Để duy trì, phát triển văn hoá đọc cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thư viện. Qua đó, giúp lan toả tinh thần đam mê đọc sách, kích thích học sinh tăng cường tham gia các hoạt động khuyến đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đa dạng hình thức, phong phú nội dung, hoạt động hiệu quả là phương châm xây dựng thư viện trường học của Trường Tiểu học Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn trong những năm gần đây. Với ý tưởng xây dựng mô hình thư viện gắn liền với môi trường thiên nhiên và các hoạt động vui chơi, giải trí “chơi mà học”, ngoài mô hình thư viện truyền thống thì nhà trường đã xây dựng thêm 2 mô hình mới đó là “thư viện xanh” và “thư viện thân thiện”. Để hiện thực hoá ý tưởng này, nhà trường đã xã hội hoá kinh phí, đầu sách cho thư viện. Bà Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để bổ sung phong phú đầu sách và duy trì hoạt động của thư viện, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách. Hiện nay, thư viện của nhà trường có hơn 1.000 đầu sách phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Thời gian qua, ngoài thời gian đọc sách của học sinh lúc ra chơi, đầu giờ vào lớp hoặc giờ tan học, nhà trường còn bố trí các tiết học linh hoạt, có những hoạt động tập thể nhằm khuyến khích học sinh tham gia đọc sách.
Học sinh Trường Tiểu học Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn đọc sách, truyện tại thư viện nhà trường
Hay như tại Trường THCS thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, nhà trường đã cải tạo thư viện truyền thống, bố trí thêm không gian phòng đọc, sơn sửa, thiết kế tranh trang trí tường; mua sắm bàn ghế, giá sách, các bộ đồ chơi dân gian, nệm lót sàn… và xây dựng thêm thư viện ngoài trời, thư viện lớp học. Học sinh không chỉ mượn sách, đọc sách mà còn có thể cùng nhau tham gia các hoạt động bổ ích như: vẽ tranh, kể chuyện, chơi trò chơi dân gian, cờ vua, cờ cá ngựa tại thư viện. Em Ma Bích Diệp, lớp 9A2, Trường THCS thị trấn Thất Khê cho biết: Em rất thích đọc sách tại thư viện ngoài trời của nhà trường. Tại đây không gian thoáng, nhiều cây xanh giúp em hứng thú đọc sách hơn nên em thường xuyên cùng các bạn đến thư viện để tìm kiếm những loại sách mà mình yêu thích.
Năm học 2022 – 2023 toàn tỉnh có 674 trường học với trên 200.000 học sinh. Không chỉ tại 2 trường học trên, hiện nay 100% trường từ bậc tiểu học đến THPT có ít nhất 1 mô hình thư viện trở lên. Tại các mô hình này được bày trí, tu sửa theo nhiều hình thức khác nhau tuỳ vào điều kiện của từng trường học, nổi bật là các mô hình: thư viện xanh, thư viện ngoài trời, thư viện lớp học, thư viện thân thiện… Đối với cấp tiểu học và THCS, thư viện được các trường cải tạo, chỉnh trang bắt mắt, đặt ở những vị trí dễ nhìn, lồng ghép thêm các trò chơi tại thư viện. Ở cấp THPT, nội dung đầu sách được thay đổi nhiều hơn so với 2 cấp học dưới, chủ yếu là sách tham khảo, sách nghiên cứu và có tích hợp thêm thư viện trực tuyến để các em dễ dàng tìm kiếm thông tin phục vụ trong quá trình học tập.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hằng năm, mỗi trường đều dành một khoản kinh phí để đầu tư đổi mới, cập nhật thêm đầu sách, xây dựng thêm nhiều mô hình thư viện trong khuôn viên nhà trường. Ngoài việc sử dụng nguồn ngân sách, các trường còn vận động phụ huynh, học sinh cũng như các nhà hảo tâm đến ủng hộ sách, hỗ trợ xây dựng, trang trí các mô hình thư viện. Cùng đó, hằng tháng, các trường tổ chức luân chuyển, thay đổi sách để cho học sinh có điều kiện được đọc nhiều loại sách hơn, từ đó chất lượng đọc sách, báo được nâng lên rõ rệt. Tính trung bình một học sinh mượn về nhà ít nhất 5 cuốn sách/năm học. Trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu buổi học, sinh hoạt dưới cờ… học sinh đã biết giới thiệu những cuốn sách hay cho bạn, nêu được những suy nghĩ của mình về nội dung cuốn sách.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian qua, các trường học đã thực hiện tốt việc đa dạng mô hình thư viện góp phần lan tỏa văn hoá đọc trong nhà trường. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi mong muốn các trường học tiếp tục triển khai các giải pháp sát thực hơn nữa để nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Mục tiêu chính là tìm cách tốt nhất để thu hút học sinh, nâng cao ý thức và hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày cho học sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao số lượng đầu sách và đa dạng chủng loại, phục vụ tích cực nhu cầu tìm hiểu, học tập của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Cùng với những đổi mới, đa dạng mô hình thư viện trường học, nhân dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam (21/4), một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức ngày hội sách và các hoạt động, cuộc thi thú vị gắn với sách như: thi kể chuyện theo sách, giới thiệu các cuốn sách hay, xếp mô hình sách, tọa đàm, trao đổi phương pháp tìm và đọc sách trên internet, các hoạt động quyên góp, trao tặng sách…
Có thể nói, việc đa dạng các mô hình thư viện trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phát triển văn hoá đọc, phục vụ tốt hơn việc học tập và rèn luyện của học sinh, đồng thời góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/576434-da-dang-mo-hinh-thu-vien-trong-truong-hoc.html