Biết tận dụng sức mạnh của công nghệ, khơi dậy đam mê và khả năng học tập của học sinh, nâng cao năng lực cho giáo viên và từng bước tạo ra những tiết học hấp dẫn, đó chính là dấu hiệu tích cực cho thấy nhiều ngôi trường đã và đang đổi mới từng ngày.
Việc học trở nên thú vị hơn
Trò chuyện “trực tiếp” cùng ông Alexander Parkes, nhà phát minh và luyện kim đến từ Birmingham (Anh) ở cuối thế kỷ 19, những học sinh lớp 10 Trường THCS-THPT Newton (Hà Nội) đã có một tiết thực hành Ngữ văn vô cùng sinh động và hấp dẫn về chủ đề rác thải nhựa. Để tạo ra cuộc trò chuyện như thật với cha đẻ của loại nhựa nhân tạo đầu tiên, nhóm học sinh đã dùng tới sự hỗ trợ của 3 ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ đó, bức ảnh ông Alexander Parkes có thể cử động khuôn mặt và mấp máy môi như đang nói chuyện. Cùng với đó, tiếng nói cũng được phát ra, trả lời các câu hỏi của nhóm giống như ông đang đối thoại về những vấn đề mà học sinh quan tâm. Tương tự, bài thuyết trình của nhóm khác lại dùng AI để lên ý tưởng, những bức ảnh được tạo nên dựa theo sự suy nghĩ, mô tả của các em. Cứ thế, với sự hỗ trợ của công nghệ, học sinh được thỏa sức sáng tạo và truyền tải hiệu quả thông điệp muốn nói.
Học sinh Trường THCS-THPT Newton (Hà Nội) ứng dụng công nghệ để hỗ trợ những dự án bài tập. |
Việc khuyến khích học sinh sử dụng mọi công cụ mà các em có để tạo ra bài thuyết trình vừa thể hiện được kỹ năng nói và nghe để thuyết phục người khác đồng tình với quan điểm của mình, vừa làm tiết học trở nên thú vị, sôi nổi hơn. Kết thúc tiết học là những kiến thức được các em ghi nhớ ngay trên lớp, ngay trong quá trình ứng dụng công nghệ vào học tập.
Chia sẻ về phương pháp dạy học này, cô Hoàng Thị Mận, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Newton (Hà Nội) cho biết: “Trong "thế giới phẳng" hiện nay, việc tìm kiếm kiến thức có rất nhiều kênh. Sử dụng AI, trong đó người máy hội thoại là một kênh như vậy. Những thông tin được tìm kiếm nhanh, sát với nhu cầu người học nên rất phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thay vì những câu hỏi và hoạt động học tập theo kiểu đo kiến thức người học, giờ đây là những câu hỏi mở. Từ kiến thức, học sinh có thể tra cứu và vận dụng để có những giải pháp, ý tưởng, ứng dụng vào cuộc sống thiết thực. Những ứng dụng từ AI giúp định hướng giáo dục thế hệ trẻ cũng cần có sự thay đổi”.
Còn với sinh viên chuyên ngành máy tính lại mổ xẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo một cách học thuật hơn. Sinh viên Đặng Vũ Hoàng Hiệp, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, những công nghệ mà ChatGPT sử dụng là những công nghệ mà em đã được học, tuy nhiên trước đây, công nghệ đó mới chỉ ứng dụng trong môi trường học thuật, chưa sử dụng mang tính thương mại như hiện nay. AI quản lý một kho dữ liệu khổng lồ, giải đáp thắc mắc không giới hạn, tổng hợp thông tin và đưa ra đáp án cho con người tham khảo, sử dụng. Từ đây, yêu cầu cho cả người dạy và người học phải thay đổi quyết liệt phương pháp dạy và học, không thể đóng khung vào lề thói cũ, tư duy cũ. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả những ứng dụng từ AI, cần có thời gian trải nghiệm, quản lý chặt chẽ các cấp.
Tiếp cận việc học theo cách mới
Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX, đơn vị đào tạo thuộc Công ty Cổ phần FPT mong muốn tiếp cận việc học theo cách mới, giúp việc đào tạo khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên trên internet. Do đó, một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo là ChatGPT đã được tích hợp vào hệ thống chat nội bộ, sinh viên có thể trải nghiệm, thoải mái phỏng vấn chatbot.
Bà Lê Minh Đức, CEO FUNiX chia sẻ: “Hiện nay, việc đặt câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời bởi có câu hỏi đúng sẽ có câu trả lời đúng. Vì thế, dựa trên việc cứ hỏi thật nhiều, người học sẽ tìm được kiến thức cho mình. Học viên có thể hỏi thoải mái mà không ngại ngần. Người học được hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến thức cơ bản nên càng sẵn sàng hơn khi kết nối với người hướng dẫn thật để tìm hiểu những vấn đề cần hỏi”.
TS Phạm Quang Dũng, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trước đây, chúng ta dạy người học trả lời thì bây giờ, chúng ta hãy dạy người học đặt câu hỏi; hay trước đây, người học tìm kiếm nội dung trả lời thì nay mong muốn người học tìm cách có được câu trả lời. Việc sử dụng công nghệ AI là việc quan trọng để cải tiến mọi người, thay vì cản người học sử dụng, các thầy cô đang đau đầu nghĩ cách đánh giá mức độ hiểu của sinh viên về bài học.
Ngành giáo dục trong những điều kiện cho phép có thể tích hợp dùng ChatGPT một cách cân nhắc và có kiểm soát như sử dụng trong một số hoạt động dạy học mang tính gợi mở, khám phá thông tin sơ bộ. Trái ngược với những lo lắng về tính gian lận của ChatGPT trong giáo dục, nhiều nhà trường tin tưởng điều đó sẽ mang đến cuộc cách mạng trong giáo dục. Nếu ChatGPT có thể vượt qua các kỳ thi thì trường học cần phải thay đổi chính các kỳ thi đó. Về phía thầy cô, họ cũng đang tăng tốc tìm hiểu hằng ngày, thử nghiệm và học thêm công nghệ thông tin để thay đổi. Bên cạnh việc dạy học sinh theo tiến trình của bài, giáo viên đã bổ sung thêm những hình ảnh minh họa, các thiết kế tại lớp được giáo viên và học sinh cùng làm, tạo sự hấp dẫn đối với học sinh.
Có thể nói, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đã mang đến thay đổi lớn. Việc giảng dạy và học tập trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn, đồng thời cũng mở ra cơ hội học tập cho nhiều học sinh hơn.
HOÀNG LÊ LAN
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/ai-giup-thay-doi-cach-day-va-hoc-726208