thì mức lương thế nào?
Cũng có trường hợp, người thầy cần phân tích cho học sinh hiểu rằng học sinh nào có điều kiện thì học ĐH, ít điều kiện hơn thì học CĐ hoặc cũng có thể học trong nước hoặc nước ngoài. Kể cả cập nhật thông tin cho học sinh thấy rằng không phải học sinh nào học ở nước ngoài về Việt Nam đều thành công dù điều kiện ở nước ngoài có nhiều nơi tốt hơn Việt Nam; tỉ lệ học sinh Việt Nam học ở nước ngoài cao nhưng tỉ lệ hoàn thành chương trình học không nhiều... "Giáo viên có nhiệm vụ thông tin cho học sinh những điều đó, ưu điểm và nhược điểm; lựa chọn làm sao để phù hợp với điều kiện của các em" - ông Nghệ nói.
Nguyễn Thuận - Đặng Trinh