Để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, vợ chồng thầy Mãi đã hiến 1.700m2 đất để xây trường. Vợ chồng thầy cũng nhận làm lao công, bảo vệ không lương ở ngôi trường mình dạy.
Suốt nhiều năm qua, thầy giáo Phan Văn Mãi (44 tuổi, công tác tại trường tiểu học Trinh Phú 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã nổi tiếng ở địa phương khi tự nguyện hiến tặng 1.700m2 đất của gia đình để xây dựng trường. Không chỉ vậy, gia đình thầy Mãi còn tình nguyện làm lao công miễn phí suốt nhiều năm ở ngôi trường thầy công tác.
Đem con chữ đến với học sinh nghèo
Thầy Mãi chia sẻ, thầy sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng quê xa, điều kiện học tập rất khó khăn. Cũng vì xa trường, xa lớp, không ít bạn bè của thầy đã bỏ học khi chưa xong cấp I, rồi cuộc đời luẩn quẩn trong khốn khó.
Lớp mầm non khang trang do thầy Mãi vận đồng xây dựng (Ảnh: CTV).
"Thấy vậy, từ nhỏ tôi đã quyết tâm học để làm giáo viên, để đưa con chữ về gần hơn với học sinh nghèo, để lớp trẻ có cơ hội thoát khỏi vòng lặp nghèo khó. Tốt nghiệp, tôi liền tình nguyện về công tác ở điểm lẻ của trường Tiểu học Trinh Phú 3. Đây là điểm trường xa trung tâm nhất, có nhiều học sinh đồng bào Khmer. Thời điểm, tôi về công tác tại trường, cơ sở vật chất nơi đây rất tồi tàn.
Hồi đó đời sống còn nghèo, chuyện học hành của con em chưa được phụ huynh quan tâm, cũng vì trường xa nên tỷ lệ trẻ đến lớp rất thấp. Tôi cùng đồng nghiệp đã phải đi vận động từng nhà, thậm chí dậy sớm đến đón trẻ thì mới có học sinh để dạy", thầy Mãi nói.
Thầy Mãi kể, vì điều kiện dạy học đặc thù, suốt hơn 20 năm công tác, không chỉ phải cập nhật kiến thức chuyên môn, thầy luôn phải tìm cách để thích ứng và truyền tải kiến thức phù hợp điều kiện tiếp thu của học sinh, từ đó kích thích học sinh tự học và thích đi học.
Sau khi đưa được học sinh đến lớp, giữ được học sinh ngồi học, nhưng cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp cũng trở thành rào chắn giữa thầy và trò, giữa trẻ em nghèo với con chữ.
Thầy Mãi trong ngôi trường xây dựng trên đất vợ chồng thầy hiến tặng (Ảnh: CTV).
Những năm 2000, điểm trường thầy công tác không đủ bàn ghế cho học sinh ngồi, số bàn ghế có sẵn cũng sứt mẻ, ọp ẹp.
"Năm 2009, ngôi nhà dạy học chính của điểm trường xuống cấp đến mức thầy trò cứ bước vào là sợ. Ngành giáo dục của tỉnh bảo rằng chỉ bố trí được kinh phí để xây nhà học mới chứ không đủ tiền mua đất, điểm trường lại quá nhỏ hẹp để xây dựng.
Vợ tôi cũng là giáo viên trong trường, thấy vậy 2 vợ chồng bàn với nhau rồi quyết định hiến mảnh đất 1.700m2 mà cả 2 tích cóp tiền lương, tiền làm ngoài gần 10 năm mới mua được", thầy Mãi nói.
Tan sở thành người lao công thầm lặng
Có nhà học mới, nhưng nhà trường lại không có kinh phí để thuê lao công, bảo vệ. Vợ chồng thầy Mãi lại quyết định "nhận thầu" 2 đầu việc này.
13 năm qua, cứ sau khi tan trường, vợ thầy Mãi lại cầm chổi đi quét rác, còn thầy thì cầm giẻ đi lau bảng, cầm xô đi quét dội nhà vệ sinh. Đêm đến thầy Mãi cũng "cầm canh" rọi đèn làm bảo vệ điểm trường. Thầy Mãi cũng kiêm luôn bảo trì, sửa chữa vật dụng hỏng hóc của điểm trường.
"Tất nhiên là làm không công rồi. Tan học mình bỏ thêm chừng tiếng đồng hồ là xong hết. Một là nhà trường không bố trí kinh phí cho công tác quét dọn với bảo vệ, 2 là nếu có thì mình cũng không nhận mà sẽ quyên lại để mua sách tập cho học sinh nghèo", thầy Mãi cười xòa.
Lãnh đạo Trường Tiểu học Trinh Phú 3 cho biết, vì ấp 3 ở xa trung tâm, đi lại khó khăn nên địa phương bố trí luôn một lớp mầm non trong điểm trường cấp I. Thế nhưng do không có kinh phí, lớp học chỉ được chắp ghép từ ván tạp, tôn lá mà nhà trường xin được từ khắp nơi trong
Mãi đến năm 2019, nhờ chương trình vận động của thầy Mãi, các cháu nhỏ trong ấp mới được mạnh thường quân hỗ trợ một phòng học kiên cố, khang trang.
Suốt 20 năm qua, thầy Mãi luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp (Ảnh: CTV).
"Vận động xây lớp học mẫu giáo có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi. Mãi mới mời được đơn vị tài trợ từ TPHCM xuống khảo sát, nhưng sau chuyến đi họ nói rằng không đạt tiêu chí giúp đỡ của họ. Đêm đó tôi thất vọng lắm, không ngủ được.
Dù không được hỗ trợ, tôi vẫn giữ tương tác, thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc của các cháu với người ta. Khoảng 10 ngày sau, giữa đêm bỗng lãnh đạo của họ bất ngờ liên hệ, nói rằng sẽ du di xây cho ấp một lớp mẫu giáo kèm thiết bị học tập với kinh phí 200 triệu đồng. Đêm đó tôi lại mừng rớt nước mắt, không ngủ được", thầy Mãi kể.
Suốt những năm qua, thầy Mãi đã xây dựng nhiều chương trình kêu gọi, từ bàn ghế, thiết bị dạy học cho nhà trường đến sách vở, quần áo, xe đạp, máy tính cho học sinh nghèo.
Học sinh khuyết tật nhận được xe điện chuyên dụng từ những chương trình kêu gọi của thầy Mãi. Học sinh đặc biệt khó khăn còn được thầy Mãi vận động tặng nhà mới.
Không chỉ về vật chất, thầy Mãi còn quan tâm sức khỏe, tinh thần của học sinh. Những năm qua thầy đã cùng bạn bè thường niên tổ chức phá cỗ trung thu, phát quà, tặng dụng cụ y tế cho các em học sinh nghèo.
Ông Lê Văn Bảy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trinh Phú 3 cho biết, không chỉ có đóng góp nổi bật về vật chất cho trường, về chuyên môn từ năm 2003 đến nay thầy Mãi liên tiếp đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhiều sáng kiến dạy học của thầy Mãi đã được áp dụng rộng rãi trong ngành. Thầy Mãi luôn là người nêu gương trong các phong trào thi đua của trường, ngành giáo dục và địa phương.
"Với những cống hiến của mình, thầy Mãi đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan khác. Năm 2022 vừa qua, thầy Mãi đã được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc", ông Bảy cho biết thêm.
Theo dantri.com.vn